* Đời sống đạo liên quan đến phong tục cưới xin
Cưới xin là việc hệ trọng liên quan đến đời người. Với tín hữu Công giáo, chuyện cưới xin càng quan trọng vì nó quan hệ trực tiếp đến việc duy trì tôn giáo, Công giáo của mỗi gia đình. Việc cưới xin của tín hữu Công giáo vừa theo phong tục truyền thống của người Việt, lại vừa có những đặc điểm do đạo Công giáo quy định.
![]() |
nhà thờ Ngọc Đồng - Hưng Yên |
Theo phong tục truyền thống, nghĩa là thực hiện các bước trong cưới xin như lễ dạm, lễ ăn hỏi... lễ cưới, lễ lại mặt. Hương ước các làng Công giáo đều quy định con gái gả chồng phải nộp cheo. Thường lấy chồng trong xã tiền nộp cheo ít hơn lấy chồng ngoài xã. Cha mẹ có con lấy chồng phải trình hương hội. Ai không trình phải phạt tiền, thường là phạt gấp đôi. Hương ước các làng đều cấm việc chăng dây, đóng cổng làm ngăn trở việc cưới, cấm con trẻ đến quấy nhiễu nhà có đám cưới. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Ví dụ hương ước làng Vĩnh Trị, khoản thứ 25 – Hôn lễ có 2 điều. Điều 123: Trong làng ai có con gái gả chồng cho người làng khác thì phải nộp 2đ để sung quỹ. Nếu ai không tuân lệnh để hương lý phải trình đến quan thì phải nộp gấp đôi. Điều 121: Còn những việc giăng dây, đóng cổng làm ngăn trở việc cưới và những nhà không có họ hàng gì mà để cho con trẻ đến quấy nhiễu nhà có việc thời nhất thiết cấm hẳn. Ai không tuân sẽ bị phạt từ 0đ200 đến 1đ.
![]() |
Việc cưới xin do đạo Công giáo quy định : Trước hết đó là tín hữu theo Giáo luật chỉ được phép lấy một vợ một chồng, gọi là phép nhất phu, nhất phụ. Hương ước làng Vĩnh Trị, Điều 103 ghi : Làng toàn tòng Công giáo chỉ được phép nhất phu, nhất phụ thôi. Vậy ai còn vợ cả mà lấy vợ hai thì làng không ăn ngôi với nữa để khỏi làm gương xấu cho kẻ khác. Một phần trong Điều 67 hương ước làng Nam Am quy định : Lại dân toàn tòng, theo luật tôn giáo không được phép lấy vợ lẽ, ai phạm đến cũng như tội thông dâm, nếu có con thì đứa con ấy cũng như con ngoại tình. Con ngoại tình, con vợ lẽ là con giai khi đến tuổi nhập bạ thì phải nộp phạt cho làng là 5đ. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch mà hương ước làng Công giáo triển khai từ Thánh Kinh và Giáo luật.
Những bước cưới xin theo phong tục truyền giáo khi áp dụng vào làng Công giáo có thể được giản tiện nhưng lại phải thêm một số yêu cầu do Công giáo quy định. Điều này được thể hiện qua hương ước làng An Nam. Điều thứ 63: Cưới xin ngày trước có 6 lễ, nhưng nay chỉ theo có 3 lễ như sau này thôi :
Lễ “Vấn danh” hay thường gọi là lễ giạm vợ. Sự này bắt đầu mà hai bên cha mẹ hội kiến để nói chuyện và để so sánh tên tuổi, ngày tháng sinh đẻ của các con mà định cuộc hôn nhân của đôi trẻ. Lễ vật thì hoặc là chè, cau, bánh trái, đáng giá độ vài đồng.
Lễ ăn hỏi: Hôm này thì nhà giai cho chú rể cùng bà con sính lễ sang nhà gái. Hôm đó chú rể đi lễ nhà thờ cùng là ra mắt họ hàng nhà vợ. Hai bên thông gia định ngày cưới và thách cưới, lễ vật thì tùy theo từng nhà giầu nghèo, như đáng độ 3đ.00 đến 20đ.00.
Lễ cưới: Hôm đó chú rể đi cùng ông thân sinh và bà con, sính lễ vật cùng tiền nong sang nhà gái đón dâu. Bên nhà gái cũng cho bà con đưa dâu về nhà chồng. Lễ vật và tiền nong thì tùy theo từ nhà giàu, nghèo, như tất cả đáng độ 10đ.00, 20đ.00 hay 30đ.00 chi đó.
Hương ước làng Ngọc Đồng có lẽ là hương ước có quy định cụ thể và chi tiết nhất về tục cưới xin của tín hữu Công giáo. Nội dung được ghi trong Điều thứ 26: Trong làng hễ ai có con gái lấy vợ lấy chồng thì hai bên cha mẹ phải đưa chúng nó đến trình đấng coi sóc linh hồn để Người tra xét hoặc có mắc ngăn trở gì chăng đã đoạn mới được đi hỏi và chịu trầu cau. Bằng không cứ thì bắt khoán cả hai bên, mỗi bên một quan hai tiền. Lại khi đã hỏi và chịu trầu cau rồi, đến sau lại chê bôi thời bắt khoán bên chê ấy sáu quan. Bằng kẻ toan lấy nhau khi đến trình đã tra cống cẩn mà kẻ ấy chẳng trình cho rõ mình bằng lòng lấy hay là phải ép, đến sau muốn tháo lời giao mà nói rằng bởi bố mẹ ép thì bắt khoán gấp đôi, cùng là ra hiệu 3 ngày, đánh đòn 30 roi. Nếu kẻ ấy muốn cho khỏi sự giam và đòn thì phải nộp tiền 3 quan. Bằng bởi mình nghe kẻ khác mà tháo lời giao, khi tra hỏi có xưng ra tại kẻ nào mà có chứng thực thì kẻ ấy phải chịu khoán cho kẻ tháo lời giao ấy cùng đánh đòn 50 roi. Bởi vì nói sàm bạ làm thế lại khi cheo cưới, đoạn lại dọa bỏ nhau thì cũng bắt khoán 3 quan cùng bắt đến chốn chung mà đánh đòn 30 roi và bắt phải về với nhau. Bằng khi mới hỏi trầu cau chưa cheo cưới gì mà đã có thai thì bắt khoán bên gái tiền 6 quan, bên trai 3 quan, đánh đòn 30 roi, mà kẻ làm cha mẹ phải lo liệu đem chúng đến trình cha để cha thương làm phép cưới cho. Sau nữa kẻ nào gả con mình cho kẻ ngoại đạo hay là hỏi người ngoại đạo cho con mình thì bắt khoán tiền 6 quan cùng bắt cha mẹ phải hạn gián và khuyên bảo nó hết sức mình.
Qua phần nội dung Điều thứ 26 hương ước làng Ngọc Đồng, chúng ta còn biết được một nguyên tắc cưới xin của tín hữu Công giáo thời bấy giờ là không được lấy vợ hoặc chồng người ngoại đạo, ai vi phạm số tiền bắt khoán rất cao. Cũng hương ước làng Ngọc Đồng, Điều 25 quy định tiền cheo ngoài việc nộp tại bản xã còn phải nộp tại hội Rôsa 1 quan. Hội Rôsa chính là một tổ chức hội đoàn Rôsa hay Rôsariô khá phổ biến ở các địa phận thuộc dòng Đa Minh quản lý. Lấy chồng ngoài xã tiền phải nộp gấp đôi. Việc thu tiền cheo chỉ hợp lệ khi có chữ trong xứ đường tư ra (Điều 25).
(còn nữa)
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.