Thứ Sáu, 18 Tháng Ba, 2016 10:59

Giáo hội mà tôi mong đợi (P14)

Antonio SPADARO, SJ.

Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ

Niềm vui Phúc âm

Gốc rễ của viễn ảnh về Giáo hội được tạo nên bởi những tội nhân được tha thứ và được tuyển chọn, một Giáo hội Samaritano và triệt để nhân hậu, phải được tìm kiếm, một lần nữa trong việc đào tạo đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người thừa hưởng viễn ảnh của thánh I-nhã về sự tìm kiếm ý Thiên Chúa trên mỗi con người mà Thiên Chúa liên hệ cách riêng tư. Đây là nét chính yếu của linh thao nơi thánh I-nhã, nơi đó chúng ta luôn luôn tìm gặp được con người đang tìm kiếm để mở ra với thánh ý Thiên Chúa trên đời sống của mình. Khi Đức Phanxicô không thừa nhận điều ngài gọi là “quyền liên hệ thiêng liêng”, ngài muốn nói rõ ràng rằng: Giáo hội phải được tự do diễn tả tư tưởng của mình và Giáo hội phải làm điều này bằng sự đối thoại với sự tự do riêng tư cần được tôn trọng.

Chúa Giêsu mời gọi thánh Phanxicô Assisi: "Hãy đi và sửa lại nhà ta"

Trong bức thư gởi cho Eugenio Scalfari, được công bố ngày 11.9.2013 trong La Repubblica, Đức Giáo hoàng viết : “Có lẽ tôi không nên nói về chân lý “tuyệt đối”, ngay cả đối với một người tín hữu, với nghĩa là sự tuyệt đối có thể tách ra từng mảnh làm cho mất đi sự tương giao. Trong khi đó, chân lý theo niềm tin Kitô giáo là tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Vì vậy chân lý là một mối tương giao ! Đến nỗi rằng ngay cả khi mỗi người chúng ta bắt được chân lý và diễn tả từ chân lý đó : từ lịch sử và nền văn hóa của nó, từ bối cảnh trong đó tình yêu của Thiên Chúa tồn tại... Điều này không có nghĩa rằng chân lý có thể thay đổi và chủ quan, và ngược lại. Nhưng điều này muốn nói rằng chân lý luôn chỉ được ban tặng cho chúng ta, như một con đường và một cuộc sống”.

Chúng ta cần hiểu rõ những lập luận trên : đúng vậy, thay vì nhấn mạnh trên một điều lệ chủ quan, không thể thảo luận được khiến mỗi người tín hữu phải uốn mình thì Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn cởi mở hơn với thần khí đang nói với những người tín hữu qua đời sống của họ, trong tính đặc thù của từng hoàn cảnh sống của con người, trong một khoảnh khắc lịch sử rõ ràng nào đó và trong một cộng đoàn của những người tín hữu là Giáo hội.

Chân lý của Thiên Chúa “là vô tận, là một đại dương mà chúng ta chỉ thấy được bờ bên kia”. Đây là điều mà chúng ta bắt đầu khám phá trong thời đại này : chúng ta đừng tự nô lệ mình với một sự tự vệ về chân lý của chúng ta (nếu tôi chân lý thì người kia không có ; nếu người kia có thể có thì muốn nói rằng tôi không thể có được). Chân lý là một ân ban quá rộng lớn đối với chúng ta, chính vì vậy mà nó nới rộng, tăng cường, lôi kéo. Và chân lý đặt chúng ta vào trong việc phục vụ ân ban này. Jorge Mario Bergoglio nói về “vẻ đẹp” và “tính cách bùng nổ” của chân lý. Việc giáo dục để biết về chân lý của Chúa do đó là một công việc đòi buộc. Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh cách đây vài năm liên quan đến các trường Công giáo, không mời gọi “đào tạo một đạo binh Hégémonique tín hữu sẽ biết tất cả mọi đáp án. Trái lại, các trường đó phải là những nơi mà tất cả các vấn đề được chấp nhận, nơi mà dưới ánh sáng của Phúc Âm, chúng ta phải khuyến khích sự tìm tòi cá nhân và chúng ta không được ngưng nghỉ tìm tòi bằng cách dựng nên những bức tường ngôn luận, những bức tường làm yếu đi sự tìm tòi đó và dần dần bị sụp đổ”.

Như sau này Đức Giáo hoàng nói với tôi điều đó trong một cuộc trao đổi : “Chúng ta không bao giờ biết ở đâu và như thế nào chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa, chúng ta cũng không ấn định được thời gian hoặc nơi chốn mà chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài”. Trong bối cảnh đó, sứ điệp của Giáo hội cũng như sứ điệp về luân lý không bao giờ được bỏ qua mối quan tâm mục vụ về nhu cầu của những con người mà sứ điệp muốn nói đến : do đó, sứ điệp luôn mang tính “tương đối”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, Đức Giáo hoàng nói cách minh nhiên : “Chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh về những vấn đề liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng những phương pháp ngừa thai”. Liên hệ tới vấn đề hôn nhân giữa những người đồng giới, ngài quả quyết: “Giáo hội đã có sẵn một quan điểm rõ ràng, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta đứng trước một giới hạn nào đó để công bố Phúc Âm hoặc về tiến trình để đi đến sự gặp gỡ Thiên Chúa”. Trong chuyến bay trở về từ Rio de Janeiro, Đức Giáo hoàng đã khẳng định : “Nếu một người đồng tính tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả sự thiện chí của mình, tôi là ai để xét đoán họ?”. Ngài đề nghị một cách mới để tiếp cận vấn đề, một cách thức liên hệ đến việc đồng hành trên con đường đi đến cuộc gặp gỡ cá nhân giữa Thiên Chúa và con người. Xa hơn, ngài nói đến trong cuộc phỏng vấn : “Việc gặp gỡ là mục tiêu của việc phân định”. Đây là một điểm quan trọng : phải phân định không chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng cũng phải biết phân định sự gặp gỡ ở đâu và nó đến như thế nào. Đây là trung tâm của vấn đề : tương giao với Thiên Chúa của một nhân vị đi tìm Ngài. Vì vậy, không phải là một vấn đề cấm kỵ - và vì vậy đồng tính cũng không thể và cũng không được là như vậy - nhưng đây là những biên giới mà Giáo hội được mời gọi tiếp cận bằng cách loan báo Tin Mừng. Và cũng chính là Kérygma (tức là bài giảng truyền giáo) mà Đức Giáo hoàng thích thú nhất. Thứ Kérygma loan báo sứ điệp Kitô giáo. Trong khi đó, như ngài nói với tôi, ngài ngại một thứ phục vụ “bị ám ảnh bởi việc loan truyền rời rạc của vô vàn tín lý gây áp lực mạnh mẽ trên con người”. Trong quá khứ, ngài đã có lần tiếc nuối về những bài giảng “nơi đó chúng ta thích nói đến vấn đề luân lý giới tính, về tất cả những gì liên hệ đến giới tính. Muốn biết xem chúng ta có thể làm được việc này hay không làm được việc kia. Muốn biết xem mình có lỗi hay không có lỗi trong việc đó. Làm như vậy, chúng ta loại bỏ kho báu của Đức Giêsu Kitô hằng sống, loại bỏ kho báu của Thánh Thần trong tâm hồn của con người, loại bỏ kho báu của một dự án sống đời Kitô hữu, có biết bao nhiêu những dấn thân khác vượt lên trên vấn đề của giới tính. Chúng ta để qua một bên một giáo lý phong phú với những mầu nhiệm của đức tin của Kinh Tin Kính, và cuối cùng chúng ta muốn quan tâm đến việc biết cần phải tổ chức như thế nào hay không, tổ chức hay không tổ chức chống lại một dự phóng về luật cho phép dùng biện pháp ngừa thai”.

Nỗi lo âu của Đức Phanxicô là sợ người ta mất đi cái nhìn về những ưu tiên và sẽ đưa đến “một sự giảm sút vẻ đẹp của ‘Tin mừng Phục sinh’ liên quan đến luân lý giới tính”. Như vậy, vấn đề như ngài đã nói trong cuộc phỏng vấn là “lâu đài luân lý của Giáo hội cũng có thể có nguy cơ sụp đổ như một lâu đài bằng giấy”. Giả thiết của việc suy sụp là nỗi lo lắng của Gorge Mario Bergoglio. Ngài đã nói đến vấn đề này trong một bài giảng ngắn trong thánh lễ mà ngài cử hành với các hồng y nơi nhà nguyện Sixtin ngay sau khi được bầu làm giáo hoàng : “Điều xảy ra như đối với trẻ con đang chơi trên bãi cát khi chúng dựng lên những lâu đài bằng cát là tất cả đều sụp đổ bởi không có chất liệu gắn kết”. Trong quá khứ, ngài cũng đã nói về “những vách tường mỏng giòn, yếu ớt và chỉ một thời gian sau đã bị sụp đổ”. Trong ý nghĩa này, tôi tin rằng lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với thánh Phanxicô Assisi: “Hãy đi và sửa lại nhà ta” cũng vang vọng một cách mãnh liệt trong tâm tư của Đức Thánh Cha. Đó không phải là những vết rạn nứt bên ngoài làm cho ngài lo lắng nhưng chính là do sự thiếu cứng rắn trong việc loan báo Tin mừng Phục sinh (Kérygma).

Antonio SPADARO, SJ.

Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm