Bến thuyền Tràng An thuộc khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình, có khoảng 2.000 chiếc thuyền và cũng chừng đó những nữ tay chèo luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Mười lăm cây số là chiều dài khúc sông mà những phụ nữ này phải rẽ nước đưa khách khám phá vẻ đẹp non nước nơi đây...
Nhọc nhằn phận nữ lái đò
Những ngày cuối năm, tiết trời lạnh lẽo, lất phất mưa phùn, cả khu di tích chỉ có lác đác vài du khách. Dưới sông Sào Khê (nhánh nối giữa hai sông Hoàng Long và sông Vân thuộc huyện Hoa Lư - Ninh Bình, chảy qua khu di tích cố đô Hoa Lư và quần thể hang động Tràng An), những chiếc thuyền nhỏ im lìm đậu sát vào nhau quanh bến. Trên bờ, từng tốp phụ nữ trong đội chèo đò mặc áo xanh đứng ngồi không yên trông ngóng khách dưới những tàn cây. Đội ngũ này lên tới gần 2.000 người song hầu hết đều là những phụ nữ tuổi trung niên. Không còn nhiều đất để cấy cày, nghề nghiệp không ổn định nên họ rủ nhau ra bến thuyền chèo đò mưu sinh. Mỗi chuyến, họ cật lực tay chèo suốt 15km đường sông và được trả 150.000 đồng tiền công.
Những cô lái đò luôn sẵn sàng chờ đến lượt chèo |
Từ năm 2008, khi danh thắng Tràng An được tu bổ và đưa vào hoạt động, diện tích ruộng lúa của các xã thuộc 2 huyện Gia Viễn vàHoa Lư được thu hồi để phục vụ du lịch, cũng là lúc chị em thuộc các địa phương trên được tạo điều kiện để vào đội lái đò. Trung bình, mỗi đò chở được từ 4-5 du khách đi xuyên các hang động Tràng An. Thời gian đầu nghề tương đối mang lại thu nhập ổn định vì khách đông mà số đò còn mỏng, nhưng nay chỉ mùa lễ hội họ mới có việc đều.
Đợi khách từ sáng sớm bất kể thời tiết, mỗi chị đều trang bị cho mình một chiếc làn đựng sẵn cạp lồng cơm, chai nước, áo mưa và chiếu cho khách ngồi. Tay gấp lại chiếc áo mưa sau cơn mưa phùn, chị Giang Thị Nhung (43 tuổi) thở than: “Mùa này trời lạnh lại hay mưa nên khách rất ít, chúng tôi chờ từ sáng tới giờ mà vẫn chưa tới lượt, dù vậy ngày mai vẫn phải đùm cơm ra bến chờ tiếp. Những tháng ít khách, có khi chúng tôi phải chờ cả tuần mới được cầm chèo”.
Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của những cô lái đò lúc đợi khách viếng đền |
Trong mùa lễ hội, khách du lịch đổ về đông, ngày nào may mắn một tay chèo có thể được nhiều hơn một chuyến. Cùng ngồi chờ khách, chị Lê Thị Thân (42 tuổi) cho hay: “Cực chẳng đã chị em chúng tôi mới phải theo nghề này. Đất ruộng xưa đã quy hoạch làm khu du lịch giờ ở quê chẳng còn miếng đất chọi chim chứ nói chi là gieo trồng. Thanh niên, đàn ông còn cơ may đi làm công ty, lao động dưới thành phố. Còn phụ nữ có tuổi như chúng tôi không đi xa được, cũng chẳng biết làm nghề gì nên ra đây xin nghề lái đò đắp đổi qua ngày”.
Vài du khách muốn thử chèo đò nhưng thường chỉ được ít phút |
Chúng tôi quyết định theo thuyền chị Dương Thị Quy (52 tuổi), một người đến với nghề từ ngày đầu, để biết cho tường tận những vất vả của họ. Dáng gầy guộc, sau vài cây số chèo luôn tay, chị Quy phải cởi bỏ chiếc áo mưa chống lạnh vì mồ hôi đã bắt đầu rịn ướt, dù ít phút trước vẫn còn co ro và răng đánh bò cạp. Chị kể, phần nhiều các chị đều nhỏ con, trong khi khách có là đàn ông hay người nước ngoài nặng đến cả tạ thì cũng phải căng mình lên chèo. “Cũng vì vậy mà dù có chèo quen thì tối về vẫn phải xoa bóp tay chân vì mỏi nhừ. Từ nhiều năm nay, tôi chẳng bao giờ tăng ký mà có lẽ không một lái đò nào lên ký…”- chị tâm sự. Cũng theo chị, thu nhập cũng tươm hơn vì thấy chị em chúng tôi cực nhọc, vất vả nên có khách cảm thương “bo” thêm cho ít đồng...
Như một phần di sản
Thăm thú Tràng An bằng thuyền hết một vòng, kể cả thời gian đợi khách ghé vào các điểm tâm linh cũng mất hơn hai giờ đồng hồ. Quãng đường dài không phải lúc nào cũng thẳng, rộng. Có những đoạn thuyền chuyển vào khúc hẹp, hai bên là núi đá vôi cao sừng sững hoặc phải luồn lách trong những hang động chỉ vừa một con đò. Qua những đoạn hiểm trở khiến người lái phải căng mình điều khiển, lèo lái cho con đò đi đúng hướng. Lái thật chuẩn để không va vào đá, du khách cũng không chạm vào những nhũ đá ở phía trên đầu. Sức lực của chị em bỏ ra là không hề nhỏ.
Để có một “mái chèo” tại bến Tràng An, người chèo đò phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề. Những kỳ sát hạch nghiêm túc trong hang Địa Linh dài hơn 400m và có nhiều đoạn khó đi thường xuyên được tổ chức. Phải vượt qua những phần thi cam go mới được cấp thẻ hành nghề của đơn vị khai thác du lịch. Mỗi lần thi có vài chục lái đò nhưng cũng không ít chị “non tay” nên bị loại. Có người thi đến lần thứ 3 mới đậu.
Trông ngóng chờ đến phiên |
Ngoài ra, với một nữ lái đò, yêu cầu của Ban quản lý di tíchTràng Ankhông chỉ là vượt qua kỳ thi sát hạch kể trên mà còn phải bơi giỏi, thạo địa hình sông nước để đảm bảo an toàn cho du khách. Các chị phải học biết những mẩu chuyện hay truyền thuyết về mỗi hang động, ngôi chùa, để có thể giới thiệu cho du khách. Đây cũng là cách quảng bá trực tiếp, sinh động những nét văn hóa, truyền thống lịch sử của Ninh Bình. Chị nào cũng có thể kể những sự tích thú vị của Hang Địa Linh, Hang Nấu Rượu, Hang Ba Giọt... Như chị Dương Thị Quy - người chèo đò chở chúng tôi khi đến hang nào cũng chậm mái chèo lại để kể tường tận sự tích hang đó, nó dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, tại sao lại có cái tên gọi như thế…, ở đó gắn liền với danh nhân gì. Đến đoạn nước xiết, vừa chậm lại tay chèo, người phụ nữ ngoài ngũ tuần còn nhỏ nhẹ nói khách phải cẩn thận, ngồi cho vững vì dưới có đá ngầm, trên có thạch nhũ… Sở dĩ có được điều này ngoài bản chất mộc mạc, mến khách của người quê, còn bởi những nữ lái đò ở đây cũng thường xuyên được trau dồi nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp, và hơn hết, họ hiểu rõ con sông, mỏm đá và mọi ngóc ngách... Chính điều này đã làm du khách không ít lần phải gật đầu ngạc nhiên trước sự am hiểu tường tận của những nữ lái đò chân đất nhỏ bé. Tự học hỏi, trau dồi, các nữ lái đò ở đất cố đô Hoa Lư có thể trả lời đầy đủ mọi thắc mắc của khách về lịch sử vùng đất quê nhà hay hơn những lời viết thành sách vở…
Gần 2000 chiếc thuyền trên Tràng An luôn sẵn sàng phục vụ khách |
Rời Tràng An, ngoài non nước hùng vĩ thì hình ảnh đọng lại trong lòng khách thập phương còn là chân dung sống động của những nữ tay chèo trong cách họ lao động, mưu sinh. Và ở một khía cạnh nào đó, họ đã như một phần của di sản hay một sứ giả du lịch ở vùng đất ngàn năm văn hiến.
Bình Minh
Bình luận