Hát bội là một trong những bộ môn nghệ thuật rất thịnh một thời ở miền Nam. Chính sân khấu này đã sản sinh ra cải lương, song theo thời gian, khán giả ít dần. Cuộc sống của những nghệ sĩ hát bội đây đó cũng trở nên bấp bênh với nhiều lối rẽ nhưng vẫn có người bám trụ với nghề vì niềm đam mê, dù có khi phải làm thêm một việc khác để kiếm sống.
Quả là “cái nghề trót đeo mang” như cách nói của nhiều nghệ sĩ hát bội, bởi không ngại khó khăn, gian khổ, thu nhập thấp, chỉ cần được hát, đứng trên sân khấu với vài chục khán giả thôi cũng làm họ cảm thấy vui. Như anh Võ Vũ Hoàng Nam, 42 tuổi (Tiền Giang), theo nghề gần 10 năm, suốt chừng ấy thời gian phải chịu đựng cuộc sống bấp bênh do tiền thù lao khá thấp, đôi khi đoàn chỉ nhận lời mời từ vài điểm đình, miễu quen thuộc. Để kiếm thêm thu nhập, anh buộc phải mở một tiệm vá xe trên lề đường gần nhà. Nguồn thu từ việc làm thêm này khá ổn định, nhưng mỗi khi đoàn kêu là anh lại dẹp dọn và vác hành lý, trang phục để đi biểu diễn. Anh cho biết: “Có khi mỗi suất hát như vậy không bằng một ngày tôi sửa xe đông khách nhưng đã trót mang nghiệp cầm ca thì phải chịu thôi, tôi không phàn nàn, cũng không oán trách. Chỉ cần được hát đã là niềm vui”.
Chị Lê Thị Thu, 32 tuổi (Vĩnh Long) là một kép hát bội có tiếng của đoàn Qui Phụng ở tỉnh. Mỗi suất hát của chị thường được phần cát-sê cao hơn mấy anh em trong đoàn nhưng trước tình trạng “mai một” của bộ môn nghệ thuật này, chị cũng không có nhiều buổi biểu diễn như trước nên phải mở một quán nước tại nhà để vừa đi hát khi được mời mà cũng kiếm thêm thu nhập để nuôi gia đình. Kỷ niệm mà chị nhớ nhất và đó cũng là động lực để chị yêu nghề cho tới bây giờ, đó chính là vào đêm diễn tại một Miễu Bà ở Bến Tre : “Hôm đó trời mưa rất lớn, điện bị cúp bất chợt, buổi hát buộc phải hủy bỏ nửa chừng. Bỗng nhiên có một bà cụ đi lên và nói sẽ cho mượn máy phát điện. Tiền xăng dầu cho việc mua nguyên liệu sẽ được bà đài thọ. Trong lúc chờ đợi máy phát điện hoạt động, cụ động viên anh em trong đoàn cố gắng vì bà con ở đây ai cũng yêu thích và rất mê hát bội. Đêm ấy tuy kéo dài tới gần 5 giờ sáng nhưng mọi người đều cảm thấy rất vui vì tấm chân tình của bà con”.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Trúc, 43 tuổi (Bến Tre) cũng là một trong những đào hát có hoàn cảnh khó khăn. Hằng ngày, chị phải đi bán vé số dạo khắp nơi, nhưng khi có suất diễn là không thể bỏ. Theo nghề hát từ cha mẹ, ngay từ bé chị đã vào vai những đứa con một cách trơn tru, rồi cũng gia nhập đoàn hát. Ba mẹ mất trong một tai nạn dọc đường khi đi biểu diễn, Trúc phải tự mình mưu sinh từ năm 13 tuổi. Bán vé số nhưng chị vẫn lấy ánh đèn sân khấu để làm niềm vui. Hôm nào có suất hát, chị bán từ sáng tới trưa, chiều nằm nghỉ một chút để tối hát, còn nếu phải đi biểu diễn ở xa, hôm đó chị tạm ngưng bán vé số.
Theo những người trong cuộc, để lôi kéo khán giả, nghệ sĩ hát bội phải luôn làm mới trong từng điệu bộ và cả cách hát. Một số đoàn hát bội hiện nay có khi hát theo hình thức cải lương để thu hút người nghe. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng chính sự yêu nghề đã giúp các “kép” vẫn cố gắng bám trụ. Dưới ánh đèn sân khấu, tiếng vỗ tay của một bộ phận khán giả lớn tuổi, dù không nhiều như xưa song cũng đủ làm ấm lòng những người con đang cống hiến vì nghiệp tổ.
VÕ HỒNG TUẤN
Bình luận