Ngô Quốc Đông
Có một hiện tượng khác thường trong việc đăng ký nguyện vọng vào các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, như tại Nghệ An - số thi sinh đăng ký thi tốt nghiệp cao nhưng tỷ lệ chọn vào nguyện vọng CĐ-ĐH lại thấp nhất. Theo thống kê, có tới 40% hồ sơ thí sinh tại đây chỉ đăng ký nguyện vọng tốt nghiệp THPT.
Nghệ An vốn có truyền thống hiếu học lâu đời, từ nhiều năm là địa phương có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đại học cao của cả nước. Ấy vậy mà năm nay nhiều ứng sinh lại thờ ơ với cánh cửa CĐ-ĐH. Rõ ràng đã có sự thay đổi trong nếp nghĩ của nhiều thí sinh và phụ huynh về bằng cấp. Hiện cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó cử nhân, thạc sỹ chiếm hơn 200 ngàn người. Chắc chắn các thí sinh không nộp nguyện vọng vào các trường CĐ-ĐH đã nghe biết thực trạng này, bởi vậy họ đã chọn con đường hướng nghiệp, hướng tới một nghề nghiệp cụ thể để lo cho tương lai sau này hơn là có được tấm bằng để rồi thất nghiệp.
![]() |
Như vậy cánh cửa CĐ-ĐH đã không còn là ưu tiên số một và cũng không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Nhiều phương tiện truyền thông cho biết một số em chọn phương án xuất khẩu lao động khi tốt nghiệp cấp ba, một số kinh doanh sản xuất, số khác học nghề để tạo sinh kế giúp đỡ gia đình. Số thí sinh không đăng ký nguyện vọng CĐ-ĐH thường là những em có hoàn cảnh khó khăn, bởi trên thực tế đã có nhiều cảnh cha mẹ phải cầm cố cả nhà cửa, bán ruộng vườn trâu bò cho con học mà cuối cùng các em vẫn thất nghiệp, nợ lãi ngân hàng cha mẹ vẫn phải còng lưng gánh trả. Bởi vậy, thay vì theo đuổi vào con đường CĐ-ĐH, nên định hướng nghề nghiệp trước khi quá muộn.
Thực tế trên cũng lại lần nữa báo động chất lượng đầu ra của sản phẩm giáo dục nước ta còn quá nhiều bất cập. Dù ngành chức năng đã cố điều chỉnh nhưng xem ra chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề được mở ra nhưng từ giáo viên, kiến thức, giáo trình, kỹ năng xáo mòn cũ kỹ, ít bắt kịp với thực tế đời sống. Các trường, đội ngũ giảng viên đại học được ví như những “máy cái” sản xuất ra những “máy con” - nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Đây đó, chỗ này chỗ kia vẫn thấy những “máy cái” vận hành một cách máy móc và trở nên lỗi thời trước những thay đổi của thời đại!
![]() |
Thực tế này cũng đánh động ngay tới các cơ sở đào tạo nghề, đòi hỏi cũng không ngừng vươn lên để đáp ứng thực tế yêu cầu xã hội. Bởi nếu như Nghệ An chỉ là điểm khởi đầu của trào lưu thay đổi tư duy “từ chối” vào CĐ-ĐH, sau đó có thể lan ra các tỉnh khác thì rõ ràng các cơ sở đào tạo nghề cũng cần phải nắm bắt cơ hội để vươn lên đào tạo nguồn nhân lực tốt cho xã hội, tránh lại rơi vào một vài vết xe của ngành giáo dục là dạy học chưa gắn với nhu cầu xã hội.
Việc không chọn con đường vào CĐ-ĐH ngay trên chính vùng đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng không nên xem là một sự kiện khác thường, mà cần nhìn nhận đó là một sự tích cực, năng động, dám thay đổi trong tư duy và truyền thống để thích nghi với thực tại.
Một tư duy hướng nghiệp mới cần phải gắn với hoàn cảnh xã hôi mới, nếu không sẽ trật nhịp và làm nảy sinh nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.