Thứ Tư, 20 Tháng Giêng, 2016 08:01

Giáo hội mà tôi mong đợi (P7)

Người Tu Sĩ Dòng Tên

Như vậy, việc biện phân là chìa khóa căn bản để hiểu được cách thức mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sống sứ vụ của mình, và đã ăn rễ sâu trong linh đạo mà ngài được đào tạo.

Mặt khác, sau khi đọc lại nhiều lần, tôi thấy rằng phần đầu của cuộc phỏng vấn này có lẽ là phần quan trọng nhất để hiểu được Jorge Mario Bergoglio : khi ngài nói về tu sĩ Dòng Tên thì dĩ nhiên, ngài cũng đang nói về chính ngài. Đây là cách định nghĩa cơ bản của Đức Thánh Cha (về bản thân) : “Là một con người có tư tưởng chưa hoàn tất với tư tưởng cởi mở”, hoặc ngài thêm: “Người tu sĩ dòng Tên luôn luôn suy nghĩ liên lỉ bằng cách tìm về chân trời, nơi đó họ phải đến và đặt Đức Kitô làm trung tâm”.

Tu sĩ Matteo Ricci (trái) và quan Phaolô Từ Quang Khải

Đoạn này đối với tôi là một đoạn căn bản. Chúng ta thử tìm hiểu thêm : Nhiều người có thể nghĩ rằng Đức Thánh Cha chỉ có những tư tưởng rõ ràng và không liên kết nhau, rồi đôi khi tự hỏi rằng Giáo hoàng sẽ đưa Giáo hội về đâu. Nhiều người tưởng rằng Giáo hoàng thấy rõ điểm xuất phát và điểm đến và họ tự hỏi về chiến lược và mục tiêu của ngài là cái gì. Tự nó, cách suy nghĩ này không hẳn là sai, nhưng đã không bao gồm tính năng động của tư tưởng và hành động có thể nảy sinh. Đức Giáo hoàng thấy rất rõ bối cảnh, hoàn cảnh khi bắt đầu. Tuy nhiên, con đường mà ngài muốn tiếp tục đi đối với ngài thực sự mở rộng, không phải là một bản đồ sẵn có, nhưng là chính khi đang bước đi ta sẽ tìm được. Cũng như ngài đã viết trong một bức thư vào ngày 29.7.2007 cho các linh mục rằng, phải cẩn thận để cho chân trời không lại gần quá đến nỗi trở thành một nội vi. Chân trời thực sự phải được mở rộng trong những lần thăm dò ý kiến và những lần cầu nguyện của ngài. Đức Giáo hoàng đi vào trong một sự biện phân năng động làm cho ngài mở ra với tương lai, ngay cả tương lai của việc canh tân Giáo hội, không là một dự án nhưng là một thực tập lý trí, mời gọi suy tư. Từ đó, những phương tiện mà Đức Giáo hoàng dùng không chỉ đơn giản có tính sứ vụ. Trong suốt cuộc trao đổi của chúng tôi, khi liên hệ tới tu sĩ Dòng Tên, ngài đã nói rất rõ điểm này: “Sắc thái của phương tiện mà Hội Dòng dùng không được mang tính dịch vụ nhưng có tính cách thần bí. Điều quan trọng không phải là hiệu năng nhưng là mầu nhiệm”.

Với ý nghĩa này, Đức Phanxicô là con người suy tư “dở dang và cởi mở”. Và điều này đòi hỏi như ngài đã nói trong cuộc phỏng vấn : vừa là “tìm tòi, sáng tạo và quảng đại”, vừa là “khiêm tốn, hy sinh và dũng cảm”. Và chúng ta thường được thúc đẩy đến thái độ này khi chúng ta sống những thời gian khó khăn.

Tu sĩ Roberto de Nobill

Trong phần phỏng vấn, Đức Giáo hoàng đã liên tưởng đến một vấn đề phức tạp mà chính ngài là chứng nhân trong thời Bề trên Tổng quyền của Dòng Tên là cha Pedro Arrupe (1907 - 1991). Đồng thời, ngài cũng liên tưởng đến các nghi thức Trung Hoa và Malabar, cũng như việc giảm sút tu sĩ Dòng Tên của nước Paraguay. Vấn đề nghi thức được nối kết với Matteo Ricci (1552-1610) và Roberto de Nobili (1577-1656) là những nhà tiên phong đích thực. Trong những vùng truyền giáo, các tu sĩ Dòng Tên tìm cách thích nghi Phúc Âm với nền văn hóa và việc phụng vụ tại địa phương. Có nhiều tu sĩ đã lo ngại và có nhiều tiếng gióng lên trong Giáo hội chống lại những nghi thức này và xem như sứ điệp Công giáo đã bị “ô nhiễm”. Những hiểu lầm đặc biệt xoay quanh trong sự kiện chấp nhận việc thờ cúng ông bà - một hành động có thể coi là nét văn hóa lâu đời của dân bản địa; đàng khác, một số từ mà người ta dùng để nói về Thiên Chúa như “Ông Trời” có thể gây hiểu lầm. Liên quan đến tất cả những vấn đề đó, Dòng Tên như là “ngôn sứ” vì đã có những chọn lựa không được đón nhận vào thời bấy giờ, bởi vượt quá sự hiểu biết thông thường. Vấn đề này cũng như giống như việc giảm sút tu sĩ Dòng Tên tại Paraguay, những cộng đoàn địa phương được tổ chức bởi các tu sĩ dòng càng ngày càng độc lập cho đến ngày mà các cộng đoàn đó bị đập phá bởi chiến dịch Tây - Bồ. Đức Thánh Cha nói : “Trong những trường hợp như vậy, những tu sĩ Dòng Tên không được dừng lại với những suy xét tiêu cực đã được nói ra, trái lại cần chấp nhận, sống cùng nó trong lời cầu nguyện và đi vào trong việc đối thoại cởi mở để hiểu được vấn đề hoặc biết được hiểu lầm nằm ở đâu”. Dĩ nhiên điều này không phải luôn luôn dễ dàng như những trường hợp mà ngài đã kể ra. Liên tưởng tới những hoàn cảnh và thách đố mà ngài đã nhắc tới như Pedro Arrupe, Matteo Ricci và Noberto de Nobili, dễ dàng nhận ra đó cũng chính là những nhân vật có tư tưởng “còn dở dang” và cởi mở.

Đối với Jorge Mario Bergoglio, chân trời và trung tâm điểm của việc “dở dang” này luôn luôn là Đức Kitô. Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Dòng Tên chỉ có thể là Dòng Tên khi Hội Dòng biết đặt Đức Kitô vào trung tâm điểm, như đã được viết: “Ai muốn vào trong Hội Dòng thì chúng tôi muốn được xưng tên là Giêsu, đấu tranh cho Thiên Chúa dưới ngọn cờ Thánh Giá và chỉ phục vụ Thiên Chúa và bạn trăm năm của ngài là Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Giáo hoàng Roma là người thay mặt Đức Kitô trên trần gian này”.

Trong dịp lễ thánh I-nhã ngày 31.7.2013, khi nói chuyện với các anh em Dòng Tên, trong nhiều điểm, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh điểm này: “Khẩu hiệu của chúng ta, tu sĩ dòng Tên là: “Chúa Giê-su, Đấng cứu chuộc chúng ta” (JHS). Mỗi người trong anh em có thể nói với tôi rằng biết quá rồi, tuy nhiên khẩu hiệu đó liên lỉ nhắc nhở cho chúng ta một thực tại không bao giờ được quên vị trí chính yếu của Đức Kitô đối với mỗi người chúng ta, và đối với tất cả Hội Dòng. Như ai cũng biết, thánh I-nhã đã muốn gọi “Giêsu” để cho chúng ta thấy điểm phải quy chiếu. Hơn nữa, ngay từ đầu những buổi thực tập linh thao, thánh nhân đã đặt chúng ta đối diện trực tiếp với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng tạo hóa và Đấng cứu độ. Và vì vậy chúng ta được đưa dẫn, mỗi người và toàn Hội Dòng, biết “thoát khỏi chính mình”, để luôn có trước mắt một “Chúa Kitô luôn luôn lớn hơn”. Điều này đòi buộc luôn phải ra khỏi chính mình, dẫn chúng ta vào sự hủy diệt, giúp chúng ta ra khỏi lòng yêu thương chính bản thân, ý riêng và nhu cầu riêng tư. Đối với mỗi người, câu hỏi sau đây không hẳn là hiển nhiên: Chúa Kitô có chăng là trọng tâm của đời sống chính mình ? Tôi có thực sự đặt ngài vào trọng tâm đời mình không ? Bởi vì chúng ta luôn bị cám dỗ nghĩ rằng chính mình mới là tâm điểm. Và khi một tu sĩ dòng Tên tự đặt mình vào trung tâm  thay vì Đức Kitô thì người tu sĩ đó đã sai lầm”.

Trong tư tưởng đó, đối với Jorge Mario Bergoglio thì người tu sĩ trước tiên phải là “thần bí” chứ không “khắc khổ”. Trong chính Dòng Tên, ngài phân biệt rõ rằng có hai con đường có thể định nghĩa một cách tương đối, là con đường của sự nghiêm túc khắc khổ và lối diễn giải có tính sư phạm, cũng như con đường của tính thần bí cởi mở và với câu chuyện kinh nghiệm của đời sống.

Antonio SPADARO, SJ.

NT Quỳnh Giao chuyển ngữ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm