Lễ hội làng ở các làng Công giáo thường được tổ chức vào ngày Lễ Quan thầy mà theo Nguyễn Hồng Dương cho biết: “Lễ kỷ niệm thánh quan thầy xứ đạo - Một hình thức hội làng Công giáo”[1]. Ngoài ra, ở một số làng Công giáo cũng tổ chức lễ hội vào những ngày lễ khác, tùy thuộc vào tục lệ của làng. Hương ước nhiều làng Công giáo có quy định những ngày lễ quan thầy, ngày lễ Đức Mẹ Maria là ngày lễ trọng của làng.
Điều 94, Hương ước ấp Thủy Nhai (Nam Định) quy định: “Hàng năm cứ ngày 12 tháng 9 tây lại mở Lễ Thánh Quan Thầy long trọng thì phải phí tổn và tiền lễ thì làng sự sổ công liệu trích tiền công quỹ là 30đ,00 để chi phí việc lễ ấy cho long trọng”.[2]
![]() |
Trong Hương ước làng Ninh Phú (Hà Nam) lại ghi: “Dân làng toàn tòng Công giáo nên không có sự tế tự gì, chỉ có rước Thánh Mẫu Phương Danh là kỳ tháng 3 tây, tháng 5 tây, và tháng 9 tây, nhưng không phải mua lễ vật gì, chỉ rước xong thời thôi không có ăn uống. Đệ niên đến ngày lễ Phục sinh thì đem hương ước ra đọc” [3].
Với sự đổi thay của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng nếp sống mới tại nông thôn Việt Nam, đã làm tác động đến sự đổi thay trong những tục lệ của làng xã nói chung và làng Công giáo nói riêng. Trong một số Hương ước làng Công giáo được làm trong thời kỳ xây dựng làng văn hóa mới lại không coi ngày lễ Thánh Quan Thầy làm lễ hội làng như nhiều làng mà lại lấy ngày khai trương làng văn hóa làm ngày lễ hội của làng. Chẳng hạn như Hương ước làng Tiên Đôi Ngoại (Hải Phòng) quy định tại Điều 14 : “Hằng năm lấy ngày khai trương làng văn hóa làm ngày lễ hội của làng. Trong ngày hội làng có tổ chức sơ kết việc thực hiện hương ước, khen thưởng cá nhân, gia đình, dòng họ xuất sắc, sửa đổi bổ sung hương ước, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao” [4].
Điều 14, Hương ước làng Xuân Hòa (Hải Phòng), ghi : “Lấy ngày khai trương làng Văn hóa làm ngày hội của làng hàng năm. Trong ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Sơ kết một năm thực hiện hương ước, bổ sung, sửa đổi hương ước làng. Khen thưởng... “ [5].
2.2. Việc thực hành các lễ nghi ngoài lễ nghi Công giáo.
Đời sống tôn giáo của tín hữu Công giáo Việt Nam được hình thành trong lịch sử, nó vừa mang đặc điểm chung do Công giáo La Mã quy định, vừa có những đặc thù do lịch sử, văn hóa, phong tục mỗi vùng quê tạo thành. Theo giáo lý Công giáo, sống đạo không chỉ đơn giản chuyên chăm nguyện ngẫm, lĩnh nhận bí tích, ăn chay, hãm mình, rước sách…, mà còn phải hướng ra cộng đồng theo lẽ sống bác ái. Hiến chế Mục vụ quy định: “Lấy việc làm để thường xuyên nuôi mình, nuôi gia đình, công tác và phục vụ anh em đồng loại, đó chính là sống đức ái và cộng tác để hoàn thành công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa”[6]. Như vậy, sống đạo của người Công giáo phải thể hiện bằng việc làm, bằng hành động của mỗi giáo dân trong đời sống hằng ngày theo đúng phương châm của thư Chung 1980: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, ngoài thực hành những lễ nghi Công giáo theo quy định của Giáo hội, còn thực hành một số những lễ nghi ngoài lễ nghi Công giáo mà trong Hương ước những làng Công giáo đề cập đến. Tuy nhiên, với bất kỳ một lễ nghi nào của người dân cũng đều được họ thực hiện một cách đầy đủ và trang trọng nhất. Quan trọng là việc chuẩn bị trước những ngày lễ của người dân như thế nào mà thôi. Về vấn đề này, Hương ước các làng Công giáo hầu như đều có ghi chép rõ ràng và tỉ mỉ. Bên cạnh đó, việc thực hiện các lễ nghi Công giáo cũng được quy định chi tiết trong Hương ước các làng để giáo dục tính tổ chức, kỷ luật ở những nơi trang nghiêm. Mỗi người sẽ phải hoàn thành những phần việc đã được Hội đồng cắt cử. Những ai không hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hội đồng sẽ phạt. Tiền phạt sẽ được xung vào công quỹ. Ví dụ:
Hương ước ấp Thuỷ Nhai (Nam Định) quy định trong Điều 120 như sau: “Các tuần lễ hễ có giấy các viên trùm trưởng tống đạt, thì huynh thứ hướng lý hội cử các nghi tiết về tứ giáp, các phần dịch về thất lâu lân phải chuẩn bị tôn trọng tráng quan, các viên chức dịch phải kiểm soát đàn ấy, trong khi phụng nghinh cho có trật tự nghiêm trang, phàm người nào đã cử vào việc không có duyên cớ gì mà thoái thác, bỏ thiếu thì phải phạt từ 0đ30 đến 0đ60, người nào ngăn trở phải báo trước”.
Còn trong Điều 121, thì chép: “Các tuần khánh lễ ấy, xã tuần, tuần tráng phải hết sức tuần phòng để tránh khỏi những sự gian phi và giữ gìn sự yên ổn, cấm không được làm huyên náo và trong khi nghinh phụng không được chạy hỗn hào, ai không tuân phải phạt từ 0đ10 đến 0đ30” [7]
Từ Điều 125 đến Điều 127, Hương ước làng Thượng Lao (Nam Định) nói rõ: “Đệ niên những ngày lễ ở nhà thờ thời trùm trưởng phải trông coi xếp đặt còn hương lý thời phải giữ cho nghiêm trang phép tắc…Trong khi hội hợp kính lễ ở nhà thờ ai cũng phải chỉnh đốn và giữ trật tự, không ai được to tiếng nói càn, đứng ngồi phải cho nghiêm trang. Ai không tuân hương hội phạt từ 0đ,30 đến 1đ,00. Giáo dân chỉ có sắm trầu, nến để kính lễ bái thôi chứ không có gì cả” [8].
Điều thứ 76, Hương ước làng Văn Giáo (Nam Định) quy định: “Xã ta là phận giáo cả, mỗi năm kính Thánh sư cùng các tuần lễ trọng. Trong làng từ chánh hương hội trở xuống, xã trưởng tuần trở lên, đồng dân đã cắt hành lễ, mỗi người đều mặc áo lam dài hạng tốt, cùng quần áo thường cho được sạch sẽ để tráng quan chiêm, nếu không có duyên cớ gì tự tiện thiếu mặt, cùng quần áo không được như ước, phải phạt mỗi viên 0đ50, sung vào công quỹ, còn dân phu và đồng dân đã cắt ứng dịch, tự tiện khiếm phế phạt mỗi tên 0đ,20 sung vào công quỹ” [9].
Việc thực hành các lễ nghi trong cộng đồng người Việt Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng có sự khác nhau tuỳ theo từng làng. Trong những ngày thánh lễ, tùy theo vị thánh được phụng thờ, mỗi làng có những cách tổ chức cho phù hợp với lệ làng đó. Muốn cho buổi lễ được thành công tốt đẹp và hoàn mỹ, thông thường mỗi làng xưa kia bao giờ cũng có ruộng công dành cho sự phụng sự (đạo điền) để cấy lấy hoa lợi chi phí trong những ngày lễ ấy. Còn những làng không có ruộng công thì lại chia về các thôn, giáp, họ để biện lễ. Bởi thế, hương ước làng Công giáo cũng có những quy định với các lệ này.
Về lễ vật dâng cúng trong các thánh lễ ở một số làng lương - giáo thường là xôi, lợn,... Đó là những sản phẩm thanh tao nhưng cũng đầy giản dị của người nông dân Đồng bằng sông Hồng, có thể thấy qua Hương ước làng Tức Mặc (Nam Định), Điều 120 quy định : “…Thôn Lạc Giáo thờ thánh đường hàng xã có lệ lễ kính danh Đức Bà, mua lợn, xôi mừng lệ ngày 12 tháng 9; và ngày 24, 25 tháng 12 có lệ hàng giáp do bô lão thôn ấy trù liệu xôi, lợn cùng lệ, còn như quan, hôn, tang, tế thì thôn ấy phân biệt tất cả” [10].
Còn đối với các làng Công giáo toàn tòng, lễ vật thường chỉ là dầu, nến.
Về ruộng đất công dành cho phụng sự (đạo điền) thì trong Mục 9, Hương ước làng Xuân Hòa (Hải Phòng) quy ước : “Lệ làng có 4 mẫu ruộng công cộng ở nhà giáo đường cày cấy để lấy hoa lợi mà chi tiêu ở trong nhà giáo quanh năm không phải bổ bán gì nữa” [11]. Điều 126, hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định) lại quy định: “Để hai mẫu ruộng Phật tự giao ông Sư nhận đèn hương và lương cả năm… Lại để ra 2 mẫu cho ông Cụ nhận chi lương ăn cả năm và hai mẫu đem đấu gía để chi các lễ trong một năm ở hai nhà thờ” [12].
Những quy định trong hương ước Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng về việc thực hành các lễ nghi đã tạo ra lề thói, mỗi giáo dân theo đó tự giác thực hiện theo một trật tự nhất định. Việc tham gia các hoạt động này là nghĩa vụ và trách nhiệm vừa của từng cá nhân, vừa của từng gia đình, dòng họ. Điều này phản ánh truyền thống cố kết làng xã lâu đời, thể hiện nếp sống văn hóa của người Công giáo Việt Nam trong nền văn hóa chung của người Việt.
(còn nữa)
TS.Nguyễn Thị Quế Hương
__________________________________________
1 Nguyễn Hồng Dương. Nghi lễ ... Sđd,tr. 170.
2 Hương ước ấp Thuỷ Nhai, Giao Thuỷ, Nam Định. Kí hiệu số HU 2012.
3 Hương ước làng Ninh Phú, Thanh Liêm, Hà Nam. Kí hiệu số HU 845.
4 Hương ước làng Tiên Đôi Ngoại, Đoàn Lập, Tiên Lãng, Hải Phòng, lập năm 2005.
5 Hương ước làng Xuân Hòa, xã Bạch Đằng, Tiên Lãng, Hải Phòng, lập năm 2005.
6 Hà Huy Tú, Tìm hiểu nét đẹp văn hóa Thiên Chúa giáo, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.- tr 29-32.
7 Hương ước ấp Thuỷ Nhai, Giao Thuỷ, Nam Định. Kí hiệu số HU 2012.
8 Hương ước làng Thượng Lao, Nam Trực, Nam Định. Kí hiệu số HU 2241.
9 Hương ước làng Văn Giáo, Nghĩa Hưng, Nam Định. Kí hiệu số HU 2367.
10 Hương ước làng Tức Mặc, Mỹ Lộc, Nam Định. Kí hiệu số HU 2179.
11 Hương ước làng Xuân Hòa, Tiên Lãng, Hải Phòng. Kí hiệu số HU 4072.
12 Hương ước làng Ngọc Cục, Xuân Trường, Nam Định. Kí hiệu số HU 4229.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.