Thứ Hai, 22 Tháng Sáu, 2015 13:28

Dân dã "tí tị"...

Vài năm trở lại đây, dân thành phố và các tỉnh lân cận hay rỉ tai nhau về một đoạn đường chuyên bán rắn, chuột tại huyện Củ Chi (TPHCM). Người thấy ghê ghê, rờn rợn, kẻ khác lại hiếu kỳ, vồn vã hỏi địa điểm cụ thể, giá cả… Câu chuyện về chợ lạ dần dà được truyền tai nhau những lúc trà dư tửu hậu..

Chợ “độc” ngoại thành

Chợ tọa lạc trên tỉnh lộ 8, thuộc xã Phước Vĩnh An, gần chân cầu Láng The. Lần đầu tạt qua vùng này, hẳn không ít người thắc mắc về những người ngồi dọc lề đường, về những lồng đựng chim và chuột. Rồi cũng vỡ lẽ đây là chợ buôn bán rắn, chuột, chim ...

Cầm rắn cho khách xem hàng

Chợ mới xuất hiện chừng ba năm nay. Thời điểm đó, một số người quanh vùng thi thoảng bắt được vài con rắn ngoài đồng bãi đem bán cho cánh đàn ông làm mồi nhậu. Nhậu với cá khô, cá nướng hoài đâm chán nên thịt rắn là món khoái khẩu mà nhiều người thòm thèm. Để có loại mồi này, họ thường đặt hàng trước với nông dân. Tuy vậy, số lượng rắn trong vùng ngày càng khan hiếm. Cung không đủ cầu nên những người có óc kinh doanh nhạy bén tìm nguồn cung cấp từ các nơi, nhất là các tỉnh miền Tây. Nghĩ là làm, họ kiếm vài mối hàng. Ban đầu, chỉ ít người bán thử nghiệm, sau thấy ổn nên người khác nối theo. Ngoài rắn, chợ bán thêm chuột, chim bìm bịp...

Một cảnh mua bán diễn ra bên đường

Giờ đây, trên đoạn đường hơn 100 mét có gần mười chủ sạp dựng chòi hay mái che ngay mặt lộ để tiện bán sáng chiều. Với vài cái mâm đựng rắn, cái lồng đựng chuột và chim, người bán ngồi đó suốt buổi, mắt dõi theo dòng xe xuôi ngược, khấp khởi khi thấy ai liếc nhìn, chạy xe chầm chậm tấp vào. Từ lúc hình thành tới nay, chẳng ai chịu vào bán trong nhà lồng chợ. Các quầy ngoài đường dễ bán buôn hơn. Mà đúng vậy! Tỉnh lộ 8 thông với Bình Dương, Tây Ninh nên khách vãng lai rất nhiều. Việc mua bán cũng thoải mái. Người bán không chèo kéo, mời mọc. Khách dừng chân ngắm nghía, mua được thì mua….

Chuột đồng được lấy từ các tỉnh miền Tây

Gọi là chợ nhưng kỳ thực chẳng có tên riêng. Người mua bán tự đặt rồi quen gọi “chợ rắn chuột”. Còn dân trong nghề gọi bằng một cái tên vui nhộn khác. Anh Vũ Minh Triển, người bán hàng nơi đây cho biết: “Khách hỏi bán gì, tui nói bán “tí tị”. Chợ cũng tên “tí tị”. Họ mắt tròn mắt dẹt tỏ ý khó hiểu, lúc đó mình mới khà khà nói tí là chuột, tị là rắn, tức chợ bán chuột rắn đó, họ gật đầu rồi bật cười khoái chí...”.

Hương vị đồng quê

Bất kỳ quầy hàng nào cũng phả mùi hôi hôi, chua chua cùng tiếng kêu chít chít từ lũ chuột. Trong cái lồng sắt hai tầng khá to, hàng chục con chuột giương cặp láo liên nằm chen nhau, bìm bịp nằm xếp cánh, còn rắn khoanh mình, cuộn tròn trong mấy túi lưới, có con luôn ngóc đầu lên như muốn công phá vật cản để thoát thân hay tự vệ. Phần lớn chúng có quê Long An, Đồng Tháp, Campuchia và số ít tại Củ Chi.

Chim bìm bịp cũng được rất nhiều người ưa chuộng

Ở đây, rắn có nhiều loại như rắn trun, rắn nước, rắn hổ vện,… Tùy loại, tùy mùa mà giá rắn dao động khác nhau. Rẻ như rắn hổ mây 130.000- 140.000 đồng/kg, đắt như hổ đất 900.000 đồng/kg, tuy nhiên, rắn hổ hành mới là loại được ưa thích và mua nhiều với giá 500.000- 600.000 đồng/kg. Đàn ông ghiền nhậu mồi rắn bởi vị thịt ngọt, mềm và mát, có thể chế biến thành nhiều món nướng, xào lá cách, cà ri, nấu cháo...

Chuột có hai loại, chuột đồng 65.000 đồng/kg, chuột cả sóc 120.000 đồng/kg. Chuột đồng chiếm phần lớn, còn cả sóc đôi khi mới xuất hiện. Chuột có thể nướng, quay chảo, chiên nước mắm...

Không tính theo ký, bìm bịp được định giá theo con, khoảng 65.000 đồng/con. Theo anh Triển, có lúc bìm bịp bán đắt như tôm tươi, trung bình mỗi ngày khoảng 15 con, bởi ngoài phường nhậu, chị em cũng hay mua về để nấu cháo đậu xanh hay rôti.

Là khách thường xuyên ghé mua rắn, anh Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Thời buổi này người ta có xu hướng thích nhâm nhi những món mang hương vị đồng quê, an toàn lại lạ miệng, ăn thịt cá hoài riết ngán bởi nhiều thuốc tăng trọng tăng trưởng làm mất hết mùi vị đặc trưng”.

Túi lưới dùng để đựng rắn

Rắn, chuột, bìm bịp sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên vị ngọt chất ngon luôn ngấm vào từng thớ thịt mỗi loài. Lâu nay, chúng còn xuất hiện cả trong quán nhậu, nhà hàng. Chợ giờ đây không chỉ bán cho khách qua đường mà còn bỏ mối cho nhiều quán xá. Chợ “tí tị” quả thật gặp thời! Tuy vậy, người bán cũng gặp không ít chuyện bi hài. Một trong số đó là nỗi “ngán” rắn nơi chị em phụ nữ.

Chị Đào Thị Tươi  nhớ lại những ngày đầu buôn bán: “Những con rắn trun, bông súng thì hiền, dễ chịu lắm nhưng rắn hổ vện, hổ mây trái ngược hẳn. Chúng hay phồng cổ, kêu khè khè khi thấy người và cắn phập khi mình đưa tay vào, đã vậy còn rất mạnh, phụ nữ mà yếu tay lập tức nó quấn chặt từng vòng hoặc chuồn mất, mà để “xổng” một con là mất bao nhiêu tiền”. Để chứng minh, chị chỉ rõ chỗ ngón tay này, bắp tay kia bị cắn bầm tím, ê ẩm ra sao rồi tiếp lời: “Giờ thì tui dạn hơn rồi, bớt sợ, nhưng qua được ải này lại gặp ải khác. Dạo trước, buổi trưa mình hay mơ màng ngủ, ai dè có mấy đứa chạy xe ngang lấy cái móc sắt vít vào túi rắn rồi kéo đi trong nháy mắt, ngớ người ra, nhìn lại còn mấy cái mâm trống không”.

Ngoài dân nhậu, hiện tại người đến mua rắn, chuột, bìm bịp còn dùng chúng để ngâm rượu, làm thuốc. Vào ngày rằm, các tăng ni phật tử mua về phóng sanh…

Trên tỉnh lộ 8, hằng ngày, người người vùn vụt lướt xe qua cuốn theo gió bụi. Còn chợ mồi vẫn lẳng lặng nép mình bên lề đường, bình dị, nhỏ bé.

Phú Khang

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm