Dư luận xã hội gần đây khá bức xúc trước tình trạng có những luận án tiến sĩ không đủ tầm, xét về học thuật lẫn thực tiễn. Những người quan tâm đặt vấn đề, liệu có phải có một bộ phận trí thức, người làm công sở đang chạy theo bằng cấp, điều này xuất phát từ đâu? Bởi trong khi số lượng người có học vị tiến sĩ trong nước gia tăng thì chất lượng lại gây nhiều băn khoăn. Và người ta lại có dịp liên hệ với các nước tiến bộ trên thế giới để thấy rõ sự khác biệt trong việc học tập cũng như quan niệm về bằng cấp, học vị trong đời sống...
SỐ LƯỢNG CHƯA ĐI ĐÔI VỚI CHẤT LƯỢNG?!
TS Lê Vinh Quốc (nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TPHCM): Tính theo dân số thì Việt Nam là một trong những nước có số lượng người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ thuộc vào hàng đầu thế giới. Có các tiến sĩ với những công trình nghiên cứu nhiều năm, dĩ nhiên họ xứng đáng với học vị đó. Thế nhưng có những người lấy bằng tiến sĩ không vì yêu khoa học hay đam mê học tập, mà vì để tìm hoặc giữ vị trí lãnh đạo. Ở các nước, người ta không “chạy theo” bằng cấp, chỉ cần tốt nghiệp đại học, làm việc tích cực…, vị trí sẽ nâng lên cao cùng với kỹ năng chuyên môn và khả năng lãnh đạo. Còn những người ham thích, miệt mài nghiên cứu, họ có thể mất cả đời cho một công trình để lấy bằng tiến sĩ. Với nghiên cứu có giá trị, có người còn được trao giải Nobel. Ở ta thì... có câu nói vui “Ra ngoài gặp tiến sĩ, vào nhà gặp thạc sĩ”, nhưng nhìn lại, có nhiều đề tài nghiên cứu rất hạn hẹp, chưa xứng tầm... Đã đến lúc chúng ta cần nâng cao chất lượng trong việc đào tạo tiến sĩ!
NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ ĐỂ PHỤC VỤ CHO CÔNG VIỆC
Cô Tăng Thị Thu Thảo (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Q.12, TPHCM): Với tuổi đời còn trẻ, việc học để nâng cao kiến thức, trình độ phục vụ cho công việc là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Tôi học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân là vì không muốn để quên kiến thức, với sẵn đà hiện có, thói quen tốt trong việc học, nghiên cứu, có thể dành trọn vẹn thời gian, tâm huyết trau dồi, phát triển chuyên môn. Là giáo viên, nên học trước hết nhắm đáp ứng cho việc giảng dạy. Học sinh ngày nay năng động, nắm bắt cuộc sống nhanh. Nếu mình không tự rèn luyện, phát triển bản thân thì làm sao có thể chỉ dạy được các em. Nói như thế, không có nghĩa tất cả giáo viên đều cần có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Vì mỗi người, tùy khả năng, điều kiện của mình có thể biết được đâu là phương án tốt nhất. Có những thầy cô dạy rất giỏi, được học sinh quý mến. Nhiều thầy cô đào tạo ra các thế hệ học trò thành đạt nhưng chính các thầy cô lại không có bằng tiến sĩ, không có hàm giáo sư… Cho nên, tấm bằng không nói lên được tất cả lòng tâm huyết và sự thành công của người thầy. Tôi nghĩ, dù làm bất kỳ ngành gì, chuyên môn tốt cộng với đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể tồn tại lâu dài.
PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CHUYÊN MÔN SAU CAO HỌC
Linh mục Vinhsơn Nguyễn Cao Dũng (Học viện Công giáo Việt Nam): Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam (năm 1998), tôi đi Pháp du học với mong muốn có cơ hội được tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hơn về lĩnh vực giáo dục nhân bản mà ngay từ thời sinh viên đã thao thức... Để vào Cao học tại một trường đại học ở Pháp, ứng sinh phải có một chương trình nghiên cứu dự phóng cho tương lai. Bằng sự cố gắng tìm tòi, góp nhặt tài liệu, tôi đã có một tập sách soạn trước đó từ Việt Nam nên trình bày ý tưởng muốn tìm hiểu về chuyên ngành mà mình đang ấp ủ để phát triển thêm. Và khi được chấp thuận vào chương trình Cao học, với đề tài nghiên cứu về giáo dục nhân bản trong hoàn cảnh xã hội - văn hóa Việt Nam giao thoa văn hóa thế giới, nguyên một năm, tôi đi tìm hiểu những tác phẩm về văn hóa, xã hội, lịch sử, con người Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng Pháp tại nhiều thư viện ở Pháp. Người Pháp có tư duy bảo tồn nên các thư viện ở đây có rất nhiều sách về văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam. Đó cũng là điều kiện tốt giúp tôi thực hiện luận án Cao học giáo dục và hoàn tất văn bằng nghiên cứu chuyên sâu sau Cao học (Diplôme d’études approfondies, viết tắt là DEA) về giáo dục, chuyên ngành Văn hóa ứng dụng... Nếu lấy bằng tiến sĩ thì cần dành thời gian nghiên cứu thêm nữa để trình luận án, nhưng rất tiếc vì những lý do khách quan và chủ quan, tôi dừng làm luận án tiến sĩ. Với tôi, việc học chuyên sâu là từ ước mong đồng hành với các bạn trẻ trên con đường học tập - mà bản thân đã từng có thời gian trải nghiệm trước khi đi du học. Khi trở về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và viết sách trong chuyên môn, cùng lúc thực hiện việc hỗ trợ, đi cùng các sinh viên ở lưu xá, rồi tham gia vào Ủy ban Giáo dục (trực thuộc HĐGMVN) và giảng dạy tại Học viện Công giáo... Nhìn ra các nước, cụ thể ở Pháp, việc chuyên sâu sau Cao học hay sau đó lấy học vị tiến sĩ, chủ yếu để phục vụ cho nghiên cứu khoa học hoặc ứng dụng để phát triển chuyên môn, làm việc trong các viện nghiên cứu và giảng dạy Đại học, không vì mục tiêu kinh tế hay để thăng chức... Trong thời gian đi du học, chúng tôi may mắn không chỉ mở rộng chuyên môn mà còn được học tập một tinh thần nghiên cứu đúng nghĩa và kết quả là kiến thức trong ngành được in thành sách, hay tài liệu tinh luyện được dùng để giảng dạy…
ẢNH HƯỞNG LỐI SỐNG CHUỘNG BẰNG CẤP...
Ông Bùi Văn Tùng (Quận Bình Thạnh, TPHCM): Việc có một bộ phận người trong nước chạy theo bằng cấp, tìm mọi cách để có được tấm bằng dù chưa hẳn chất lượng, theo tôi cũng ảnh hưởng bởi một lối sống của người Việt, vốn có thói chuộng bằng cấp từ xưa đến nay. Người ta xem trọng học vị, như trước đây từng có lễ “vinh quy bái tổ” rồi “đại đăng khoa”... Nhiều gia đình có con cái lấy được bằng cấp cao mới nở mày nở mặt, còn lao động chân tay hay bị xem thường. Các cơ quan đơn vị cũng chú trọng vào bằng cấp, xem đây là yếu tố quan trọng trong việc đề bạt thăng cấp... Mặt khác, người Việt mình cũng hay có tính “sĩ” hão, có người muốn trên danh thiếp... ngoài chức danh phải có thêm học vị, bằng cấp dù công việc chả liên quan gì. Báo chí gần đây cũng đặt vấn đề cần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, không chạy theo số lượng. Đó cũng là ưu tư chung của nhiều người có mối quan tâm đến giáo dục, đào tạo của nước nhà.
KHI TIẾN SĨ “THỰC HỌC” KHÔNG MUỐN BỊ LẪN VỚI “TIẾN SĨ GIẤY”
Chị Dương Ngọc Hân (Quận 7, TPHCM): Thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh, đặt vấn đề về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ ở Việt Nam. Có người còn cho rằng khi những tiến sĩ “chưa xứng tầm” xuất hiện nhiều, sẽ khiến các giáo sư, tiến sĩ thật cảm thấy ngượng, xấu hổ khi phải giới thiệu bản thân mình, sợ sẽ bị lẫn lộn trong đó... Tôi cũng thừa nhận điều này. Làm việc trong lĩnh vực biên tập và xuất bản, những năm gần đây, tôi nhận thấy ngày càng nhiều tiến sĩ “thực học” từ chối ghi học vị lên bìa sách của họ vì không muốn giống các “tiến sĩ giấy” kia. Ví dụ, một người có học vị tiến sĩ, được đào tạo chính quy tại Mỹ, từng có nhiều công trình in trên tạp chí khoa học thế giới là GS.TS Trương Nguyện Thành, trên bìa một cuốn sách xuất bản tại Việt Nam, ông chỉ ghi vỏn vẹn tên tác giả, không có bất kỳ từ nào chỉ học vị đi kèm. Tương tự, tác giả Huỳnh Như Phương mới ra một đầu sách, cũng chỉ đề tên mình ở bìa dù ông là một tiến sĩ giảng dạy cả đời ở đại học đầu ngành Khoa học xã hội và Nhân văn... Thật buồn trước hiện trạng này!
LIÊN GIANG (THực hiện)
Bình luận