Giữa hàng loạt quán cà phê được trang bị đầy đủ máy lạnh, wifi mọc lên ồ ạt, cà phê cóc vẫn tồn tại đây đó ở các khu phố, con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn và trở thành nét dân dã thân thương.
Cái tên “cà phê cóc” có lẽ phát xuất từ cách gọi tượng hình của người Sài Gòn xưa. Từ “cóc” phần nào mô tả lại thế ngồi lom khom trên chiếc ghế đẩu con và việc thoải mái thay đổi vị trí ở các quán cà phê không bảng hiệu này. Khi xưa, ngoài hình thức pha bằng phin, các quán cóc Sài Gòn hay có kiểu pha cà phê bít-tất (vớ). Chủ quán thường dùng một chiếc vợt vải nhỏ (giống như chiếc vớ), chần cà phê đã được xay nhuyễn vào nước sôi, chờ một lúc thì có ly cà phê thơm nồng. Ngày nay, hiếm thấy nơi nào pha cà phê theo cách này, mùi hương cũ chỉ còn lại trong ký ức nhưng câu chuyện về ly “nâu đen” ở các quán cóc dường như vẫn chưa mất đi sức hút.
![]() |
Ngồi vào một quán cóc nằm nép ở góc phố, con hẻm bất kỳ, thật không khó để nhận ra khách hàng đến đây rất đa dạng, có đủ mọi thành phần, đủ mọi độ tuổi. Từ người lao động đến người trí thức, từ cụ già đã về hưu đến cậu sinh viên tay mang sách vở... Mọi người đều gặp nhau ở điểm chung là niềm vui bên ly cà phê sóng sánh. Thông thường, người ta tìm đến quán cóc không chỉ bởi giá cà phê ở đây rất bình dân (trung bình một ly chỉ khoảng 10.000đ) mà còn vì cái cảm giác “bụi”, sảng khoái khi ngồi bên vệ đường, tha hồ nhìn ngắm dòng người, xe cộ tấp nập lướt qua trước mặt. Đến đây, họ có thể hòa vào dòng thời sự, những cuộc chuyện trò sôi nổi từ nhiều vị khách có khi chưa từng quen biết nhau.
Mấy năm gần đây, xảy ra nhiều vấn đề xung quanh vệ sinh an toàn thực phẩm khiến khách hàng không còn quá mặn mà với những hàng quán lề đường. Dù nói là vẫn tồn tại nhưng không thể phủ nhận rằng khi các quán cà phê có mặt bằng hẳn hoi ra đời ngày càng nhiều thì cà phê cóc dần trở nên thất thế. Cửa hàng cà phê với mô hình sạch - máy lạnh - wifi dường như hấp dẫn hơn trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, chính những tiện nghi đó đã vô tình làm người ta cách xa nhau. Khách đến quán hầu như cứ gọi đồ uống xong là vội vàng cắm mặt vào những chiếc điện thoại, máy tính bảng... Chuyện trò trở nên thưa thớt và ly cà phê bỗng dưng nhạt thếch.
![]() |
Bản thân tôi, mỗi lần họp mặt nhóm bạn thời đi học cũng không khỏi buồn cười khi nhớ lại ngày xưa còn sinh viên hầu như gặp nhau hằng ngày, vậy mà vào quán cóc ngồi là y như rằng trò chuyện xôm cả tụ lên, cả đám cười cười nói nói. Sau bao năm gặp lại tưởng đâu có cả kho chuyện để nói cùng nhau, vậy mà hẹn vào quán ngồi là y như rằng cả đám nói được mấy câu rồi ai làm việc nấy. Đứa thì chụp hình kỷ niệm “bỏ” lên facebook, đứa thì lôi điện thoại ra say sưa đọc tin tức...
Có lẽ, nhịp thở thị thành cuốn theo nhiều điều mới đã làm người ta quên đi mối gắn kết đơn sơ. Văn hóa cà phê chuyện phiếm ở các quán cóc dù chưa đến mức bị quên lãng nhưng đã không còn đậm đà như những giọt cà phê tí tách rơi ở buổi ban đầu.
ĐỖ YÊN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.