Thứ Sáu, 07 Tháng Tám, 2015 17:00

Phát triển bền vững

Trận mưa lũ ở vùng Đông Bắc vừa qua gây thiệt hại lớn về người và của. Tại Quảng Ninh, nhiều hộ dân mất nhà cửa, nhiều công nhân dừng việc, những người xấu số thiệt mạng, du khách mắc kẹt trên đảo… Hiện tượng thực chất là mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Xem ra mối quan hệ này càng ngày càng tệ, bởi con người đang đang làm xấu đi mối tương quan đó. Các hiện tượng chặt rừng, khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên, phá vỡ môi trường sinh thái…  đã làm cho thiên nhiên giận dữ đáp trả lại những hành động của con người, cuối cùng, chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là những người dân nghèo khó sống ngay tại vùng có mức độ rủi ro cao, khả năng ứng phó với thiên tai yếu ớt.

 

Câu chuyện cho chúng ta nhiều suy nghĩ, đặc biệt về tình người giữa lúc lâm nguy, về sự tương trợ của tình quân dân, của chức trách với cộng đồng, với những người không may gặp nạn. Tuy nhiên, câu chuyện cũng cho ta những bài học, đặc biệt là bài học về phát triển bền vững.

Khái niệm phát triển bền vững được giải nghĩa nhiều trong các đại từ điển và bách khoa thư. Có điều chắc chắn đó là một thuật ngữ thời hiện đại khi sức phát triển của khoa học công nghệ đang hủy hoại đi nhiều cơ hội sống của con người và đẩy cao các nguy cơ rủi ro. Vậy bền vững là gì? Có lẽ chẳng cần quá lý luận dài dòng, thực chất chỉ là việc phát triển mà không ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu chúng ta thống nhất như vậy thì nhìn lại sự “tăng trưởng nóng” của nền kinh tế nước ta, có nhiều nguy cơ quá!

 

Sự phá vỡ rừng lấy gỗ, lấy đất trồng cây công nghiệp đã gây ra nạn lũ lụt, hạn hán, người dân tại chỗ mất không gian kinh tế và văn hóa, phải thích ứng với khung cảnh mới trong khi chưa có những kỹ năng nền tảng; các công trình thủy điện cũng đặt ra nhiều câu chuyện bền vững môi sinh. Nhiều khu công nghiệp mọc lên giữa làng quê yên tĩnh gây ô nhiễm tiếng ồn và nguồn nước; nông dân bỏ hoang “bờ xôi ruộng mật” vào khu công nghiệp hoặc kiếm kế sinh nhai nơi thành thị… Vài hiện tượng trên cho thấy chúng ta vẫn đang phát triển trong một sự “đánh đổi hợp lý” mà chưa thật sự đạt được các nền tảng bền vững. Bền vững thực chất còn là sự hài hòa giữa các trục kinh tế-xã hội-môi sinh; giữa dân số-việc làm, giữa  nông thôn và thành thị… Khi sự phát triển gây mất hài hòa sẽ tạo ra các không gian sống thiếu bền vững, và con người sớm muộn cũng là nạn nhân của sự thiếu bền vững ấy.

Về mặt nguyên lý, không phải nhiều người không nhìn thấy sự mất cân đối, phát triển thiếu bền vững trong các dự án, công trình hay các vùng kinh tế trọng điểm. Có thể “sự đánh đổi hợp lý” chỉ phù hợp với thời đoạn nào đó mà không thể đem ra áp dụng mãi. Cũng có thể ẩn sau những dự án còn là những động cơ lợi ích cá nhân hoặc nhóm nào đó mà yếu tố bền vững bị cố tình bỏ qua hoặc được biện luận chỉ là tác nhân thứ yếu. Khi tư duy và cách nghĩ như vậy còn tồn tại, e rằng những thảm họa thiên nhiên xuống người dân sẽ còn tiếp diễn.

Con người không thể biết chắc được thảm họa, hay ngăn ngừa thảm họa, nhưng họ hoàn toàn có thể chủ động phòng chống đối phó với thảm họa nếu như luôn lập trình một tư duy phát triển bền vững. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu những nguy cơ thiệt hại từ thiên tai, thảm họa.

Ngô Quốc Đông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm