Thứ Bảy, 26 Tháng Chín, 2015 10:38

Ký ức đèn cù vòng quanh

Đèn cù hay còn gọi là đèn kéo quân với hình ảnh những chú ngựa, voi... chạy vòng quanh dưới ánh trăng vàng tháng 8 đã trở thành ký ức với nhiều người. Ngày nay, thật không dễ dàng cho những ai muồn đi tìm loại lồng đèn thân thương một thời này tại các cửa hàng lồng đèn mùa Trung Thu.

Ngược xuôi các con phố bán và làm lồng đèn thủ công nổi tiếng ở Sài Gòn khi những ngày Trung Thu gần kề như phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5) hay xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11), mỏi mắt vẫn chỉ thấy lác đác một số ít chiếc đèn kéo quân “đúng kiểu”. Chưa tới nỗi là “tuyệt chủng” nhưng ở cả hai khu vực kinh doanh lồng đèn nổi tiếng này cũng như nhiều địa chỉ khác trong thành phố, những cửa hàng có bày bán đèn kéo quân số lượng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lý do đơn giản bởi nguồn cung cấp khá ít ỏi và giá cả loại đèn này so với những loại thủ công khác khá cao nên các chủ tiệm khó bán hơn. Ngay tại Phú Bình, với truyền thống hơn 50 năm sản xuất lồng đèn, cũng đã không còn thợ làm đèn kéo quân. Có những nơi, chiếc đèn kéo quân được mời chào khiến người mua khá thất vọng nếu đã từng biết thế nào “Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó lại vòng quanh”. Bởi cả 6 mặt của đèn chỉ đơn giản được dán một bức tranh vẽ sơ sài đôi cành trúc hay một cậu bé với đôi dòng thơ. Phố lồng đèn ở quận 5 được giới thiệu là nơi có thợ làm đèn kéo quân cũng chỉ còn duy nhất một hộ chỉ nhận làm khi được đặt trước theo một khuôn mẫu duy nhất như đã giới thiệu. Theo các chủ hàng tại khu vực này, hầu hết những mẫu lồng đèn kéo quân hiện có chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác với số lượng khiêm tốn. Cũng có lẽ vì lý do này nên giá loại đèn này được mời chào từ 180.000 - 300.000 đồng/chiếc. Bởi thế, trẻ em ngày nay càng ít có dịp được ngắm chiếc đèn với những bóng người, bóng vật nối nhau quay tròn.

 

Hình ảnh thật đậm sâu của Trung thu khi chiếc đèn được đốt lên, đám trẻ có thể vừa ngắm vừa lẩm nhẩm một bài dân ca thật xưa về đèn kéo quân có lẽ chỉ còn trong ký ức: “Khen ai khéo xếp cái đèn Cù/ Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó lại vòng quanh/ Bao giờ em bén duyên anh/ Voi giấy, ngựa giấy vòng quanh cái tít mù tít mù...”. Theo chia sẻ của nhiều người cao tuổi, trong miền kỷ niệm ngày thơ của họ, những đêm rằm khi rước đèn mà năm nào có chiếc đèn kéo quân thì thế nào cũng có những thắc mắc thơ trẻ về việc tại sao chiếc đèn này lại quay được và sự tích về chiếc đèn sẽ được kể lại ly kỳ như một câu truyện cổ tích.

Đèn kéo quân là chiếc lồng đèn hình trụ. Xung quanh trục đèn là những vòng giấy dán hình người, thú, cảnh vật... được sắp xếp thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Do trục trơn và các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong làm cho đèn quay và ánh sáng hắt bóng hình đoàn quan quân cùng muôn thú bằng giấy nối đuôi nhau vòng quanh. Ở góc độ khác, dân gian gọi đèn cù, vì cấu tạo vòng quanh lặp đi lặp lại. Với trẻ thơ đó là một khám phá kỳ thú khi chẳng cần máy móc mà chiếc đèn vẫn có thể chuyển động.

 

Về sự tích đèn kéo quân, phổ biến nhất câu chuyện nhà vua mở hội làm đèn. Một hôm Lục Đức - chàng nông dân nghèo hiếu thảo mơ thấy Thái Thượng Lão Quân dạy cách làm đèn. Tỉnh giấc, chàng cùng mẹ chọn thân trúc trắng cùng giấy màu để làm. Khi xong đèn thì rằm tháng Tám cũng vừa đến, hai mẹ con đem dâng vua. Thật kỳ lạ, ngọn lửa trong đèn sáng làm chong chóng quay. Đêm Trung Thu, cây đèn của anh được dâng vua. Nghe anh kể lại ý nghĩa của cây đèn miêu tả những cảnh sinh hoạt dân gian sung túc, cảm động đức độ, đức vua đã cho truyền bá cây đèn rộng rãi, và gọi là đèn kéo quân...

Ngày nay truyện xưa tích cũ về lồng đèn kéo quân đang dần mai một. Đèn kéo quân cũng chỉ lác đác vài nơi. Thật là tiếc nuối!

Minh Minh

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm