Một người làm việc tại một tờ báo lớn của thành phố tâm sự cùng tôi: “Từ lúc con còn nhỏ cho đến cuối cấp 2, năm nào cũng là học sinh giỏi. Mình tưởng con mình giỏi thật, đến khi con bé rớt lớp 10 công lập, mới vỡ lẽ tất cả chỉ là thành tích ảo”.
Là người có thâm niên dạy học cấp 2 và 3, tôi biết không phải lỗi ở con chị, mà từ trên Phòng Giáo dục chỉ đạo giáo viên phải dạy thế nào để không có học sinh dưới trung bình. Nếu có, mỗi lần họp chuyên môn, giáo viên trường nào nhiều học sinh yếu kém sẽ nghe rất nhiều những lời khiển trách với những từ ngữ vô cùng nặng nề. Nhưng thôi, đó là chuyện của bộ máy. Cũng từ kinh nghiệm bẽ bàng nói trên, bà Liên chú tâm đến việc học của con út hơn, nhất là không tin vào những danh hiệu, cũng như không chấp nhận con mình làm những trò gian dối để đạt đến những danh hiệu đó.
Kiến thức quan trọng hơn điểm số
Với đứa con út, mỗi chiều, bà chở con học thêm những môn còn yếu. Sau đó về nhà tầm 7 giờ tối, cho con nghỉ ngơi, xem tivi và khoảng 8 giờ 30, bà bảo con lấy bài trong trường ra làm và học. Những bài học thuộc lòng tự bà kiểm tra. Còn các môn ở trường bà bắt con tự làm. Nhờ vậy trước những buổi kiểm tra hay thi giữa kỳ, thi học kỳ, con bà không bị áp lực bài vở để đến nỗi phải sao chép tài liệu hoặc quay cóp bạn.
Bên cạnh giúp đỡ con học bài đều đặn, bà luôn khuyên con học để mở mang kiến thức, học cho bản thân mình chứ không phải vì điểm số. Những kỳ kiểm tra, thi cử, hãy nghĩ đó là dịp để đánh giá lại sự tiếp thu của mình chứ không phải là cơ hội “nâng cao tay nghề” trong việc quay cóp.
Ông Trần Văn Thêm, 45 tuổi, chủ cửa hàng photocopy trên đường Trần Quang Diệu (Q.3) chia sẻ: “Cứ mỗi mùa thi là cửa hàng tôi làm việc không ngớt với bao tài liệu học sinh, sinh viên đến chụp thu nhỏ làm phao trong các kỳ thi. Tôi nghĩ học thế để làm gì khi chạy theo điểm số bằng trò gian dối đó. Vì vậy với các con, tôi luôn khuyên cứ những gì mình học, mình biết mà làm. Đừng vì sợ điểm thấp mà làm những trò gian dối. Phải biết xấu hổ khi những thành tích cao trong học tập đó không phải thật sự của mình”.
Theo ông Thêm, ngay từ lúc còn nhỏ, con ông có thói quen tự học. Ông thường kiểm tra bài thuộc lòng cho con các môn như công dân, sử, địa, để con không phải theo các bạn có thói quen quay cóp những môn này. Thấy những học sinh, sinh viên đến cửa hàng thu nhỏ tài liệu làm phao trong thi cử, ông khuyên con đừng giống họ và nhấn mạnh nhiều cử nhân ra trường không có việc làm cũng chính vì họ đánh bóng bằng cấp của mình bằng những thành tích ảo, thay vì kiến thức thật nên vào đời không đủ năng lực làm việc. Có thể ông nhận định chủ quan nhưng chắc chắn đó là một trong nhiều nguyên nhân người trẻ thiếu kỹ năng và kiến thực thật trong công tác chuyên môn của mình.
Phụ huynh cũngmắc bệnh thành tích
Một lần kiểm tra vấn đáp một học sinh, em ấp úng vài từ tiếng Anh nên tôi cho em 7 điểm. Giờ chơi, em cứ theo năn nỉ tôi: “Cô cho em thêm 2 hay 3 điểm nữa được không?”. Tôi hỏi tại sao, em trả lời là nếu em được 10 điểm tiếng Anh, ba em cho em 200.000 đồng (thời giá 1998), nếu em được 9 sẽ được 100.000, còn 8 điểm chỉ có 50.000. Tôi nhất định không cho và khi họp phụ huynh, tôi được biết ba em là một doanh nhân thành đạt. Để khuyến khích con học, ông đưa ra bậc thưởng như thế. Trao đổi cùng ông tôi chỉ có ý kiến việc treo thưởng như thế là vô tình tập cho con mình lấy điểm số bằng những trò gian dối.
Cũng không ít phụ huynh tự tròng vào mình căn bệnh thành tích khi muốn con cái phải trổi vượt hơn con bạn bè đồng nghiệp bằng những trò chạy trường, chạy điểm. Cứ mỗi mùa thi chuyển cấp, tôi luôn được hỏi cách lo lót, những đường dây giúp vào được những trường điểm. Hỏi và ngã giá như thế trước mắt con em họ nên các em chứng kiến tất cả những trò gian dối của cha mẹ. Vì vậy, việc quay cóp bài bạn, thu nhỏ tài liệu trong các kỳ thi, kiểm tra, với các em này cũng trở thành chuyện bình thường.
Tôi từng chứng kiến học sinh lớp 6 của mình bị mẹ mắng té tát vì em chỉ được 7 điểm môn vật lý trong khi tiêu chuẩn của mẹ đề ra là các môn phải đạt điểm 9 trở lên. Tôi chỉ biết thở dài nhìn những giọt nước mắt của em. Những tháng sau, em được nhiều điểm 9, 10. Thế nhưng em thú thật với tôi thói quay bài đã tạo ra số điểm đó. Tôi hỏi sao không tự làm bài, em trả lời một cách tự nhiên: “Em cố gắng lắm chỉ ở điểm 8 thôi cô ơi”.
Không chỉ gây áp lực cho con, nhiều phụ huynh còn dùng quà cáp, tiền bạc vào những ngày tết, Ngày Nhà giáo để mong thầy cô chiếu cố con mình. Lỡ con bị điểm xấu, hay quậy phá trong trường lớp, tức thì phụ huynh đến ngay nhà thầy cô trước năn nỉ, sau lấy quà cáp, phong bì để thầy cô bỏ qua lỗi lầm của con. Đứa trẻ sẽ có nhân cách thế nào trong tương lai khi chứng kiến cha mẹ dùng tiền như chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề?
Chấp nhận sức họccủa con
Có nhiều phụ huynh chỉ ở vai trò cố vấn trong việc học của con. Như trường hợp ông Phạm Ngọc Vân, 60 tuổi (Bến Thành, Q1). Ông kể: “Hồi còn đi học tôi luôn được ba mẹ nhắc nhở học cho bản thân mình. Khi lập gia đình và có con, các con tôi không chịu áp lực điểm số như những đứa trẻ khác. Tôi luôn khuyên con học theo sức của mình. Khi con được học sinh giỏi, tôi không khen tặng con quá mức. Như thế tạo cho con áp lực phải đạt danh hiệu này, điểm số nọ. Chỉ cần con cố gắng học hết sức mình. Nếu bị điểm thấp, tôi chỉ hỏi nguyên do và nếu cần thì tìm thầy để con học thêm lấy lại căn bản chứ không la mắng. Tôi tuyệt đối không dùng tiền bạc, vật chất thưởng con khi điểm cao hoặc thi đậu. Nhờ vậy các con tôi hiện nay đều thành đạt, có bằng đại học và có việc làm ổn định”.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, thường trẻ nhỏ bị áp lực thành công từ người lớn mà phải tìm đến hạ sách là gian dối trong các kỳ kiểm tra, thi cử. Vì vậy, muốn con trở thành một người thật sự có tri thức với những phẩm chất tốt đẹp, phụ huynh cần dạy bảo để con tránh những hành vi gian dối và cũng không nên đặt phần thưởng cho từng điểm số.
NGUYỄN NGỌC HÀ
Bình luận