Người tu sĩ dòng Tên
Chân phước Pierre Favre (1506-1546), người bạn đường đầu tiên của thánh I-nha Loyola tượng trưng cho một loại tổng kết về viễn ảnh của Jorge Mario Bergoglio, một loại quy chiếu gần như là một mẫu gương. Pierre Favre là một linh mục “phục hưng”, là người dường như tóm kết những đặc điểm của một con người thiêng liêng mà Jorge Mario Bergoglio rất thích : một con người biết phân định với một sự dịu hiền lớn lao, cởi mở và sẵn sàng đối thoại, nhưng cũng sẵn sàng đưa ra những quyết định mạnh mẽ. Pierre Favre thực sự xác tín rằng con người tập đối thoại đối với Thiên Chúa, tập nhận định được về mầu nhiệm, trên bình diện phức tạp của những cảm xúc và những đà tiến thiêng liêng, và chính trên bình diện này mà những quyết định lớn sẽ được thực hiện. “Cám dỗ liên lỉ về những khuynh hướng gọi là thần bí trong cuộc sống người Kitô hữu”, ý tưởng này còn xa lạ đối với Đức Thánh Cha; “Một lối sống Kitô hữu thiêng liêng mất đi dần dần với thực tại của đời sống mỗi ngày, của đời sống thực tế”, ý tưởng này cũng xa lạ đối với ngài. Đức Phanxicô lo ngại về một sự tin tưởng thái quá; sự tin tưởng mà “tâm hồn được đưa lên tận trời cao trong lĩnh vực cảm xúc”.
ĐTC Phanxicô thăm Học Viện Dòng Tên Xaviê (Ecuador) |
Trái lại, việc đào tạo thiêng liêng mà ngài lãnh nhận đã dạy cho ngài rằng, như thánh I-nhã đã viết trong các cuộc linh thao: Thiên Chúa liên hệ với mỗi con người chúng ta qua những “cảm xúc” nội tâm (Linh thao 213-336), “hoạt động và thu hút ý chí” (số 175). Không gian gặp gỡ và thu hút này được làm phong phú bởi lòng yêu thương và không ngược lại với ý chí cũng như với những hành động trong cuộc sống để thể hiện những kế hoạch cụ thể, nhưng trái lại, những cảm xúc này khuyến khích Jorge Mario Bergoglio viết lên rằng: “Con tim liên kết tư tưởng với thực tại”. Điều thú vị này được chân phước Pierre Favre cảm nghiệm trong nội tâm của mình và nối kết với những cải cách về cơ cấu, cũng chính xác với Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Chúng ta cần tự nhắc nhở rằng khi chúng ta nói về “cải cách” liên quan đến Pierre Favre thì phải liên tưởng tới việc đối thoại của thánh nhân, một sự đối thoại rộng rãi và sâu sắc với những người Tin Lành. Piere đã tham gia hội nghị Worms và Ratisbonne (1540-1541) và Đức Giáo hoàng Phaolô III cũng mời ngài tham gia Công đồng Trente với tư cách là một nhà thần học. Sau khi đến Trente, ngài đã qua đời vì kiệt sức với những công việc của mình. Nếu chúng ta muốn hiểu cách thức và đường lối quản trị của Đức Giáo hoàng Phanxicô, có lẽ nên nghiên cứu và tìm hiểu về những kinh nghiệm của Chân phước Pierre Favre.
Thánh Pierre Favre (giữa) |
Cuối cùng, cuộc trao đổi này với Đức Giáo hoàng toát ra một suy nghĩ rõ ràng về cách quản trị mà ngài muốn bổ túc thêm trước bối cảnh đa dạng và phức tạp. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở rằng kinh nghiệm quản trị đầu tiên của ngài bắt đầu năm 1973, khi ngài đang còn trẻ và là Bề trên Giám tỉnh trong Dòng Tên ở Argentina. Cuối năm 1960, Dòng Tên đã trải qua khủng hoảng trên bình diện quốc tế, một số anh em đã rời bỏ nhà dòng ra đi, đây được xem là một “cú tiên định” cho phong trào 1968. Chúng ta có thể nói rằng vào thời gian đó cả một thế hệ Dòng Tên mất đi và cha Jorge Mario Bergoglio bị chỉ định làm Giám tỉnh với một lứa tuổi bất thường vì quá trẻ.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ và trong những điều kiện thực sự rối loạn, cha Jorge Mario Bergoglio đã phải ra nhiều quyết định một cách đột ngột và cá nhân. Vào thời bấy giờ, những quyết định nhanh chóng đã làm cho ngài được xem như là một người siêu bảo thủ. Ngày hôm nay chúng ta có thể khó nhận ra được tính cách đó trong những lời của Đức Giáo hoàng, mà thường thấy được ngài đã hoạt động và nói năng khác hẳn. Nhưng Đức Giáo hoàng đã khẳng định : “Tôi đã không bao giờ đứng về phe hữu”. Thật là vô ích để bình luận trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với thực tế. Vấn đề ở đây không phải là ở cánh tả hay cánh hữu trong một khái niệm ý thức hệ và trừu tượng. Trong những lời nói của ngài, Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn đặt bên cạnh kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm của bản thân hay kinh nghiệm của những người phỏng vấn ngài. Ngài không bao giờ nói một cách bâng quơ và trừu tượng. Vì thái độ này mà ngài đã bị kết án là người cánh hữu, trong khi đó ngài đã không bao giờ là như vậy. Đức Thánh Cha luôn quy chiếu về một bối cảnh lịch sử, chính trị hay Giáo hội mà ngài đã sống. Nói tóm lại, với lời nhận định này của Đức Giáo hoàng, không nên tổng quát hóa xem như ngài thuộc về hay không với một trào lưu chính trị rõ ràng. Thật ra Đức Phanxicô luôn hành động để cho những loại chủ nghĩa cấp tiến và bảo thủ cứng ngắc không còn đứng vững.
Lễ phong chức Linh mục tại Dòng Tên Việt Nam |
Trong thời gian khó khăn đó, Đức Giáo hoàng đã học biết rằng việc phải lấy những quyết định chắc chắn và lâu dài không phải là một điều tự nhiên: nhờ sự biện phân như chúng ta đã thấy, ngài đã học biết không cậy dựa vào linh hứng đầu tiên. Sự kiện này đã làm cho ngài đau khổ nhiều trong suốt buổi trao đổi giữa chúng tôi, Đức Giáo hoàng thường xuyên liên tưởng đến giai đoạn đó, nói là một giai đoạn khủng hoảng nội tâm lớn và đầy bi kịch. Mâu thuẫn thay, chính thời điểm này ngài được chọn làm giám mục. Cuối cùng ngài phải chấp nhận rằng chính với sự an ủi và niềm vui thiêng liêng mà “Thiên Chúa đã cho phép rằng những tật xấu và tội lỗi của tôi dạy cho tôi về cách thức quản trị cứng rắn”. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại câu đầu tiên của ngài: “Tôi là một tội nhân mà Thiên Chúa đã đoái nhìn”.
Antonio SPADARO, SJ.
Nt QUỲNH GIAO chuyển ngữ
Bình luận