Trước thông tin sẽ có nhiều thay đổi trong ngày khai giảng năm học mới, nhiều người cũng đã bày tỏ những suy nghĩ thật lòng.
HÃY NGHĨ ĐẾN HỌC TRÒ
![]() |
Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Giáo viên - Q.11, TP.HCM): Thực tế, ngày khai giảng vào đầu tháng 9 chỉ là hình thức vì các em đã nhập học trước đó. Ngày khai giảng không thể thiếu với nhiều nghi thức “bó buộc”, nhưng cũng phải ý thức rằng ở các cấp học lớn có thể các em còn hiểu những phát biểu, dặn dò và sự hiện diện của các vị lãnh đạo nhưng ở những khối như mầm non, tiểu học thì điều này là rất khó. Trẻ sẽ không thể tập trung được lâu, lại nhốn nháo làm mất đi tính chất trang nghiêm của buổi lễ. Khai giảng thời nay nên làm cho gọn nhẹ, mọi thứ nên vừa đủ, ngay cả bài phát biểu. Để lễ khai giảng có ý nghĩa, hãy dành nhiều quan tâm cho chủ thể là học sinh.
BẦU KHÍ CÓ PHẦN PHAI NHẠT
![]() |
Nguyễn Thị Hoàng Anh (Q.12-TP.HCM): Ngày còn nhỏ, tôi háo hức chờ đợi ngày khai giảng trong một bầu khí thiêng liêng. Nhưng giờ khi có dịp dự các lễ khai giảng, tôi cảm nhận bầu khí này có phần phai nhạt, một phần do các em đã đi học trước khi khai giảng, phần khác là do cách thức tổ chức. Theo tôi, buổi lễ khai giảng nên chỉ có một bài diễn văn nhỏ rồi đến phần đánh trống khai giảng. Tránh cảnh các em “ngó lơ” vì không nghe nổi. Nếu được, cũng nên lồng ghép những phần tri ân của học sinh với thầy cô, cha mẹ và nhà trường. Những phát biểu kiểu thống kê thành tích nên rút gọn. Các trường cũng đừng nên tổ chức quá nhiều buổi tổng dợt, chỉ cần một buổi để các em học sinh biết vị trí và nhiệm vụ của mình.
ĐÃ CÓ CHUẨN BỊ
![]() |
Lưu Thị Lệ Hằng (Giáo viên trường tiểu học Tây Bắc Lân, TP. HCM): Với mong muốn giúp các em cảm thấy lễ khai giảng là một dấu ấn và không nặng nề hình thức trong ngày khai giảng năm học mới, trường tôi cũng đã có những chuẩn bị. Cụ thể, thời gian diễn ra buổi lễ gói gọn trong một tiếng đồng hồ, từ 7giờ30 đến 8 giờ 30 với bài phát biểu của thầy hiệu trưởng, vài tiết mục văn nghệ, đọc thư của Chủ tịch nước và thả bóng bay. Riêng các em lớp 1 sẽ có thêm phần đi một đoạn ngắn trên sân rồi vòng về hàng, là nghi thức giới thiệu và chào đón học sinh mới. Trước ngày khai giảng, chúng tôi cũng sẽ nhắc các em nhớ để hôm sau phụ huynh khỏi phải đưa con em vào lớp mà cứ ở lại tại sân. Học sinh sẽ tự động đứng vào hàng khi thấy bảng tên của lớp. Chúng tôi cũng căng bạt sẵn nhằm che nắng và dọn ghế ngồi cho các em.
MỘT NGÀY VUI THỰC SỰ
![]() |
Nguyễn Thị Hoan (Quận 3-TP.HCM): Để cho ngày khai trường được ý nghĩa hơn, theo tôi, chỉ giữ lại những “nghi thức” nhẹ nhàng nhưng mang “tầm” to lớn, Ví dụ như đánh trống khai trường, phát động thi đua giữa các lớp trong năm học mới hay thông báo sơ qua cho học sinh biết năm nay có gì đổi mới so với năm trước... Tôi cũng nghĩ rằng mỗi trường cũng nên có thêm sáng kiến để lưu dấu ngôi trường của mình trong tâm trí học sinh hơn như có đôi lời giới thiệu về tên trường, ý nghĩa tên trường… Còn nhớ hồi nhỏ ở quê, chiều hôm trước ngày khai giảng, tôi với đám bạn cùng nhau đi kiếm bông để hôm sau trang trí sân khấu. Giờ đây có lẽ không còn vì toàn hoa tươi làm sẵn. Những việc đó tuy nhỏ, nhưng mới là cái làm chúng tôi nhớ suốt đời về ngày thiêng liêng này.
KHUÔN MẪU NHÀM CHÁN
![]() |
Đoàn Thị Thúy An (Q.Bình Thạnh-TP.HCM): Lễ khai giảng đánh dấu sự mở đầu một năm học mới, đồng thời nhắc nhớ, bày tỏ niềm tri ân của học sinh dành cho những người đã góp phần cho các em được tới trường. Thời tôi còn đi học, buổi lễ này được tổ chức trang trọng và ngắn gọn. Khi ra trường, điều mãi đọng lại trong tôi là những tâm tình giản dị, thấm thía trong bài phát biểu của thầy cô và bè bạn. Trong những năm cấp ba, thậm chí nhà trường còn tổ chức lễ khai giảng vào giờ chào cờ sáng thứ hai để sau đó bắt đầu học luôn, khỏi bị mất một buổi. Nhưng hiện thời, ở một số nơi, lễ khai giảng có phần kéo dài. Chương trình lê thê với nhiều tiết mục văn nghệ không cần thiết. Công tác chuẩn bị cho lễ quá rườm rà, mất nhiều thời gian tập dợt, trở thành một khuôn mẫu nhàm chán.
CHỈ CẦN LỄ NGHI CẦN THIẾT
![]() |
Lê Hoàng Thanh (Q.Thủ Đức-TP.HCM): Mười hai năm học sinh và bốn năm sinh viên, tôi dự tất cả 16 buổi lễ khai giảng. Cảm nhận chung là chúng đều khá giống nhau từ phần lễ đến phần hội. Đặc biệt, khi nào có khách mời là lãnh đạo cấp cao hay người có chức sắc, buổi lễ lại càng thêm phần rườm rà. Nhiều trường khuôn viên nhỏ, ít cây nên rất nắng nhưng vẫn cố duy trì một buổi lễ đủ các nghi thức “cũ” thì thật vô lý. Theo tôi, nên giản tiện phần lễ bằng cách bỏ hết mấy cái rập khuôn, phần hội thì các tiết mục phải mới mẻ hơn, phù hợp theo từng cấp học. Một điểm nữa là nhiều trường chỉ giới hạn số đại biểu học sinh tham dự lễ trong khi thực chất các em mới là trung tâm của buổi lễ. Mong sao sẽ có nhiều thay đổi trong năm học này để các buổi lễ khai giảng thực sự trở thành một ngày hội đúng nghĩa chứ đừng trở thành ngày hành xác học sinh.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.