Thứ Bảy, 16 Tháng Tư, 2016 15:04

Phân luồng

Ngô Quốc Đông

Bấy lâu nay, nhiều tuyến phố tại Hà Nội được thí điểm phân luồng phương tiện giao thông : xe đạp, xe máy, ô tô đều có phần đường dành riêng. Tất cả ý thức chạy chầm chậm theo ranh giới quy định, tạo ra một sự ngăn nắp quy củ, ra dáng văn minh của giao thông đô thị.

Ban đầu, mọi việc suôn sẻ, nhưng rồi những vạch sơn phân luồng trên nền đường mờ dần theo thời gian. Các biển chỉ phần đường, cái thì đổ, cái thì bị nhổ đi. Nhiều người cũng mờ dần ý thức về phần đường mình được phép tham gia. Vậy là mạnh ai người ấy chạy, cứ chỗ nào thông thoáng là điều khiển xe vào. Ô tô quá nhiều chiếm hết cả phần đường xe máy. Còn người điều khiển xe máy phải chạy lên vỉa hè, thành ra vỉa hè không còn là chỗ cho người đi bộ, tạo ra cảnh các phương tiện dồn cục ở các điểm nút ngã tư, ngã năm. Và luồng giao thông trở thành bế tắc.

Tại nhiều tuyến phố, vỉa hè bị phân luồng cho gởi xe máy và ô tô, người đi bộ không có chỗ, chỉ còn biết đi xuống lòng đường. Việc xử phạt người đi bộ có lẽ phải được cân nhắc trong tình huống này, bởi họ không có đường để đi. Một số tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong tình huống này. Tại một số tuyến phố khác, ngành chức năng ra quân để xử phạt người tham gia giao thông đi sai luồng đường của mình. Vậy là lại có cả một bộ phận ra xử phạt để chỉnh luồng, thật đáng tiếc!

Nhìn cảnh này, chợt nghĩ ra, nếu trong cuộc sống mọi người đều có ý thức về việc phân luồng thì tốt biết mấy. Nếu mỗi vùng đất, cho đến cây trồng vật nuôi đều được phân luồng từ trước phù hợp với điều kiện bối cảnh khí hậu, thổ nhưỡng thì có lẽ không xảy ra cảnh mạnh ai người ấy trồng theo cách tự phát, và cảnh được mùa rớt giá chắc không xảy ra. Trong công việc cũng vậy, nếu như mọi người đều biết chuyên sâu trong chuyên môn đã lựa chọn, biết định hướng nghề nghiệp tốt, thì chắc ít người thất nghiệp, ít cử nhân - thạc sĩ phải bỏ bằng đi làm công nhân vì đã không biết phân luồng, lựa chọn cho mình một định hướng nghề nghiệp hợp lý.

Suy cho cùng, phân luồng thực chất là lựa chọn. Nếu chúng ta lựa chọn sai thì y như các phương tiện tham gia giao thông, rất dễ lãnh hậu quả. Sai trong luồng giao thông còn dễ điều chỉnh, nhưng khi sai trong việc phân luồng định hướng cuộc sống sẽ khó điều chỉnh hơn, bởi nó phức tạp hơn giao thông nhiều. Phân luồng còn là tự phân loại, tự đánh giá về mình trong tương quan với những cái khác. Khi chúng ta đánh giá sai năng lực, tự huyễn hoặc mình, hay quá tham vọng..., cũng rất dễ sa vào những luồng đường mà nó không thuộc về mình. Điều này thật nguy hiểm.

Tóm lại, ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, nếu có được sự phân luồng cụ thể và rành rẽ theo kiểu người nào việc nấy một cách khoa học hợp lý đúng theo năng lực, thì tất cả sẽ chuyển động một cách tốt đẹp. Ngược lại, nếu như cảnh chen ngang, chèn ép, lấn át, đố kỵ… còn phổ biến, thì cần phải điều chỉnh lại việc phân luồng cuộc sống một cách bài bản và hợp lý hơn để con người và xã hội vận hành ngày một văn minh, tiến bộ. ¦

Ngô Quốc Đông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm