Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Hai, 2015 10:01

Giáo hội mà tôi mong đợi (P4)

PHỎNG VẤN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

NÓI VỀ HỘI DÒNG CHÚA GIÊSU

Với những gì Đức Phanxicô đã nói ở phần trước, có thể nhận ra, biện phân là cột trụ của linh đạo Giáo hoàng. Cột trụ này cũng là điểm độc đáo của ngài trong dòng Tên. Tôi hỏi ngài : “Làm thế nào dòng Tên có thể phục vụ Giáo hội hôm nay ? Điểm khác lạ nào cũng như đâu là những liều lĩnh mà dòng Tên phải cáng đáng ?”. Ngài trả lời ngay : “Dòng Tên là một cơ cấu đang gặp căng thẳng bởi sự triệt để luôn luôn gây căng thẳng. Tu sĩ dòng Tên là người không quy vào một trọng điểm. Và dòng Tên tự nó không quy vào một trọng điểm. Trọng điểm của dòng Tên là Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Nếu duy trì được hai trọng tâm này, dòng có được những căn bản quân bình giúp cho dòng sống được ở vùng ngoại biên. Trái lại, nếu dòng quy chiếu về mình quá nhiều, cho mình là một cơ cấu vững chắc được “trang bị đầy đủ” thì sẽ có nguy cơ tự mãn với chính mình. Dòng Tên luôn luôn phải có trước mặt mình việc tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa mỗi ngày mỗi lớn hơn, Giáo Hội, vị hiền thê của Chúa Kitô Vua, Chúa chúng ta, Người đã thắng chúng ta và chúng ta dâng hiến trọn cho Người, dù chúng ta là những bình sành dễ vỡ và vô dụng. Áp lực này liên lỉ mang chúng ta ra khỏi chính mình. “Việc tường trình lương tâm” là một phương tiện vừa có tính phụ tử và huynh đệ, ép buộc dòng Tên phải ra khỏi chính mình, và chính điều đó giúp mỗi tu sĩ dòng Tên dễ dàng phục vụ cho công tác truyền giáo”.

Thánh I-Nhã

Với nhận định này, có thể nói Đức Giáo hoàng đã liên tưởng đến một điểm đặc biệt của hiến pháp dòng Tên, đó là phải “biểu lộ lương tâm” của mình, nghĩa là nói lên hoàn cảnh nội tâm mà mình đang sống để bề trên ý thức và cẩn thận hơn khi phải sai người đó đi truyền giáo. Ngài tiếp tục: “Thật là khó khi nói đến dòng Tên. Nếu chúng ta muốn quá rõ ràng thì có thể gặp nguy cơ gây hiểu lầm. Dòng Tên có thể được nhắc tới dưới một hình thức kể chuyện. Chúng ta chỉ có thể biện phân trong một chuỗi câu chuyện chứ không phải trong những diễn giải triết học hay thần học, vì những diễn giải đó phải đòi hỏi được trao đổi nhiều hơn. Cách sống của tu sĩ dòng Tên không phải là thảo luận, nhưng là biện phân. Hào quang thần bí không bao giờ định nghĩa được vành của nó, cũng không bao giờ kết thúc tư tưởng mà phải luôn cởi mở. Đã có những thời, tư tưởng của dòng Tên bị khép kín cách cứng nhắc, định hướng và khắc khổ hơn là thần bí”.

Chân phước Pierre Favre

Đức Giáo hoàng muốn nhắc đến một bản văn tổng thể thực tế về hiến pháp, được công thức hóa từ thế kỷ XX, đã từ từ thay thế hiến pháp sau này. Trong một thời gian dài, việc đào tạo các tu sĩ dòng Tên đã được đóng khung trong bản văn đó, đến nỗi có một số người không bao giờ đọc hiến pháp, là bản văn cơ bản của Hội dòng. Đối với Đức Giáo hoàng, tu sĩ dòng Tên khi đó đặt luật lên trên tinh thần, bị cám dỗ bởi việc diễn giải và muốn làm rõ quá nhiều về đoàn sủng của mình. Ngài cho rằng: “Tu sĩ Dòng Tên phải luôn luôn suy nghĩ làm sao nhìn thấy được khung trời nơi đó họ nhắm tới và đặt để Chúa Kitô làm trung tâm. Đó là sức mạnh thực sự của tu sĩ dòng Tên. Và điều này đưa Hội dòng đến việc tìm tòi và sáng tạo một cách quảng đại. Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, Hội dòng phải chiêm niệm trong hoạt động; Hội dòng phải sống gần gũi và sâu sắc với toàn Giáo hội, mà Giáo hội được hiểu là dân Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội phẩm trật. Điều này đòi hỏi nhiều khiêm tốn, hy sinh, dũng cảm, nhất là khi chúng ta sống trong những hiểu lầm, hoặc khi chúng ta là những đối tượng hiểu lầm hay vu khống. Đây là thái độ dễ sinh hoa kết quả nhất. Chính tôi đây cũng là chứng nhân của nhiều hiểu lầm và vấn đề mà Dòng Tên đã sống mới đây”.

MẪU GƯƠNG : PIERRE FAVRE, “LINH MỤC CANH TÂN”

Tôi hỏi xin Đức Thánh Cha cho biết ai thuộc dòng Tên là người ảnh hưởng trên ngài và ảnh hưởng ở điểm gì. Đầu tiên, Đức Thánh Cha đưa ra tên thánh I-nhã và thánh Phanxicô Xaviê, sau đó ngài nhấn mạnh đến một khuôn mặt đặc biệt được mọi tu sĩ dòng Tên biết đến là chân phước cha Pierre Favre (1506-1546), một người xứ Savoie. Ngài là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của thánh I-nhã. Thánh I-nhã đã sống cùng phòng với ngài khi hai người đang là sinh viên tại Đại học Sorbonne (trong phòng này có một sinh viên thứ ba là Phanxicô Xaviê). Ngài được tuyên bố chân phước vào ngày 5 tháng 9 năm 1872, do Đức Giáo hoàng Piô 9 phê chuẩn và việc phong thánh cho ngài ngày hôm nay đang được tiến hành.

Thánh Phanxicô Xaviê

Đức Thánh Cha gợi lại hai cuốn sách xuất bản tiếng Tây Ban Nha Mémorial của cha Pierre Favre mà ngài đã giao cho hai chuyên gia dòng Tên thực hiện: Muguel A. Fiorio và Jaime H. Amadeo, khi ngài còn là bề trên Giám tỉnh. Tôi hỏi : “Vì sao cha Pierre Favre ảnh hưởng trên ĐTC và nét đặc trưng nào đã lôi cuốn ĐTC ?”. Ngài đáp : “Việc đối thoại với tất cả mọi người, ngay cả với những người xa lạ nhất, và cả những người thù địch của Hội dòng. Lòng mộ đạo đơn sơ, một óc sáng tạo nào đó, và sự sẵn sàng liên tục khả năng biện phân, một sự biện phân với nhiều sự chú tâm. Ngài cũng là một con người có nhiều quyết định lớn lao và quan trọng, đồng thời cũng là một con người rất đạo đức, hiền lành…”.

Trong khi Đức Giáo hoàng liệt kê một danh sách đặc tính riêng tư của vị tu sĩ dòng Tên mà ngài thích, tôi hiểu được rằng khuôn mặt này đối với ngài là một mẫu gương sống động. Michel de Certeau định nghĩa tu sĩ Favre như “một linh mục phục hưng” vì đối với ngài kinh nghiệm nội tâm, cách diễn tả tín lý, và việc phục hồi cơ cấu luôn liên kết với nhau. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô được linh hứng bởi cách canh tân này. Đức Giáo hoàng tiếp tục suy tư trên khuôn mặt đích thực của vị sáng lập dòng : “Thánh I-nhã là một người thần bí chứ không phải là một người khổ hạnh. Tôi rất bực bội khi nghe nói rằng những bài linh thao là của thánh I-nhã, chỉ được làm trong thinh lặng. Thực ra, các cuộc linh thao cũng được thánh I-nhã thực hiện một cách hoàn hảo trong đời sống bình thường và ngoài sự thinh lặng. Việc nhấn mạnh đến sự khổ chế, sự thinh lặng và sự hối cải là một lệch lạc đã phổ biến trong Hội dòng, đặc biệt trong những môi trường Tây Ban Nha. Riêng đối với tôi, tôi rất gần gũi với trào lưu thần bí, trào lưu của Luis Lallemant và của Jean-Joseph Surin. Favre là một người thần bí”.

KINH NGHIỆM QUẢN TRỊ

Đâu là kinh nghiệm quản trị của cha Bergoglio khi còn là bề trên Giám tỉnh của dòng Tên? Cách thức quản trị của dòng Tên bao gồm sự quyết định của người bề trên, đồng thời cũng là sự đối đầu với “những người được hỏi ý kiến”. Do đó, tôi hỏi Đức Giáo hoàng: “ĐTC có nghĩ rằng kinh nghiệm quản trị của mình trong quá khứ có thể giúp cho hoạt động hiện tại là quản trị giáo hội hoàn vũ không?”. Sau một lúc suy nghĩ, Đức Thánh Cha vẫn rất bình tĩnh, chầm chậm cho biết : “Phải nói thật rằng, trong kinh nghiệm làm bề trên của tôi ở Hội dòng, không phải khi nào tôi cũng hỏi ý kiến cần thiết của những người khác. Và điều này thực sự là điều không tốt. Ngay từ lúc đầu, cách thức quản trị của tôi với tư cách là tu sĩ dòng Tên, cũng bao gồm nhiều tật xấu. Thời bấy giờ là lúc khó khăn cho Hội dòng : Toàn thể thế hệ trước của dòng Tên đã biến mất. Và vì vậy, tôi trở thành bề trên Giám tỉnh khi rất trẻ : mới 36 tuổi. Tôi phải đương đầu với bao hoàn cảnh và thách đố, phải quyết định nhiều điều một cách đột ngột và chỉ có một mình. Nhưng tôi phải nói thêm rằng: khi tôi phải giao phó công việc cho một ai đó thì tôi hoàn toàn tin tưởng người đó; người đó thực sự phải phạm một lỗi lớn lắm thì tôi mới trách móc. Thời đó người ta mệt mỏi về chủ nghĩa độc tài. Cách thức độc tài của tôi và việc vội vàng để quyết định đã đưa đẩy tôi đến nhiều vấn đề nghiêm túc và bị xem là cực kỳ bảo thủ. Tôi đã sống một thời gian với nhiều khủng hoảng nội tâm sâu xa khi tôi còn ở Córdoba. Đó, như vậy đó! Thực sự tôi không phải là  thánh, nhưng tôi cũng chưa bao giờ thuộc về cánh hữu. Chính cách thức độc tài của tôi quyết định là nguyên nhân của những vấn đề khác. Tôi chia sẻ kinh nghiệm sống này để giúp hiểu rằng có những nguy cơ trong việc quản trị. Với thời gian, tôi đã học được rất nhiều. Thiên Chúa đã dạy cho tôi quản trị ngay cả qua những tật xấu và những tội lỗi của tôi. Vì vậy, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, cứ cách 15 ngày một tuần, tôi quy tụ sáu giám mục phụ tá; và trong năm, quy tụ nhiều lần Hội đồng linh mục. Đã có những vấn đề được đặt ra và tôi để một không gian thảo luận cởi mở, giúp tôi đưa ra những quyết định tốt nhất. Còn bây giờ tôi đã nghe một số người nói rằng “xin ngài đừng hỏi ý kiến nhưng cứ làm đi”, trong khi tôi tin rằng việc thăm dò ý kiến là thiết yếu. Những Thượng Hội đồng Giám mục, những cuộc gặp gỡ giữa các hồng y là những dịp quan trọng để việc thăm dò ý. Tôi muốn có những cuộc thăm dò đích thực chứ không phải là hình thức bên ngoài...”.

(còn nữa)

Antonio SPADARO, SJ.

Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm