Làng guốc Bình Nhâm chỉ còn trong ký ức

Một thời guốc mộc

Lịch sử kể rằng đôi guốc đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Theo một số sách cổ ghi chép lại, bà Triệu (ở thế kỷ thứ III) đã đi guốc bằng ngà voi. Thời xưa, ở nông thôn, chỉ mỗi khi đến dịp hội hè thì cánh đàn ông và chị em phụ nữ mới lấy guốc tre ra mang. Những đôi guốc giản dị do người dân tự đẽo lấy xuất hiện đầu tiên ở Phú Yên (Nam Trung Bộ). Cho đến năm 1900, đôi guốc “di cư” vào miền Nam với hình ảnh các cậu học trò nam trường công mặc áo bà ba trắng, chân mang guốc gỗ. Khi đôi guốc bắt đầu du nhập vào đời sống sinh hoạt của người Nam Bộ, cũng là lúc làng nghề làm guốc ở Bình Nhâm ra đời.

Ông Văn Đua, chủ cơ sở guốc mộc Út Đua – ấp Bình Thuận, xã Bình Nhâm, tỉnh Bình Dương cho biết thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề guốc ở Bình Nhâm là sau năm 1975. Dễ hiểu vì đó là lúc Việt Nam khó khăn, còn đóng cửa với thế giới nên không có nguyên liệu sản xuất những loại giày dép bằng da, bằng nhựa, vậy là dùng lại đôi guốc truyền thống. Trong gia đình một người làm guốc rồi dạy nghề cho vợ chồng, con cái, anh chị em. Những cơ sở tại gia như vậy thường có từ 3 đến 4 thợ thuê ngoài, nửa còn lại là người có máu mủ ruột thịt làm chung với nhau. Mỗi xóm (hay còn gọi là trại) có đến hơn chục nhà đóng guốc, tiếng lộc cộc của dùi đục gơ vào những thớ gỗ vang từ đầu đến cuối ngơ. Bình Nhâm lúc bấy giờ có hơn cả trăm nhà làm guốc mộc, mỗi ngày một trại ra thành phẩm hơn 700 đôi là chuyện bình thường. Và cũng từ đó mà nơi này được biết đến như một làng nghề nổi tiếng cung cấp guốc mộc cho nhiều vùng miền ở Nam Bộ.

Công đoạn tạo hình guốc mộc

Thời kỳ đầu, để ra được những chiếc guốc có đôi phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ chuyên biệt ở từng khâu. Đầu tiên, người ta phải phân chia những cây gỗ (cao su, xoan, mít,) nguyên liệu ra thành từng khúc – dân trong nghề gọi là “dứt cây”. Tiếp đó, các chị em phụ nữ chăm chút từng đường bút chì để tạo những nét phác họa thân guốc và đế guốc. Do làm thủ công, chẳng có thước đo đạc, nên họ ước lượng và dựa vào kinh nghiệm để nhắm chiều dài và chiều rộng của chiếc trái, chiếc phải tương xứng với nhau. Vì vậy nên kiểu dáng khá khiêm tốn, chỉ chia ra làm hai loại cao 5 phân và thấp 3 phân. Công đoạn này tuy nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi sự chính xác khá cao vì chỉ lệch đi vài milimét thì sẽ ra chiếc cao chiếc thấp. Hội đàn bà vẽ xong thì đến cánh đàn ông dùng cưa gọt theo đường đã kẻ sẵn để cho ra hình thù của từng chiếc guốc. Guốc của phụ nữ có thắt eo ở chính giữa, còn đàn ông thì không nên dân gian gọi là guốc xuồng. Chị Tám – một thợ vẽ guốc kể: “Ngày xưa, để cất giấu vàng bạc khi đi xa, người ta còn khoét một phần rỗng ở gót để mang theo làm lộ phí đi đường”.

Cho ra được hình hài của từng chiếc guốc, từng cái gót, người làng Bình Nhâm mang chúng đi nung hút bớt nước trong thân gỗ để lúc ra thành phẩm đôi guốc sẽ nhẹ, người mang không cảm thấy nặng chân. Chúng tôi được ông Đua dẫn ra phía sau nhà để xem cái lò nung được đốt bằng củi khô và mạt cưa. Đợi thân guốc nguội, thợ chà láng sẽ giúp cho những dằm gỗ trên thân mất đi và công đoạn cuối cùng là sơn phết, đóng quai rồi ra thành phẩm hoàn chỉnh. Dần dà, có máy móc, những khâu cưa thân guốc, chà láng nhanh hơn, thợ không phải dùng sức nhiều nhưng thay vào đó, tai nạn lao động cũng tiềm ẩn. Anh Phương Tùng – con của ông Út Đua vừa đưa những thớ gỗ vào máy cưa vừa cười khà khà chỉ vào mấy vết sẹo trên tay, nói: “Trước mang bao tay để bảo vệ, nhưng thấy vướng víu quá nên tui cởi ra luôn. Mấy vết sẹo này là do cưa xẹt qua lúc quay cái eo của guốc”.

Thợ đang vẽ đế guốc

Có tận mắt chứng kiến mới thấy được sự vất vả, nhọc nhằn của người thợ khi làm ra được một đôi guốc. Nhìn bàn tay đầy những “ông sao”, khi thì “sao băng”, lúc lại “sao mộc” là đếm ra được bao nhiêu lần lưỡi cưa đi xém qua họ. Trông đôi lưng còng của người phụ nữ mới ngoài bốn mươi khom mình xuống cái máy chà láng miết từng thân guốc là biết chị ngồi từ sáng đến chiều, có lúc quá bữa cơm tối vì hàng gấp lại neo người. Khi ăn nên làm ra, làm được bao nhiêu là bán hết sạch bấy nhiêu. Cả chủ lẫn thợ đều có thể lo cho gia đình nồi cơm đầy, tô canh chua cá lóc nóng hổi, hàng chạy có cả nồi thịt kho tiêu thơm phức và dấm dúi ít nhiều tích lũy pḥng thân.

Rất khẽ tiếng xưa vọng về…

Nói “rất khẽ” là vì, Bình Nhâm nay không còn rộn ràng nhịp búa nhịp gỗ của nghề guốc xưa. Hiện tại chỉ có gia đình của ông Út Đua và người cháu sản xuất guốc mộc theo cách thủ công. Cả trăm gia đình khác đã bỏ nghề từ hơn chục năm nay. Họ không trụ nổi do hàng ứ đọng vì người ta đang lãng quên một sản phẩm mang cốt cách Việt này, do thời trang giày dép du nhập từ Hàn Quốc, Tây phương “ùn ùn” kéo vào với nhiều chọn lựa tân thời.

Với người trẻ, mặc quần jean áo thun ai lại đi đôi guốc của những năm 90, họ cho đó là lỗi mốt và không hợp thời, vì vậy nên guốc chỉ bán cho những bà già ở quê, khách du lịch sang Việt Nam muốn mua làm quà lưu niệm mang về nước, hoặc thi thoảng là những đạo cụ cho một buổi văn nghệ ca múa nhạc dân tộc. Trên gương mặt của người đàn ông đã ngoài sáu mươi, có hơn 40 năm gắn bó với nghề hằn lên những vết nhăn vì tuổi tác, và cả những nếp nhăn của nỗi buồn khi nhìn cái nghề đang mai một từng ngày, ông bảo : “Tui không tính cho thằng con trai theo nghề của mình vì cực quá, và bây giờ chỉ cầm cự ngày 500 đôi mà lúc bán được lúc không, cuộc sống thiếu nhiều hơn đủ. Còn làm đến giờ này là do cái lòng tui trót yêu tiếng lộc cộc của nó”.

Công đoạn dán keo đế guốc

Vì khó khăn trăm bề nên họ cũng không làm toàn bộ quy trình mà chỉ dừng lại ở khâu gia công phôi guốc, sau đó, đem đi bỏ cho các tiệm sơn khu chợ ở Thạnh Lộc – quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Rồi thương lái ở đây đến lấy hàng, đem về đóng quai và mang đi bán, khi thì ra chợ Bến Thành – khu trung tâm Sài Gòn cho khách du lịch, lúc lại đưa về làng quê hay vùng ngoại ô cho các bà các chị mua mang đi chợ.

Khá nhất trong nghề guốc bây giờ ở Bình Nhâm là doanh nghiệp Hùng Thái, nguyên là cơ sở gia đình guốc mộc Ba Thân được phát triển lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn để xuất khẩu guốc sang nước ngoài. Khi thị trường trong nước đi xuống không phanh, họ chuyển hướng sang thị trường nước ngoài. Theo anh Thái Văn Anh Hùng – chủ doanh nghiệp, guốc ở đây chủ yếu xuất đi các nước châu Âu và thường hàng sẽ chạy vào mùa hè, cứ mỗi ngày như vậy họ cho xuất xưởng lối 1.500 đôi. Lúc còn làm ăn được – vào khoảng từ năm 2000 đến 2007, anh thuê hơn 200 công nhân, tuy nhiên con số đó giờ chỉ còn một nửa. Anh Hùng lắc đầu : “Có rất nhiều doanh nghiệp lên công ty rồi cũng phá sản nhiều vì vốn nặng – gỗ phải nhập từ nước ngoài do gỗ nội địa chưa rõ ràng tiêu chuẩn chất lượng và chất độc hại bên trong nên phía khách hàng không chấp nhận. Ngoài ra mẫu mã luôn phải đổi mới cho hợp thời. Rồi hàng Trung Quốc phá giá, đặc biệt là loại guốc Kimônô rất dễ bắt chước. Những thách thức này khiến sản xuất ngày càng teo tóp trong khi vẫn phải đảm bảo cuộc sống cho anh chị em công nhân”. Nói rồi anh trầm ngâm, gác cặp kiếng cận lên trán thở dài: “Lớn thuyền lớn sóng. Làm nhỏ lo theo phận nhỏ, mở to lo chuyện của to”.

*

Ghé Bình Nhâm, được tận tai nghe những tiếng lộc cộc rất đỗi dung dị và thanh thoát, cảm nhận được cái nhẹ nhàng trong từng tiếng guốc khua mới hiểu hết cái hồn guốc mộc đã lay động trái tim của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: “...Về đây mặc áo the đi guốc mộc...”. Chợt thấy bâng khuâng... Rồi hai, ba năm nữa khi quay lại đây, có còn được nghe âm thanh đó nữa chăng, dù ngay hiện tại cũng chỉ phát ra từ hai căn nhà ở đầu ngõ?

Duy Hòa

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Bước ngoặt
Bước ngoặt
Trong cuộc sống, có những khó khăn chung của xã hội, như dịch Covid-19 vừa qua, nhiều công nhân phải nghỉ việc, hoặc buôn bán khó khăn… Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và không ít người, bằng sức lực và ý chí, đã tìm một hướng đi mới...
Có một ngân hàng thực phẩm
Có một ngân hàng thực phẩm
Suốt 7 năm hoạt động với mục đích góp phần giảm sự lãng phí thực phẩm và mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, “Ngân hàng thực phẩm Việt Nam” với tên gọi là Food Bank Việt Nam đã dần trở nên thân quen với những mái ấm,...
Mặn mòi những giọt mắm đất “Phú” trời “Yên”
Mặn mòi những giọt mắm đất “Phú” trời “Yên”
Bằng các phương pháp truyền thống kết hợp nguồn cá và muối ngon, cùng kinh nghiệm truyền đời, nước mắm ở Phú Yên đã trở thành đặc sản đậm đà “chất” địa phương. Nghề làm nước mắm ở mảnh đất này cũng đã được công nhận là di sản văn...
Bước ngoặt
Bước ngoặt
Trong cuộc sống, có những khó khăn chung của xã hội, như dịch Covid-19 vừa qua, nhiều công nhân phải nghỉ việc, hoặc buôn bán khó khăn… Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và không ít người, bằng sức lực và ý chí, đã tìm một hướng đi mới...
Có một ngân hàng thực phẩm
Có một ngân hàng thực phẩm
Suốt 7 năm hoạt động với mục đích góp phần giảm sự lãng phí thực phẩm và mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, “Ngân hàng thực phẩm Việt Nam” với tên gọi là Food Bank Việt Nam đã dần trở nên thân quen với những mái ấm,...
Mặn mòi những giọt mắm đất “Phú” trời “Yên”
Mặn mòi những giọt mắm đất “Phú” trời “Yên”
Bằng các phương pháp truyền thống kết hợp nguồn cá và muối ngon, cùng kinh nghiệm truyền đời, nước mắm ở Phú Yên đã trở thành đặc sản đậm đà “chất” địa phương. Nghề làm nước mắm ở mảnh đất này cũng đã được công nhận là di sản văn...
Chợ Phú Nhuận xưa và ký ức của một gia đình
Chợ Phú Nhuận xưa và ký ức của một gia đình
Khoảng nửa sau thế kỷ 19, chợ Phú Nhuận (xưa mang tên chợ Xã Tài) do ông Lê Tự Tài lập nên đã tạo đà cho Phú Nhuận phát triển.
Gia đình Việt trên đất Mỹ
Gia đình Việt trên đất Mỹ
Không muốn giữ cho riêng mình hay chỉ một số người liên hệ câu chuyện đầy cảm xúc này, tôi viết lại đây để chia sẻ cho những ai quan tâm đến gia đình, yêu mến gia đình và thiết tha với mục vụ gia đình trong lòng Giáo hội...
Ghé thăm xóm bánh tét đất Long An
Ghé thăm xóm bánh tét đất Long An
Những đòn bánh tét từ bàn tay khéo léo với “công thức” riêng của từng lò trên đất Long An được xem là một trong những món ngon của địa phương. Hiện nay vẫn còn nhiều lò bánh tét truyền thống trên địa bàn tỉnh luôn đỏ lửa và là...
Gói ghém xuân này
Gói ghém xuân này
Tết Nhâm Dần sẽ thật khác với những năm trước vì diễn ra trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Dù vậy, không khí nao nức của năm mới vẫn hiển hiện trong nhịp sống mỗi ngày khi mà thời gian kết thúc năm Tân Sửu ngày một đến gần. Gói...
Thú săn cá Hoàng Ðế trên hồ Trị An
Thú săn cá Hoàng Ðế trên hồ Trị An
Hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Ðồng Nai có nhiều thủy sản phong phú, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cá Hoàng Ðế với vẻ ngoài khá đặc biệt. Vài năm trở lại đây, câu cá Hoàng Ðế đã dần trở nên thu hút với các...
Vì sự bình an,chúng tôi phục vụ
Vì sự bình an,chúng tôi phục vụ
Ðêm, khi người người chìm vào giấc ngủ bình yên, thì các thành viên Ðội tuần tra hỗ trợ giao thông miễn phí SOS Hướng Nam lại như những con thoi âm thầm, rảo qua các ngõ phố Sài Gòn cứu hộ người bất ngờ gặp nạn trong đêm.