MỘT LINH ĐẠO CHO THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA
Nghệ thuật và sự sáng tạo
Tôi cảm động về một ví dụ mà Đức Giáo Hoàng đưa ra từ vở nhạc kịch Turandot để nói về mầu nhiệm của niềm hy vọng. Tôi muốn hiểu rõ hơn ngài đã có những quy chiếu văn chương nào ? Tôi nhắc cho ngài vào năm 2006, ngài đã từng nói rằng những nghệ sĩ vĩ đại thường biết cách thể hiện thực tại với một vẻ đẹp ẩn chứa bi đát và khổ đau của cuộc sống. Do đó, tôi hỏi những nghệ sĩ và nhà văn nào mà ngài thích ? Và những người đó phải chăng cũng có cùng một số điểm chung…?
Cảnh trong vở nhạc kịch Turandot |
Ngài trả lời :
“Tôi ưa thích một số tác giả lớn và họ rất khác biệt nhau. Tôi rất thích Dostoievski và Holderlin, người tôi muốn nhắc đến qua một bài thơ đầy tính tâm linh mà ông đã viết nhân dịp sinh nhật của bà ngoại tôi. Bài thơ này ẩn chứa một vẻ đẹp thật lớn lao và trên bình diện thiêng liêng đã giúp ích cho tôi nhiều. Bài thơ này kết thúc với một số câu: “Con người nắm giữ điều mà con trẻ đã hứa”. Điều này đã làm cho tôi xúc động nhiều bởi tôi rất yêu mến bà ngoại Rôsa của tôi và trong thơ ông Holderlin đã ví người bà của mình với Mẹ Maria, người đã sinh hạ Đức Giêsu mà ông gọi là “người bạn của nhân loại”, là Đấng “không bao giờ xem ai như một người xa lạ”. Tôi đã đọc ba lần tác phẩm “Les Fiancés” và bây giờ tôi vẫn để nó trên bàn và đọc lại. Những tác phẩm của nhà văn người Ý Alessandro Manzoni cũng đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Khi tôi đang còn bé, ngoại đã dạy tôi học thuộc lòng phần đầu của cuốn sách này: “Cành cây này của hồ Coome hướng về miền nam giữa hai dãy núi vô tận…”. Ngoài ra, tác giả Gerard Manley Hopkins cũng đã làm cho tôi thích thú nhiều.
Trong lãnh vực hội họa tôi thích chiêm ngắm những tác phẩm của Caravaggio. Các bức vẽ của ông đã nói với tôi nhiều điều. Cũng như Marc Chagall với tác phẩm Crucifixion blanche…
Trong lãnh vực nhạc đương nhiên tôi thích Mozart. Và khúc Incarnates est thật sự là không ai sánh được. Những bản nhạc này dẫn đưa ta tới Thiên Chúa ! Tôi thích nghe nhạc Mozart khi Clara Haskil biểu diễn. Nó làm tôi say sưa : Tôi không thể chỉ nghĩ đến, mà tôi phải cảm nghiệm nó. Tôi thích nghe Beetoven, nhưng phải được biểu diễn theo cách thức thần linh, và người diễn tả điều này tài tình nhất là Furtwangler. Rồi còn Những cuộc khổ nạn của Bach. Một đoạn tác phẩm của Bach mà tôi thích là Erbarme Dich - Xin thương xót, lời than vãn của Phêrô trong Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu. Thật là thần thiêng. Còn nữa, trên một bình diện khác, không hẳn là sâu sắc như vậy nhưng tôi cũng thích Wagner và thỉnh thoảng tôi thích nghe tác phẩm của ông. Nhưng bản theo tôi hay nhất là bản Tétraligie do Furtwangler thể hiện tại Scala năm 1950. Tôi cũng thích bản Parsifal do Knappertsbusch biểu diễn vào năm 1962.
Tác phẩm "Bắt Chúa Giêsu" của Caravaggio |
Chúng ta cũng nên nói về phim ảnh nữa. La Strada của Felline có thể là bộ phim mà có thể là tôi thích nhất. Tôi nhập tâm dễ dàng với phim này bởi có đoạn quy chiếu về thánh Phanxicô. Tôi hình như cũng đã xem tất cả mọi phim có sự đóng góp của Anna Magnani và Aldo Fabrizi. Hai tác giả này thuộc thế kỷ XX khi tôi mới 10-12 tuổi. Một phim khác mà tôi cũng rất thích là Rôma, thành phố rộng mở. Về văn hóa, điện ảnh thì phải nói tôi mang ơn cha mẹ bởi các ngài đã đem tôi đi xem phim nhiều.
Một cách tổng quát, tôi yêu thích những nghệ sĩ bi kịch, đặc biệt những nghệ sĩ cổ điển hơn. Cervantès đặt để trên môi miệng Carrasco một định nghĩa rất đẹp để vinh danh câu chuyện về Don Quichotte: “Trẻ con thì có được lịch sử trong tay, thanh niên thì đọc lịch sử, những người lớn thì hiểu lịch sử, những người cao niên thì ca ngợi lịch sử”. Đối với tôi, đây là một định nghĩa về văn học cổ điển rất súc tích...”.
Tôi nhận thấy rằng tôi bị thu hút bởi những quy chiếu của Đức Thánh Cha và tôi ước mong đi vào cuộc sống của ngài qua ngưỡng cửa của những chọn lựa nghệ thuật của ngài. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một lịch trình dài phải làm. Có nhiều tác giả và những công trình khác ập đến trong tâm trí tôi mà ngài cũng đã có dịp nêu lên ngay cả với những tác giả không quan trọng lắm, hoặc ít biết đến, hoặc những tác giả địa phương... Ví dụ như tác phẩm Martin Fierro của José Hernández, Grand Exode của Luigi Orsenigo. Tôi cũng nghĩ đến các tác giả như Joseph Malègue, José María Permán và đương nhiên còn có Dante, Borges, tôi cũng nghĩ đến Leopondo Marechal tác giả của Adán Buenosayres, El Banquete de Severo Arcángelo và Megafón. Cách đặc biệt, tôi nghĩ đến Borges, tôi biết ông rất rõ, bởi vì khi 28 tuổi, Jorge Mario Bergoglio là giáo sư văn học của trường trung học mang tên nhà thờ I’lnmaculada Concepción. Ngài đã dạy trong hai năm cuối cùng ở trường trung học và khơi dậy cho các học sinh cách viết sáng tạo. Tôi cũng có một kinh nghiệm như ngài khi tôi đồng tuổi với ngài ở học viện Massimo của Rôma khi thành lập BombaCarta, và tôi đã kể cho ngài nghe. Cuối cùng, tôi xin Đức Thánh Cha kể cho tôi nghe về kinh nghiệm của ngài.
Ngài nhớ lại :
“Đây là một điều hơi mạo hiểm. Tôi phải làm như thế nào đó để các học sinh của tôi nghiêm túc học Le Cid. Nhưng điều này đã không làm cho học sinh thích thú. Chúng xin đọc García Lorca và tôi phải quyết định chúng phải học Le Cid ở nhà, còn trong giờ học với tôi, tôi sẽ đề cập đến các tác giả mà chúng ưa thích hơn. Dĩ nhiên chúng muốn đọc những tác phẩm “nóng”, dù là những tác phẩm này thuộc thời đại như La Casada hay tác phẩm cổ điển như La Celestina của Fernando de Rojas. Khi đọc những tác phẩm thu hút chúng lúc bấy giờ, các học sinh bắt đầu ưa thích văn chương hay thơ văn nói chung, và từ đó chúng đi đến với những tác giả khác. Đây là một kinh nghiệm lớn đối với tôi. Tôi đã xây dựng một giáo trình cách nào đó không theo một cấu trúc có sẵn, nghĩa là không buộc phải theo như đã dự định trước, nhưng theo một quy trình đến cách tự nhiên với việc cho học sinh đọc các tác giả đó. Tôi thích làm theo cách này: Không áp dụng một giáo trình cứng ngắc nhưng đồng thời vẫn biết cách nào đó để đi đến điều tôi muốn. Và vì vậy tôi bắt đầu cho học sinh viết ra. Cuối cùng tôi quyết định gởi cho Borges hai bài tường thuật do học sinh của tôi viết. Tôi quen biết với cô thư ký của ông ấy bởi vì trước đây cô ấy là giáo sư đàn cầm của tôi. Borges đã rất thích thú và chính ông đã đề nghị viết lời giới thiệu cho một trong hai bản tường thuật đó...”.
“Vậy thưa Đức Thánh Cha, sự sáng tạo là một điểm quan trọng trong đời sống của một con người phải không?”, tôi hỏi. Ngài cười và nói với tôi rằng : “Đối với một tu sĩ dòng Tên, điều đó rất quan trọng. Một tu sĩ dòng Tên phải biết sáng tạo”.
Antonio SPADARO, SJ.
Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ
Bình luận