Ngày Tết, tranh là một trong bốn thú chơi tao nhã của người Việt (Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc). Điều này càng rõ hơn khi về làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) gặp gỡ các lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế và ngắm những bức tranh dân gian quý.
Hai lão nghệ nhân chính là những người có công trong việc giữ “hồn” cho những bức tranh và được xem là “báu vật sống” của làng tranh Đông Hồ. Với nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghề làm tranh như cái nghiệp, nó nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình nên ông quyết giữ nghề cho bằng được và luôn căn dặn con cháu góp phần bảo tồn dòng tranh quý của làng. Sự sống còn của nghề tranh truyền thống luôn trăn trở, day dứt trong ông. Nay đã ở tuổi ngoài 80 song đôi mắt của lão nghệ nhân vẫn tinh tường, đôi tay vẫn mềm mại trong từng nét vẽ. Trong nhà ông lúc nào cũng ngập tràn màu sắc tươi vui của những bức tranh dân gian muôn màu muôn vẻ. Ông còn lưu giữ hơn 600 bản khắc in tranh cổ. Đây được xem là những bản vô cùng quan trọng, là linh hồn của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Đám cưới chuột, bức tranh nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ |
Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều mẫu khắc in mới độc đáo… Lão nghệ nhân bồi hồi nhớ lại, năm mới lên 3 tuổi, đã được cha hướng dẫn cho làm quen với nghề làm tranh. 5 tuổi, cậu bé Sam đã biết giúp cha sơn hồ, quét điệp lên giấy dó và bắt đầu học cách in tranh cho đúng màu sắc và đến 7 tuổi đã có thể vẽ được bằng bút và làm được những mẫu thuộc dạng khó nhất của dòng tranh Đông Hồ. Năm tháng qua đi, hồn tranh dân gian Đông Hồ níu giữ ông sống trọn với nghề cho đến tận bây giờ.
Còn nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã ở tuổi 80, cũng rất vui vẻ và tự hào là vẫn gìn giữ phát triển nghề tranh gia truyền này. Thời trẻ, ông theo học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và công tác tại nhà xuất bản Mỹ thuật. Về hưu năm 1991, ông miệt mài khôi phục dòng tranh quê hương tưởng đã mai một, qua việc đi tìm mua những bản ván khắc cổ. Đến nay, ông có 1000 bộ ván khắc độ tuổi từ 50 đến 100 năm, trong đó bộ ván xưa nhất hơn 400 năm do cụ tổ 9 đời để lại. Những bộ ván này cùng với vài chục bức tranh Đông Hồ xưa được ông Chế lưu giữ cẩn thận. Ông nói, đây là dòng tranh không phải vẽ theo cảm hứng mà dùng ván để in.
Giấy điệp, nguyên liệu để làm tranh Đông Hồ |
Chất lượng phụ thuộc khá nhiều vào bản khắc gỗ, đòi hỏi người vẽ mẫu, chế tác bản khắc vừa có tâm hồn nghệ sĩ lại vừa có tính tỉ mỉ. Một thoáng hồi tưởng, ông Chế kể, trước 1945, làng Đông Hồ có trên 150 gia đình làm tranh. Từ tháng 7 âm lịch mỗi năm, cả làng đã chuẩn bị, đến tháng Chạp tổ chức năm phiên chợ tranh, mỗi phiên năm ngày. Lúc đó, từ nhà ra đình đến triền đê sông Đuống đều bừng lên màu đỏ của sỏi son, xanh từ lá chàm, vàng của hoa hòe, đen của rơm nếp và lá tre, trắng từ vỏ sò, vỏ điệp. Một bức tranh ra đời chứa đựng bao nhiêu ý tưởng, thời gian, tài hoa, công sức... Tuy nhiên, một làng tranh có lịch sử trên 500 năm hiện chỉ còn hai gia đình Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam theo nghề.
Với quyết tâm không thể để mất một di sản văn hóa của dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng con cháu đầu tư xây dựng Trung tâm lưu giữ bảo tồn tranh Đông Hồ. Ông muốn thế hệ sau không quên mất câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm:“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Cả ông và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đều truyền dạy hết bí quyết cho con cháu với suy nghĩ, nghề làng cũng là nghề nhà, con cháu phải biết làm tranh, phải giữ lấy nghề truyền thống.
ĐOAN TRANG
Bình luận