Thứ Sáu, 22 Tháng Tư, 2016 11:43

Giáo hội mà tôi mong đợi (P19)

Antonio SPADARO, SJ.

Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ

MỘT LINH ĐẠO CHO THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA

Đọc Phúc Âm trong lịch sử và với ánh sáng của nền văn hóa hiện đại, Đức Jorge Mario Bergoglio tin rằng Thiên Chúa tự biểu lộ mình trong hôm nay và qua lịch sử nhân loại, nơi mà chúng ta phải xem “như lúc để việc phân định giữa những quà tặng của ân sủng”. Đức Giáo Hoàng không xa vời đời sống của mỗi một con người cũng như với lịch sử và những tiến trình của nó. Ngài làm cho viễn ảnh này trong việc thi hành các linh thao được chín mùi, điều mà thánh I-nhã yêu cầu xem “Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi loài thọ tạo. Người ở trong những yếu tố ban phát sự sống; trong các cây cối, ban phát hoa quả xanh tươi; trong những loài thú, ban phát cảm xúc; và trong chính chúng ta trong những cách thức khác nhau. Vừa ban cho chúng ta bản chất, sự sống, cảm xúc và trí tuệ, Chúa còn làm hơn thế, làm cho chúng ta trở thành đền thờ của ngài. Và trong cái nhìn này, Người đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh vương đế thần linh của Người” (Linh thao, 235). Và tiếp theo đó, thánh I-nhã mời gọi chúng ta nhìn hành động của Thiên Chúa: “Thiên Chúa hành động và hoạt động cho chúng ta trong mọi vật Người tạo dựng trên trái đất này. Người hành động như một con người làm việc. Người có mặt cụ thể trong những nơi này, trong những yếu tố, trong các loài cây cối, trái cây, hoa quả, thú vật..., ban phát và gìn giữ bản chất, sự xanh tươi của sinh vật, của cảm xúc… (Linh thao, 236).

"...Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: chúng ta cần phải biết khám phá ra Người để có thể loan báo người trong ngôn ngữ của mọi nền văn hoá; và mọi thực tạ, mọi ngôn ngữ có nhịp điệu khác nhau

Nếu tư tưởng là “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự” thì sứ vụ và sự đổi thay được hướng dẫn trong một tiến trình năng động, nhờ vào sự trung tín đối với Phúc Âm và thần khí, cũng như những thay đổi xuất phát từ thế giới. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng nói rõ ràng: “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: chúng ta cần phải biết khám phá ra Người để có thể loan báo Người trong ngôn ngữ của mọi nền văn hóa; và mọi thực tại, mọi ngôn ngữ có nhịp điệu khác nhau”. Nếu lối nhìn thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng được đặt nền tảng trên một sự tin tưởng lớn lao về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, thì chúng ta thấy được viễn ảnh của ngài được bén rễ trong những vấn đề nhân sinh của con người ngày hôm nay, như vấn đề của thế hệ mới.

Vì vậy, phải “tìm kiếm Thiên Chúa”. Nhưng “gặp” được Người, đối với Đức Phanxicô, không phải là eureka vương đế. Thiên Chúa không phải là một đối tượng được trưng bày ra dưới cái nhìn của chúng ta mà khả năng hiểu biết của chúng ta có thể bao quát. Phải cần đến một thái độ chiêm niệm, làm cho chúng ta nhận được Người hiện diện nhờ sự bình an thâm sâu mà Người ban tặng. Xác tín này rất rõ ràng đối với viễn ảnh về thế giới của Jorge Mario Bergoglio. Đây là một viễn ảnh năng động có tính động chứ không là tĩnh. Đức Giáo Hoàng cũng đã nói với tôi về bốn nguyên tắc là nền tảng về cái nhìn của ngài: “Thời gian vượt lên trên không gian, sự hiệp nhất vượt lên trên xung đột, thực tế vượt lên trên tư tưởng, tính tổng quát vượt lên trên bè phái”. Nguyên tắc đầu tiên đặc biệt được ngài yêu chuộng. Thời gian nhắm đến các hành trình văn hóa, xã hội, mang tính thiêng liêng; trong khi đó, không gian nhắm đến nơi chốn ấn định rõ ràng để đặt vị trí hay để mình bám víu vào đó. Với người Kitô hữu, theo Đức Giáo Hoàng, tạo ra những tiến trình đôi lúc lâu dài thay vì chiếm hữu các không gian, quyền lực. Cuối cùng, hình ảnh Phúc Âm như bột dậy men là một tiến trình đang trên đà tiến. Cũng như hình ảnh của hạt giống tốt và xấu trong những sự kiện, nơi đó cả hai không thể cùng lớn lên với nhau. Giật bỏ ngay lập tức cỏ lùng sẽ là một cám dỗ. Trái lại, “cái nhìn của người gieo giống phải là người đầy niềm hy vọng. Khi ông ta thấy cỏ lùng mọc lên giữa những hạt lúa tốt, ông ta đã không phản ứng với những lời than vãn, hay những thái độ rên khóc; nhưng ông ta bảo đảm về sự tươi tốt, về sự sống của những gì được gieo vãi, với thắng lợi về lỗi cám dỗ mong cho thời gian đến sớm”. Cỏ lùng và hạt lúa tốt sẽ cùng nhau lớn lên nhưng chúng ta được mời gọi bảo vệ lúa tốt, và để cho thiên thần gặt bỏ cỏ lùng khi mùa gặt tới.

Lối nhìn của ngài không đâm rễ thái quá trong cái gọi là “sự an toàn tín lý”, lối nhìn này là một lối nhìn quan tâm, và theo dõi sát hành trình đang diễn tiến. Đức Phanxicô xác định rõ ràng trong cuộc trao đổi rằng Thiên Chúa tự biểu lộ trong thời gian và Người hiện diện trong mọi hành trình của lịch sử. Lịch sử này “thúc bách chúng ta và lắm lúc không để cho chúng ta kịp thở”. Và chúng ta được mời gọi tự mang trách nhiệm một cách khiêm tốn, về thực tế, lịch sử, và lời hứa của Thiên Chúa. Điều này có thể ân thưởng những hành động đưa đến những sự năng động mới và có thể những cách thức sống mới trong tương quan với Thiên Chúa : “Nếu chúng ta chỉ ở trong những khuôn viên của nền ‘văn hóa từ xưa’, nghĩa là một nền văn hóa lấy nền nông nghiệp làm chính yếu thì kết quả sẽ đưa đến một sự loại trừ sức mạnh của thần khí”. Đối với Đức Giáo Hoàng, sự quan phòng của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nhiều khả năng mới, trong đó khủng hoảng cũng là một thách đố.

Jorge Mario Bergoglio đưa ra một việc làm chính yếu : xây dựng lại lối nhìn tưởng tượng về đức tin trong một xã hội biến chuyển, nơi đó những quy chiếu, biểu tượng và văn hóa không còn là những quy chiếu của ngày xưa. “Những tín lý của Thiên Chúa giáo” cũng tham gia vào tiến trình này: Luật lệ của việc tiến triển muốn rằng những tín lý này được cổ võ qua năm tháng và phát triển theo thời gian và lớn lên qua thời gian như lời thánh Vincent de Lérins mà Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn.

Trong bài giảng vọng Phục Sinh 2013, một ít lâu sau khi được chọn làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến nền tảng của một não trạng cởi mở về những thay đổi liên lỉ. Ngài tuyên bố: “Khi một điều gì đó thực sự mới mẻ đến trong sự liên tục hằng ngày với các biến cố, thì chúng ta thường ngưng lại, chúng ta không hiểu, chúng ta không biết phải đương đầu thế nào, sự mới mẻ thường làm cho chúng ta sợ hãi”. Đức Giáo Hoàng thường mời gọi Giáo hội cởi mở, triệt để rõ ràng để cởi mở ngay cả những điều mà não trạng của chúng ta đã thiết lập qua thời gian. Jorge Mario Bergoglio đã viết một trang thực sự sáng chói : “Mọi diễn thuyết khép kín, vĩnh viễn, luôn luôn che dấu những mưu mẹo; người đó thấy trước điều gì mà không đưa ra ánh sáng, tìm cách che đậy sự thật là thứ luôn luôn cởi mở với những điều gì thực sự có tính cách vĩnh viễn và không thuộc về thế gian này”.

Chính những tư tưởng sai lầm về truyền thống và bảo thủ sẽ sụp đổ: “Ở lại, trung tín đòi hỏi phải ra khỏi. Nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi chính mình. Mâu thuẫn thay, và chính vì vậy, bởi vì mình ở lại; nếu mình trung thành thì mình thay đổi. Chúng ta không trung thành theo mặt chữ như những người truyền thống hay những người cực đoan. Thầy Chí Thánh thể hiện một sự thay đổi nơi người trung thành với ngài”. Ngài vẫn thường nói lên sự cần thiết của việc đồng hành với những “hành động” liên tục của cuộc sống và của lịch sử mà không rơi vào chủ nghĩa thất bại (DÉFAITISM). Suy tư về điều mới mẻ là điều cần kíp. Đem đến điều gì mới mẻ, sáng tạo điều mới mẻ bằng cách sống một cuộc sống dồi dào với men mới của công bằng và thánh thiện (x. 1Cr 5, 8). Sống trong lịch sử có nghĩa là sống trong sự khả thi bởi lịch sử con người không bao giờ kết thúc, không bao giờ làm cùn đi những khả năng, cuộc sống đó có thể luôn luôn mở ra với những điều mới, với những điều mà ngày hôm nay chúng ta đã không quan tâm tới. Như vậy, chúng ta biết rằng lịch sử này thuộc về sự sáng tạo đâm rễ sâu trong quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Antonio SPADARO, SJ.

Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm