Thứ Sáu, 19 Tháng Sáu, 2015 14:50

Học hành và thi cử

 

Khi nghe tin 30 thủ khoa từ cử nhân đến thạc sĩ, có nhiều người được đào tạo ở các nước hiện đại có trình độ ngoại ngữ thông thạo nhưng lại trượt ở vòng thi tuyển công chức của Thủ đô làm nhiều người bị choáng, thậm chí bị sốc. Sốc bởi lẽ họ đã tốn bao nhiêu tiền du học để học cái hay cái mới xứ người về mà trình độ vẫn chưa qua nổi vòng xét tuyển của cánh cửa công chức, cuối cùng vẫn bị ra rìa. Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy, cánh cửa công chức thật quá sức nhiều người. Người ta cũng mừng vì chất lượng để vào được công chức ở Thủ đô đã vượt tầm cả thủ khoa thạc sĩ hay cử nhân. Từ câu chuyện này, nhiều băn khoăn nghi vấn cũng được gợi lên như chất lượng thi cử, chất lượng thủ khoa, chất lượng đầu ra của các trường đại học, cho đến các nhãn mác của đại học nước ngoài. Cũng có ứng viên khi biết kết quả thì tỏ ra không phục, họ cho rằng đề thi nhạt nhẽo, cách hỏi, cách chấm chưa khách quan thuyết phục họ...

Để đảm bảo về tính minh bạch của kỳ thi, đại diện ngành chức năng tuyên bố sẵn sàng đối thoại, trả lời với ai thắc mắc. Lời tuyên bố này tất nhiên là dành cho những người trượt có ý kiến, nhưng đồng thời cũng muốn khẳng định việc thi tuyển trên là công tâm, cầu thị.

Việc công luận và ứng viên nghi ngờ là quyền của mỗi người. Bởi trên thực tế những năm trước đã có những vụ lình xình liên quan đến thi cử kiểu này mà chức năng cũng như công luận đã vào cuộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bi quan với các kỳ thi tuyển, bởi một khi đơn vị nào cần những con người vào để làm việc, chứ không phải để giữ chỗ thì việc thi tuyển nghiêm túc công bằng là một nhu cầu tất yếu với những đơn vị cần nhân lực thực sự.

Người ta có quyền nghi ngờ về chất lượng công chức của Thủ đô kể cũng đúng. Gần đây những vụ chặt cây xanh, biến Hà Nội thành lâm trường khai thác gỗ đã khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực điều hành cũng như ảnh hưởng của một số người  đang thuộc phạm vi hành chính công của Nhà nước.

Có thể các cử nhân, thạc sĩ thủ khoa kia thực sự chưa đủ điều kiện để vinh dự bước vào đội ngũ công chức của Thủ đô. Cũng có thể, như các cụ xưa tổng kết, học tài thi phận. Ở đời, giữa học và hành bao giờ cũng là một khoảng cách. Dù vậy việc thi tuyển này cũng ít nhiều cảnh báo cho các trường đào tạo hay các cơ quan công quyền nhìn ra phần nào những khoảng trống cần khỏa lấp từ việc đào tạo đến thi cử.

Ngô Quốc Đông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm
Xem nhiều nhất