*Một số phong tục cổ truyền
Sự hội nhập giữa văn hóa tôn giáo Việt Nam với văn hóa tôn giáo các nước phương Tây, nhất là với Công giáo, đã tạo ra một dạng văn hóa Công giáo Việt Nam với những sắc thái riêng mang đậm tính dân tộc.
![]() |
Lễ rửa chân báo hiếu cha mẹ tại chùa An Dự - tỉnh Hải Dương |
Gìn giữ phong hóa trong làng xã là việc không thể thiếu đối với làng Việt truyền thống. Đối với làng Công giáo, nội dung này càng trở nên cần thiết, bởi góp phần vào việc xây dựng tình nghĩa lương - giáo. Những quy ước đó giúp mỗi người dân tự kiểm soát được hành động của chính mình, đồng thời đề cao lối sống trách nhiệm với gia đình, xóm giềng, đoàn kết cộng đồng làng xã. Sự kính hiếu với ông bà tổ tiên khi họ khuất bóng trong các làng Việt nói chung, làng Công giáo nói riêng đều được thực hiện theo nhiều nghi lễ khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo từng vùng, miền. Tuy nhiên, trong hương ước làng Công giáo ở Kiến Xương, Thái Bình lại có những tục giống như phong tục của người Việt xưa, đó là khi cha mẹ qua đời, những người con bao giờ cũng làm những lễ nghi dựa trên vở chèo Mục Liên Báo Ân - một vở chèo đã bị thất truyền với Sông Mê, bến Giác, bè Pháp, Tây Thiên theo tích của Phật giáo[1] để cầu mong cho linh hồn người quá cố được siêu thoát. Cụ thể trong Điều thứ bảy của Hương ước tổng Thuận Vi, (Thái Bình) về đường tống chung, có chép như sau:
“Họ ai kẻ có mệnh chung,
Quan Viên trình nạp trầu phong.
Nạp xin các lệ tiền dùng mười ba.
Sự báo hiếu tuỳ gia phong kiệm
Kẻ giàu nghèo hơn kém khác nhau.
Kẻ giàu giết lợn giết trâu,
Kẻ nghèo thì biện bàng giầu cũng xong.
Chớ thoả thích về trong tửu soạn
Sinh lôi thôi bắt khoán quan hai.
Vì chưng hiếu tử ai ai,
Cũng niềm báo hiếu, cũng bày Lục Nga [2]”...[3].
Mỹ tục yến lão là do đạo hiếu mà ra, một đặc tính dân tộc, có ý nghĩa rất trọng hậu, trẻ vui đạo trẻ, già vui tuổi già, trái ngược hẳn với một số nước phương Tây, cứ đến tuổi già là bị liệt vào những người vô dụng, không còn lao động được, con cháu ít chăm nom, thường bị gởi vào trại dưỡng lão. Ở Việt Nam, các cụ lúc vãn niên, tóc bạc, với cuộc sống nơi thôn dã, các cụ hẳn cũng cảm thấy sung sướng đã được cả làng tỏ tình quý trọng, quý trọng rất mực trong những buổi yến ẩm, con cháu các cụ thì được hãnh diện là gia đình có phúc mới được tuổi thọ, cho nên nhiều nhà, dù nghèo cũng ráng may sắm cho ông bà đi dự yến. Bởi vậy mà tục vọng lão ở làng quê Việt Nam rất quan trọng, hương ước làng Công giáo cũng có những lệ này.
![]() |
Nghĩa trang Công giáo nhân ngày lễ Các Đẳng |
Trong Điều 11, Tờ Khoán xã La Tinh,Từ Liên, Hà Nội, ghi: “Mọi người khi vào hội hương lão, ngoài lề ra, phải có them 10 quả trầu cau. Nếu như là lương dân thì biếu chức sắc bên giáo dân 5 quả. Giáo dân lên lão thì kính biếu lương dân 5 quả. Còn các lệ lên lão khác thì theo lệ riêng”.[4]
Hương ước làng Xâm Bồ (Hải Phòng) thì quy định rõ trong Điều thứ 117: “Lão 61 tuổi nộp 10đ,00 để thay lệ khao 70 khi trước, còn 70 giở lên thì không phải tiền vọng. Lệ vọng bên Giáo đến 61 tuổi nộp 5đ,00, thay lệ 70 khi trước mà khao”[5].
Tuy nhiên, cũng có một số hương ước làng Công giáo, việc vọng lão lại không quan trọng, mà còn cấm người dân thực hiện, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt.
Về vấn đề này Hương ước làng Văn Giáo, (Nam Định) có đề cập đến : “... Tiền vọng lão xưa nay không có mở tiệc, khai hạ thì cấm chỉ” [6].
Ở một số hương ước lại có những tục lệ riêng mà những hương ước khác không có, như việc trả công cho những ông trùm khi đã đủ lệ mà làng đề ra. Hương ước tộc giáo, Bác Trạch, Kiến Xương, Thái Bình, trong Điều thứ 11 ghi về việc này : “... Điều trong những ruộng vườn, ao đất của họ, cùng những đồ phụng sự, về tư tích thì hai ông trùm căn, các người giữ việc họ phải gìn giữ coi sóc cho cẩn thận.... Các người làm việc họ, đủ lệ 3 năm trở lên khi qua đời thì họ sẽ đền công cho một lễ Misa[7], từ phó trùm trở lên thì một lễ mộ”[8]
Tiền chuộc lễ cỗ bàn, tức cai lễ trong năm cũng được chép trong hương ước làng Công giáo, cụ thể trong Hương ước làng Vĩnh Trụ (Hà Nam) ghi: “Trong làng có 6 giáp Lương, 1 giáp Giáo, mỗi năm mỗi giáp một người luân thứ đến đương cai thì mỗi người chiết nộp lệ tiền là 12 đ,00”[9].
Bên cạnh những phong tục mà người Công giáo Việt Nam đã tiếp nhận và lồng ghép trong nếp sống của mình, còn là những cách ứng xử rất khôn khéo trong việc thực hiện và tuân thủ pháp luật, như Điều 6 trong Hương ước làng văn hóa thôn Thúy Nẻo, Tiễn Lãng (Hải Phòng) ràng buộc : “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Mọi người dân trong làng phải phấn đấu tốt đạo, đẹp đời. Không được lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, tuyên truuyền trái với chính sách, lợi dụng lòng tin để thu lợi bất chính, nếu ai biết phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền”10.
*Vài nhận xét
Làng Công giáo Việt Nam được xây dựng trên cơ sở của làng Việt, bởi vậy hương ước làng Công giáo ngoài những quy định chung, còn có một số nét đặc thù, phản ánh được đời sống đạo cũng như đời sống xã hội của người Công giáo Việt Nam. Một số nội dung các bản hương ước làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng đã góp phần phác họa bức tranh sinh động về đời sống sinh hoạt thường ngày của người Công giáo Việt Nam thật phong phú và đa dạng.
Qua khảo cứu các bản hương ước làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng, chúng tôi có mấy nhận xét rằng: Trước hết, nếp sống của người Công giáo Việt Nam một phần được hình thành trên cơ sở của nếp sống cổ truyền của người Việt mà cụ thể qua việc thực hành những lễ nghi ngoài lễ nghi Công giáo. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa cổ truyền và văn hóa phương Tây, tạo ra những nét văn hóa làng Công giáo độc đáo, riêng biệt với nền văn hóa làng Việt, đó là những lễ nghi nông nghiệp, lễ tổ tiên… được xen kẽ trong những lễ nghi Công giáo. Đặc biệt là một số hương ước làng Công giáo có những tục lệ giống như bên làng Việt nói chung như lễ vọng lão, cai lễ, nhất là nghi thức bày Lục Nga trong tục báo hiếu với cha mẹ mà người Việt thường hay thực hiện. Những lễ thói, gia phong tạo sự phong hóa trong mỗi làng quê Việt Nam hay gần hơn là làng Công giáo luôn được mỗi người Công giáo thực hiện đúng và đầy đủ với trách nhiệm, ý thức của mình.
(Hết)
TS.Nguyễn Thị Quế Hương
___________________________________________
1 Xem: Đặng Văn Lung, Trần Xuân Cung, Trần Việt Ngữ. Mục Liên Báo Ân trong Lễ Vu Lan. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003. 288 tr.
2 Lục Nga: Theo Từ Lâm Hán – Việt từ điển của Vĩnh Cao, Nguyễn Phố. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr 1125. Thì Lục Nga là tên một Thiên trong Kinh Thi phần Tiểu Nhã, nói người con có hiếu đau khổ vì không nuôi dưỡng cha mẹ được trọn đời. Trong Kinh Thi, phần Tiểu Nhã có chương Lục Nga được Chu Hy giải thích như sau: Trước kia rau Nga là một loại rau quí hiếm để ví với người cha đã sinh ra ta mà ta không phụng dưỡng được lúc ốm đau cũng như lúc qua đời, cho nên mượn loài ra này để tự nặng lòng đau xót. (cũng xem: Khổng Tử. Kinh thi. quyển 2. Nxb Văn học, 2007, tr 299- tr 300).
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về nghi lễ tang ma của người Việt, chúng tôi thấy có Lễ chúc thực (lễ dâng cơm canh ngon, trà ngon cho vong linh), nghi lễ này được người Việt thực hiện trước nghi lễ Chuyển cữu của người đã mất. Buổi tối trước khi chưa chôn, có “Lễ chúc thực” (trồng bó đuốc trước sân): phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng. (Theo Việt Nam Phong tục của Pham Kế Bính. Nxb Hà Nội, 1999. tr 31- tr 33). Thông thường lễ Lễ chúc thực cho vong linh được thực hiện trong phần đầu của nghi lễ chèo đò mà người Việt nói chung thường trích diễn lại tích Mục Liên - một đệ tử của Phật xin báo ân cho mẹ trong ngày lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân qua Sông Mê, bến Giác. Với Nghi lễ này được đa số người dân vùng đồng bằng sông Hồng thích nghi rất nhanh và thực hiện để cầu cho vong linh được các lực lượng siêu nhiên chuyên nguy sang an sao cho linh hồn được yên vui nơi cực lạc. (Mục Liên báo ân trong lễ Vu Lan...Sđ, tr 146, 150 -151). Tuy nhiên, tích này có rất nhiều cách tiếp cận, dưới nhiều góc độ khác nhau để mới hiểu hết những ý nghĩa sâu sắc trong ngày báo hiếu cha mẹ, ở đây dung lượng bài viết không cho phép nói dài. Chúng tôi sẽ trình bày ở những nghiên cứu sau.
3 Hương ước Thuận Vi..... Ký hiệu AF.a5/65. Đd.
4 Tờ khoán La Tinh, Từ Liên, Hà Nội, lập ngày 10 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (25/10/1896).
5 Hương ước làng Xâm Bồ,... đd.
6 Hương ước làng Văn Giáo, Nghĩa Hưng, Nam Định. Kí hiệu HU 2367.
7 Theo Hà Huy Tú. Tìm hiểu nét đẹp.... sđd, tr 141-143. Lễ Misa: Lễ của Chúa cứu Thế tổ chức vào ngày 25/12 (Lễ Noel).
8 Hương ước tộc Giáo, xã Bác Trạch, Kiến Xương, Thái Bình. Ký hiệu AF a5/68, tại Thư viện Hán Nôm.
9 Hương ước làng Vĩnh Trụ,.... đd.
10 Hương ước thôn Thúy Nẻo, Bắc Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng. Lập ngày 20/12/1999.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.