PHỎNG VẤN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
JORGE MARIOBERGOGLIO LÀ AI ?
Câu hỏi của tôi đã sẵn sàng nhưng tôi đã quyết định không theo KHUNG mà tôi đã dự tính mà hỏi ngài cách nhanh chóng: “Jorge Mario Bergoglio là ai?”. Đức Giáo hoàng đã nhìn thẳng vào tôi trong thinh lặng. Tôi hỏi ngài đây có phải là một câu hỏi mà tôi được phép hỏi hay không. Ngài chấp thuận và trả lời rằng : “Tôi không biết định nghĩa nào là đúng nhất... Tôi là một tội nhân. Đó là định nghĩa đúng nhất. Đây không phải là cách nói, cũng không phải là một lối văn chương, đúng tôi là một tội nhân”.
Chúa gọi thánh Matthêu - Tranh của Caravage |
Đức Giáo hoàng vẫn trầm tư, có lẽ ngài đã chưa hề nghĩ trước sẽ có câu hỏi này nên buộc ngài phải suy nghĩ sâu xa hơn. Ngài nói tiếp : “Đúng vậy, nếu được thì tôi có thể nói rằng tôi có đôi chút tinh xảo, tôi biết cải tiến, biết thay đổi, nhưng đúng là tôi cũng có chút ngây thơ. Chung quy lại, điều mà tôi nhận thấy chính xác và sâu thẳm nhất nơi tôi đó là: “Tôi là một tội nhân mà Thiên Chúa đã đặt cái nhìn của ngài trên tôi”. Tôi là một con người được Thiên Chúa đoái nhìn. Đó là khẩu hiệu mà tôi luôn luôn cảm nghiệm và cho là sâu thẳm, trung thực nhất”.
Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục suy tư và nói với tôi một điều mà lúc đó tôi chưa hiểu : “Tôi đã không hề rành Rôma. Tôi biết ít lắm, nhưng tôi biết thánh đường Sainte Marie-Majeure. Tôi thường đến đó”. Tôi cười : “Thưa Đức Thánh Cha, điều này thì chúng con có biết”. Ngài tiếp tục : “Đó, tôi biết thánh đường Marie-Majeure, thánh đường thánh Phê-rô..., nhưng khi đến Rôma, tôi không hề ở cung điện, tôi ở Via Delle Scrofa. Từ đó tôi thường thăm viếng nhà thờ thánh Saint Luis des Francais, và tôi chiêm ngắm bức tranh La Vocation de saint Mathieu của Caravage”. Tôi bắt đầu hiểu được điều Đức Thánh Cha muốn nói.
“Ngón tay này của Chúa Giêsu hướng về Mathêu. Đó, đó là tôi. Tôi như vậy đó. Tôi cảm nghiệm như vậy đó, như Matthêu”, Đức Giáo hoàng gần như quả quyết, có vẻ như ngài đã bắt được hình ảnh của bản thân mà mình đang tìm để diễn tả : “Cử chỉ của Mathêu đã đánh động tôi, ông chụp túi tiền như muốn nói : “Không, không phải tôi! Không, những đồng tiền này thuộc về tôi!”. Đó, tôi là như vậy đó, một tội nhân mà Thiên Chúa đã đoái nhìn. Điều này tôi đã nói khi người ta hỏi tôi có chấp nhận hay không trong cuộc bầu cử Giáo hoàng”. Và trong thinh lặng, ngài đã thì thầm : “Tôi là một tội nhân, nhưng nhờ lòng khoan dung của Chúa Giêsu Kitô và sự kiên nhẫn vô tận của Ngài, tôi phó thác và chấp nhận trong tinh thần sám hối”.
TẠI SAO NGÀI TRỞ THÀNH TU SĨ DÒNG TÊN ?
Tôi hiểu rằng công thức đón nhận này của Đức Phanxicô như là căn tính của ngài. Và không còn điều gì để bàn thêm nữa. Tôi trở lại câu hỏi mà tôi đã soạn sẵn : “Thưa Đức Thánh Cha, điều gì đã thúc giục Đức Thánh Cha vào dòng Tên? Điều gì đã làm Đức Thánh Cha ấn tượng trong Hội dòng này?”. ĐTC gần như trả lời ngay : “Tôi ước muốn một điều gì lớn hơn. Nhưng tôi không biết đó là điều gì. Trước đây tôi đã vào chủng viện. Các cha dòng Đaminh tôi cũng thích, vì tôi có những người bạn ở dòng Đaminh nhưng sau đó tôi đã chọn dòng Tên bởi vì chủng viện cũng được giao cho các cha dòng Tên. Có ba điều đã đánh động tôi trong dòng Tên: Sắc thái truyền giáo, đời sống cộng đoàn và tính kỷ luật. Thật lạ lùng vì tự bản chất, từ khi mới sinh ra, tôi là một người vô kỷ luật. Nhưng kỷ luật của dòng Tên, cách thức sắp xếp thời gian đã làm lay chuyển suy nghĩ của tôi rất nhiều! Đời sống cộng đoàn đối với tôi là một yếu tố thật căn bản. Từ trước tôi vẫn luôn luôn tìm đời sống cộng đoàn. Với tư cách là một linh mục, tôi chưa hề thấy mình phải sống một mình: tôi cần một cộng đoàn. Chính vì vậy mà tôi ở đây, tại nguyện đường Thánh Marta này. Khi tôi được bầu, vô tình tôi ở trong phòng 207, còn căn phòng hiện giờ chúng ta đang ngồi là 201, là một phòng dành cho khách. Tôi đã chọn phòng này để ở, bởi khi người ta trao cho tôi căn hộ giáo hoàng, tôi nghe rõ trong mình một tiếng nói “không”. Căn hộ giáo hoàng của lâu đài tông đồ thật sự không sang trọng. Nó cũ kỹ, nhưng được làm thật phong cách. Song nó như cái phễu để ngược lại, nếu cái miệng của nó lớn thì đuôi của phễu rất nhỏ và muốn đi vào thì như từng giọt nước chảy từ từ xuống, mà trong đó không có ai, trong khi đó tôi không thể sống mà không có ai. Tôi muốn sống với người khác”.
ĐỐI VỚI MỘT TU SĨ DÒNG TÊN, GIÁO HOÀNG CÓNGHĨA LÀ GÌ ?
Tôi muốn tiếp tục suy nghĩ theo hướng này, vì thế tôi đặt cho Đức Giáo hoàng câu hỏi liên quan đến sự việc ngài là người dòng Tên đầu tiên được bầu chọn làm giám mục thành Rôma: “Dưới ánh sáng của linh đạo thánh I-nhã, ĐTC nhận thức như thế nào về việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ được mời gọi thi hành ? Đối với một tu sĩ dòng Tên, được bầu chọn giáo hoàng có là biến cố ? Điểm nào của linh đạo I-nhã giúp ngài sống sứ vụ tốt nhất?”.
“Đó là sự biện phân”, Đức Giáo hoàng đã trả lời với tôi như vậy. Theo ngài, đây là một trong những điều mà thánh I-nhã đã suy tư sâu sắc nhất, là vũ khí để hiểu biết Thiên Chúa nhiều hơn và theo Chúa sát hơn. ĐTC đã giải thích rõ hơn : “Tôi luôn ấn tượng bởi câu châm ngôn diễn tả về thánh I-nhã như sau : “Đừng để cho mình đóng khung trong những điều lớn lao nhất, song hãy để cho mình được chứa đựng bởi điều nhỏ nhất, và điều này mang tính cách thánh thiêng”. Tôi đã suy tư rất lâu về câu này trong sứ vụ lãnh đạo với tư cách là một bề trên : đừng để mình bị giới hạn bởi không gian rộng lớn, song phải có khả năng hiện hữu trong không gian giới hạn nhất. Tính đạo đức của cái lớn và của cái nhỏ bé là điều mà tôi gọi là lòng khoan dung. Từ không gian mà chúng ta đang ở, chính lòng khoan dung này làm cho chúng ta luôn hướng về khung trời rộng lớn, nghĩa là làm những điều nhỏ mỗi ngày với một quả tim lớn hoàn toàn mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó là nâng cao giá trị của việc nhỏ trong khung trời rộng lớn, khung trời của Nước Thiên Chúa. Câu châm ngôn đó cũng cho chúng ta những tiêu chuẩn cần thiết để có được sự biện phân đúng đắn, để có thể cảm nghiệm được những điều của Thiên Chúa từ “góc độ” của Ngài. Đối với thánh I-nhã, những nguyên tắc lớn cần phải được nhập thể bằng cách lưu tâm đến những hoàn cảnh sống, những nơi chốn, thời gian, cũng như những con người. Giáo hoàng Gioan 23, theo cách thức của ngài, đã điều hành Giáo hội với một tâm hồn nội tâm, nhạy bén, sẵn sàng, luôn lặp đi lặp lại câu : “Thấy tất cả mọi sự, bỏ qua nhiều điều và chỉnh sửa một số điều”. Bởi khi nhìn thấy tất cả, từ khung trời rộng lớn nhất, người ta chọn hành động trên một chiều kích nhỏ bé. Người ta có thể có những kế hoạch lớn lao và thực hiện nó bằng cách hành động trên một số ít việc nhỏ. Hoặc người ta có thể dùng những phương tiện yếu kém đôi khi lại hữu hiệu hơn những phương tiện mạnh, như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Côrintô”.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô cũng lưu ý : “Việc biện phân cần đến thời gian. Có nhiều người tưởng rằng những đổi thay và những canh tân phải đến trong một thời gian ngắn. Tôi lại nghĩ khác, rằng luôn luôn cần thời gian để đặt nền tảng cho một thay đổi đích thực và hữu hiệu. Thời gian này là thời gian của sự biện phân. Đôi khi ngược lại, việc biện phân đòi hỏi phải làm ngay điều mà ta nghĩ phải làm sau này. Đây là những điều xảy ra với tôi trong những tháng vừa qua. Việc biện phân được thực hiện luôn luôn dưới cái nhìn của Thiên Chúa bằng cách nhìn nhận những dấu chỉ, lưu tâm đến những gì đã xảy ra, lưu tâm đến điều gì con người cảm nghĩ, đặc biệt là những người nghèo. Những sự chọn lựa của tôi, ngay cả những chọn lựa trong đời sống thường nhật, như dùng một chiếc xe hơi khiêm tốn, được nối kết với việc biện phân thiêng liêng, đáp ứng với một đòi hỏi xuất phát từ điều xảy đến từ những con người, từ việc đọc các dấu chỉ của thời đại. Việc biện phân trong Thiên Chúa hướng dẫn tôi trong cách lãnh đạo. Ngược lại, tôi hay đặt dấu hỏi về những quyết định đã được đưa ra một cách đột xuất. Tôi luôn nghi ngờ về việc chọn lựa đầu tiên, nghĩa là điều đầu tiên đến trong tâm trí tôi khi tôi cần phải quyết định. Lắm lúc nó thường sai lầm. Tôi phải chờ đợi, phải lượng định từ nội tâm của tôi bằng cách lấy đủ thời gian cần thiết. Sự khôn ngoan của việc biện phân bù đắp lại cho những rắc rối của cuộc sống và cho chúng ta tìm ra được phương tiện thuận lợi nhất mà lắm lúc nó không đồng nhất với điều mà mình tưởng là lớn hay mạnh hơn”.
(còn nữa)
Antonio SPADARO, SJ.
Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ
Bình luận