Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ về bài viết “Ca Hiệp lễ và bài ca sau Rước lễ” (CGvDT 2032, trang 34 – 35) của linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS.
TỐT NHẤT LÀ THINH LẶNG
![]() |
Linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ (Chánh xứ Hà Nội, hạt trưởng hạt Xóm Mới, TGP. TPHCM): Hiện các chủng viện, nhà dòng đều có áp dụng việc thinh lặng sau rước lễ. Đây là một nghi thức quan trọng nhằm giúp mọi người gần hơn với Chúa. Các linh mục đều biết rõ việc này. Tuy nhiên, nhiều xứ không áp dụng bởi nhiều nguyên do như:
- Hầu hết giáo dân ở nước ta lòng đạo rất tốt nhưng ít tìm hiểu về các nghi thức phụng vụ cũng nhưng các vấn đề khác. Ví như bước vào mùa Vọng nhưng nhiều người không hiểu mùa Vọng là gì. Vì vậy, năm nào các linh mục cũng phải nhắc lại. Do đó, nếu áp dụng một cái gì mới trong thánh lễ mà nhiều người không hiểu, lại kêu ca ông cha bày vẽ cái này, cái kia.
- Một vấn đề nữa là thời gian. Phụng vụ có quy định thánh lễ kéo dài bao nhiêu phút. Các cha có thể cắt ngắn bài giảng để tiết kiệm thời giờ nhưng nhiều nơi có ít thừa tác viên cho rước lễ, trong khi giáo dân rước lễ đông nên vẫn “lố” thời gian.
- Nhiều giáo dân có “thói quen” đi lễ cho qua, đi lễ để giữ luật chứ không phải để gặp Chúa và kết hợp với Ngài qua Bí tích Thánh Thể. Điều này các cha nói nhiều nhưng rồi vẫn vậy, nên nếu áp dụng thêm nghi thức phụng vụ, cần phải tùy xứ, tùy hoàn cảnh, nhất là nhiều cha còn sợ làm mếch lòng giáo hữu. Điều này vừa là lỗi của giáo dân, vừa của hàng giáo sĩ.
Chúng ta cũng thường hay bắt gặp trường hợp là sau rước lễ, có người cầu nguyện thay cho cả cộng đoàn. Nhưng tốt nhất, nên để mỗi người thinh lặng một mình cầu nguyện với Chúa.
NGẮN NGỦI NHƯNG Ý NGHĨA
![]() |
Nữ tu Trần Thị Tuyết (Tu hội Thừa Sai Bác Ái): Tôi cho rằng thinh lặng sau rước lễ rất ý nghĩa và cần thiết vì giúp mỗi người có khoảng thời gian cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, tại các giáo xứ, nơi có nơi không. Tôi thiết nghĩ, nếu không có trở ngại gì thì nên thực hành để toàn thể cộng đoàn lắng lòng trong giây lát, không mất nhiều thời giờ nhưng lại tạo được bầu khí tâm tình, tôn kính Mình Thánh Chúa. Nếu chúng ta cần tiếp đón khách khi họ tới nhà thì mỗi khi rước Chúa vào lòng, phải chăng cũng nên tiếp rước, trò chuyện với vị “khách” đặc biệt này, thay vì để mặc, không đoái hoài tới?
NGỒI LẠI VỚI “VỊ KHÁCH QUÝ”
![]() |
Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu (Dòng Tên): QCSL số 88 chỉ dẫn: “Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một Thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài Thánh ca ngợi khen nào khác”. Như vậy, sau khi rước lễ, cả vị linh mục và giáo dân được mời gọi thinh lặng cầu nguyện trong một khoảng thời gian. Những giây phút thinh lặng này thật đẹp và cần thiết, bởi lẽ đó là thời gian “vàng” để mỗi người tâm sự với Chúa Giêsu, Đấng chúng ta vừa rước lấy. Chúng ta nhiều khi coi rước lễ chỉ như là lên để nhận một Tấm Bánh Thánh, và quên rằng đây còn là cuộc gặp gỡ với chính Chúa Giêsu, Đấng đã chết, đã Phục Sinh và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Cầu nguyện trong thinh lặng sau rước lễ chính là ngồi lại với “Vị Khách Quý” mà ta mới đón vào nhà, trò chuyện với Vị Khách ấy về chuyện của lòng ta. Thánh lễ bao giờ cũng cần có những khoảng lặng. Thánh lễ có thể kéo dài thêm vài phút, nhưng ân lộc Chúa ban thì vô giá.
NGHI THỨC ĐẶC BIỆT THIÊNG LIÊNG
![]() |
Nữ tu Madalena Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế): Một số giáo xứ không có nghi thức thinh lặng sau rước lễ có lẽ bởi phụ thuộc vào sự đón nhận của giáo dân, hoặc cũng có thể vì áp lực về thời gian cử hành thánh lễ. Theo tôi, những phút thinh lặng sau giờ rước lễ rất đặc biệt và thiêng liêng nên sẽ rất tốt nếu các giáo xứ có thể thực hiện được. Riêng nhà dòng của tôi thì vẫn giữ được “nếp” này trong các thánh lễ. Sau khi rước Mình Thánh, cộng đoàn không hát mà cùng thinh lặng dâng lời nguyện cầu thiêng liêng lên Chúa. Khi tham gia Đại hội liên tu sĩ vừa qua, tôi được biết hầu như các nhà dòng đều thực hiện và duy trì điều này.
THINH LẶNG ĐỂ SUY NIỆM
![]() |
Phạm Thị Tố Tâm (Q.Tân Bình - TP.HCM): Rước lễ xong, tôi luôn dành vài phút để cầu nguyện tạ ơn Chúa cũng như dâng tâm tình lên Chúa. Nhờ đắm chìm trong bầu khí lắng đọng, tôi cảm nghiệm nhiều hơn bí tích Mình Thánh Chúa và thấy tâm hồn được nâng lên, dâng hết những vui buồn cuộc sống và thực sự cảm nhận bình an trong tay Ngài.
Giây phút thinh lặng sau rước lễ hết sức linh thiêng nhưng tôi thấy nhiều nơi thường lạm dụng thời gian này để thông báo. Đối với những thông báo ngắn gọn mang tính mục vụ, các giáo xứ có thể thực hiện sau lời nguyện Hiệp lễ và trước khi ban phép lành cuối lễ, hoặc vào đầu lễ.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.