Thứ Bảy, 06 Tháng Sáu, 2015 01:27

Người giữ nghề phấn nụ đời thứ tư

Phấn nụ là một loại mỹ phẩm phát xuất từ cung đình Huế, có lịch sử lâu đời đến trên 200 năm, được các ngự y nghiên cứu, bào chế dành riêng cho các bà hoàng, cung phi. Nguồn nguyên liệu hầu hết được lấy từ thảo dược thiên nhiên.

Tinh hoa làm đẹp của người Việt xưa

Theo lời bà Trần Thị Phương (năm nay 73 tuổi, hiện ngụ ở quận 3 – TPHCM), năm 1945, phấn nụ bước ra khỏi hoàng cung đến với dân gian. Vào thời điểm này, các cung nữ được xuất cung trở về đời sống thường dân, trong đó có người cung nữ nắm giữ bí quyết làm phấn nụ. Bà đã truyền cho con gái út là Trần Thị Thiểu (thường gọi là bà Hường). Bà Hường đã làm, bán rộng rãi ra người dân, vừa mưu sinh vừa là cách để giữ gìn bí quyết. Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn phấn nụ bà Hường nổi danh khắp đất Thần Kinh. Khi có tuổi, bà truyền cho hai người con gái là Trần Thị Tùng (con gái đầu đã định cư ở Mỹ) và Trần Thị Phương (con gái thứ 8).

Chị Nguyễn Phương Khanh và mẹ Trần Thị Phương - hai người giữ nghề phấn nụ hiện nay

Và cô gái trẻ Nguyễn Phương Khanh (25 tuổi), con gái út của bà Phương hiện đang là người giữ nghề phấn nụ đời thứ tư. Phương Khanh vẫn cùng mẹ từ TPHCM ra Huế vì những nơi cung cấp nguyên liệu vốn là chỗ thân quen trước đây với bà cố ngoại, bà ngoại của chị. Người bán sẽ đưa ra đúng loại nguyên liệu mà hai mẹ con chị cần. Sau khi tập hợp đầy đủ, chị và mẹ đóng gói đưa vào Sài Gòn sản xuất. “Việc lưu giữ và tạo nên loại mỹ phẩm làm đẹp của các cung tần mỹ nữ xưa không chỉ là việc truyền nối của các thế hệ mà giờ đây còn là việc lưu giữ những giá trị tinh hoa làm đẹp của người Việt xưa”, bà Phương chia sẻ. Bà cũng cho biết, phấn nụ không phải ai làm cũng được “… người nóng nảy, kẻ lười biếng hay người có óc tính toán quá đều không làm được. Mà cần nhất là một cái tâm luôn tĩnh giữa xô bồ cuộc sống và hết lòng yêu nghề”.

Hai mẹ con chị Khanh và những phấn nụ thành phẩm

Khi được mẹ chọn là người “nối dõi”, Phương Khanh đã miệt mài đầu tư công sức và thời gian cho nghề gia truyền này. “Tôi sinh ra trong gia đình nhiều đời làm phấn nụ lại được nghe bà, nghe mẹ kể chuyện nên dường như dòng mỹ phẩm này đã “ngấm” vào trong tôi”, Khanh tâm sự. Là người dùng phấn nụ từ nhỏ, chị sở hữu làn da đẹp và thừa nhận những tác dụng ưu việt của loại mỹ phẩm này trong việc gìn giữ và làm đẹp da cho phụ nữ Việt

Lưu giữ hương sắc cho đời

Nghe bà Phương kể, mới thấy để làm ra một thỏi phấn nụ thành phẩm, đạt chất lượng phải nắm vững quy trình cùng bí quyết pha chế. Điều này đòi hỏi người nắm giữ bí quyết phải kiên trì, nhẫn nại. Đó cũng là cả một nghệ thuật bởi chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ cũng có thể làm hỏng sản phẩm.

Chị Nguyễn Phương Khanh người giữ nghề phấn nụ đời thứ tư

Nguyên liệu là loại cao lanh hảo hạng trắng mịn, không chứa tạp chất bào chế với hơn 10 loại thảo dược; giúp cho phấn nụ tách biệt hẳn với các dòng mỹ phẩm thông thường để bước lên ngôi vị “báu vật gia truyền” trong việc chăm sóc làn da phái đẹp. Cùng với đó là một số loại hoa có hương thơm dễ chịu, tác dụng mát da. Hòa bằng nước trời nhưng không phải nước của những trận mưa đầu tiên. Nước sau khi hứng phải chưng cất cẩn thận cho vào một bể lớn để tránh bụi bẩn, nắng mưa và để dùng cho cả năm.

Phơi sương phấn nụ

Sau khi nguyên liệu được chuẩn bị và đưa vào phòng kín, người nắm bí quyết tự tay pha chế. Sau nhiều giờ, sản phẩm được đưa ra ngoài để nhào trộn cho đều nhuyễn, tiếp đó phơi sương, ủ nắng, ướp hương hoa... Quy trình làm kéo dài hơn tháng mới xong một mẻ. Để có được những hạt phấn mịn tơi nhẹ tênh, khô thoáng mà lại dịu dàng, đằm thắm như chứa trong đó cả đất trời và quy luật âm dương.

Và Phương Khanh, người nối nghiệp đời thứ tư, hiện chuyên tâm vào việc nâng cao tay nghề để cung cấp những thỏi phấn nụ chất lượng. Vì nghề gia truyền này chỉ truyền cho con gái nên từ nhỏ, chị đã được mẹ chăm chút, uốn nắn để tự hào, bảo tồn nghề của tổ tiên. Bà Phương tin rằng, con gái mình sẽ gìn giữ và phát huy mãi một nét tinh hoa của văn hóa truyền thống dân tộc.

BẢO LÂM

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm