Thứ Bảy, 15 Tháng Tám, 2015 22:03

Một thoáng Ghềnh Ráng - Quy Hòa

Ghềnh Ráng, Quy Hòa - hai địa danh của thành phố Quy Nhơn vẫn lưu trong tôi những ấn tượng khó quên sau chuyến hành trình trở về.

Trở lại Quy Nhơn lần này, ấn tượng với tôi là được đi trên con đường mang tên nhà thơ Hàn Mặc Tử đến khu du lịch Ghềnh Ráng thăm Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của giáo phận Quy Nhơn. Ngôi thánh đường còn được gọi là nhà thờ núi Ghềnh Ráng nằm gọn trong một khoảnh núi với không gian xanh ngát bởi nhiều loại cây. Mặt hướng ra biển, lối đi vào nhà thờ quanh co nhưng chính con đường lát đá và quang cảnh nơi đây đã mang lại cho du khách một sự thanh thản bình yên khó tả. Thật ấm áp khi được đứng cầu nguyện bên hang đá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và cảm giác an lành khi đi dạo một vòng, chiêm ngưỡng từng bức tượng.

trung tam thanh mau ghenh rang
Một góc trung tâm Thánh Mẫu Ghềnh Ráng

Rời nơi đây, theo dốc Mộng Cầm, con dốc dài khoảng 550m, được đặt theo tên người yêu của Hàn Mặc Tử, chúng tôi lên đồi Thi Nhân, nơi có ngôi mộ của nhà thơ Công giáo tài hoa chẳng may mắc bệnh phong. Sải bước trên con dốc này, tôi chợt liên tưởng tới những gì mình đã đọc về từng cuộc tình của người thi sĩ bạc mệnh này, nhất là lời của nhà thơ Chế Lan Viên từng nói lúc sinh thời, đúng ra phải đặt tên là dốc Mai Đình, người hâm mộ tài thơ Hàn Mặc Tử đã bỏ cả công việc, không quản đường xá xa xôi từ Sài Gòn ra Quy Hòa chăm sóc cho ông, khi biết nhà thơ bị bệnh nan y.

Không gian tĩnh mịch của buổi chiều tà dậy lên trong tôi niềm xúc động khi nhìn thấy trên ngôi mộ của cố thi nhân có đặt bức tượng Đức Mẹ Maria, gợi nhớ đến những vần thơ bất hủ của ông. Trong đó, bài Ave Maria là một tuyệt tác, được tác giả sáng tác trong cơn đau đớn bệnh tật với tất cả lòng tin cậy thánh thiêng. Trong phút chốc, tự dưng tôi ngẫu hứng nhẩm lại những vần thơ đã được nhạc sĩ Hải Linh “chắp cánh” thành nhạc với âm điệu du dương: “Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả, dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng. Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng, huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể...”.

han mac tu
Tượng Đức Mẹ trên mộ cố thi sĩ Hàn Mặc Tử 

Sáng hôm sau, trở lại thăm đồi Thi Nhân, chúng tôi đến lều tranh của ông Trương Dzũ Kha, người gắn đời mình với nghệ thuật bút lửa để nâng niu thơ Hàn Mặc Tử. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM nhưng là người yêu thơ Hàn, ông đã dùng “bút lửa” khắc những câu thơ của người thi sĩ tài hoa như lời ông nói “là cách lưu dấu và truyền bá thơ Hàn hay nhất”. Dzũ Kha ở đây đã trên 30 năm, ngày ngày làm thơ, viết thơ, chăm sóc hương khói cho mộ phần Hàn Mặc Tử. Ông còn sưu tầm những câu chuyện về nhà thơ với ước mong nhìn thấy nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử được thành lập.  

Dấu ấn về Hàn Mặc Tử trong cuộc hành trình của chúng tôi lần này còn đọng lại ở trại phong Quy Hòa. Một trong những địa chỉ chữa trị, chăm sóc người bị phong cùi đầu tiên ở Việt Nam, do linh mục thừa sai Paul Maheu (1869-1931) đặt nền móng xây dựng từ năm 1929. Đây là nơi nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử đã chữa trị trong những ngày tháng cuối đời. Trại phong ngày nay đã được nâng lên thành bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa.

Tham quan bệnh viện, chúng tôi nhận ra bên cạnh phòng lưu niệm cố thi sĩ, nơi đây vẫn lưu giữ nhiều dấu tích của đạo Công giáo, bởi là nơi phục vụ của những nữ tu dòng Phanxicô từ rất lâu đời. Ngay sát bệnh viện trải dọc bờ biển là vườn tượng danh nhân y học thế giới như Hansen, Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông, A. Yersin, Tôn Thất Tùng, I. Pavlov... Trong đó có nhà khoa học Pháp L. Pasteur, người luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Đọng lại trong chuyến đi với tôi không chỉ là phong cảnh thiên nhiên hay những dấu tích của những nơi mình đặt chân đến, mà còn là niềm cảm phục khi nghĩ đến những tấm gương thầm lặng, khiêm hạ của nhiều tu sĩ Công giáo trong phục vụ tha nhân mà ấn tượng là ở ngay chính nơi một thời đã cưu mang người thi sĩ mà tôi vẫn mến mộ qua từng vần thơ. 

Đoan Trang

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm