Thứ Tư, 20 Tháng Năm, 2015 10:52

Caphácnaum

* Lịch sử thành phố

Thành phố Caphácnaum (có nghĩa là làng của Nahum), có lẽ được thành lập vào thế kỷ thứ II trước Chúa Giêsu. Cựu Ước không thấy đề cập đến thành phố này. Do không có tường thành bảo vệ nên khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại đế quốc Rôma bị đè bẹp, thành phố bị phá hủy vào năm 66 thời đại của chúng ta, vì lý do đó, trải qua nhiều thế kỷ, các con đường và những công trình xây dựng không thay đổi bao nhiêu.

Vào khoảng năm 27, khi Chúa Giêsu chọn Caphácnaum làm trung tâm truyền giáo, nơi đây trở nên quan trọng do địa vị của mình chứ không phải do số dân (chỉ có vài trăm). Có một đại đội quân Rôma đồn trú tại đó (Lc 7,1-10 ; Mt 8,5-13) vì nằm sát lãnh thổ của tiểu vương Hêrôđê Antipa; trạm thu thuế nơi ông Lêvi, tức thánh Mátthêu làm việc cũng có cùng một ý nghĩa. Đó là một làng của người đánh cá và chăn nuôi, trồng trọt. Ngày nay, phía Tây của hồ Tibêriát vẫn còn rất nhiều cá; do đó dễ hiểu tại sao hai ông Phêrô và Anrê, gốc Bếtxaiđa ở phía Bắc, lại thích định cư ở Caphácnaum hơn.

Thành phố Caphácnaum

 

Cũng thế, nông nghiệp khá phát triển, vì ở sát vùng đồng bằng duyên hải phì nhiêu Gennêsarét. Những cối xay bằng đá bazan được tìm thấy trong sân nhiều ngôi nhà chứng tỏ điều đó, vài cối xay chưa được làm xong minh chứng rằng chúng được làm tại chỗ.

Có một con đường chính Bắc Nam, phát xuất từ hồ Tibêriát xuyên qua thành phố. Con đường này giao nhau với những con đường cắt ngang theo hướng Đông Tây xác định các xóm nhà. Nhà cửa có vách tường bằng đá bazan, nghèo khổ, lúc đó thường được xây dựng chung quanh một sân chính. Một trong những ngôi nhà này không bao lâu sau được những người Kitô hữu Do Thái (những người Do Thái trở lại đạo Chúa Kitô) biến thành nơi thờ tự (nhà của thánh Phêrô). Vài đoạn trong kinh Mishna chứng tỏ rằng trong ba thế kỷ, dân số thành phố được chia làm hai: những người Do Thái theo Chính Thống giáo và những người Kitô hữu Do Thái (bị gọi là những kẻ lạc giáo : minim = hérétique). Rồi từ thế kỷ thứ IV, những người Kitô hữu Do Thái bị những người Kitô hữu gốc dân ngoại thay thế. Chính những người này đã xây dựng phía trên nhà của thánh Phêrô một Vương Cung Thánh Đường hình bát giác. Cũng vào chính thời điểm này, người Do Thái xây dựng một hội đường hoành tráng bằng đá vôi trắng.

hồ Tibêriát

Vào thế kỷ thứ VII, khi quân Ả Rập xâm lăng Caphácnaum, người Do Thái và Kitô hữu rời bỏ thành phố, từ đó về sau, đại đa số dân chúng là người Hồi giáo cư ngụ. Rồi Caphácnaum rơi vào quên lãng. Vào thế kỷ thứ XIII, một khách hành hương tên Buchard du Mont – Sion, đã viết: “Thành phố Caphácnaum, ngày xưa rất nổi tiếng, nhưng bây giờ thật tệ và chỉ còn 7 ngôi nhà của những người đánh cá nghèo khổ”.

Năm 1841, nhà khảo cổ học Robinson mô tả Caphácnaum là “một nơi hoang vắng và buồn tẻ”. Đến năm 1894, dòng Phanxicô mua được miếng đất bỏ hoang. Từ năm 1905, các ngài bắt đầu khai quật cho đến ngày nay.

Lm. INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác