Thứ Bảy, 05 Tháng Chín, 2015 15:08

Nhà nguyện Sistina

Nhà nguyện dài 40.3m và rộng 13.2m, do ĐGH Sesto 4 xây vào những năm 1473-1481 theo họa đồ của Baccio Pontelh. Các bức tranh trên tường được vẽ vào những năm 1481-1483. Kể từ đó trở thành nhà nguyện riêng của các Đức Giáo Hoàng. Các cuộc bầu của Giáo Hoàng và nhiều lễ nghi quan trọng đều được tổ chức tại đây. Nhà nguyện nổi tiếng vì đây là nơi các Hồng Y bầu Giáo Hoàng, cũng như nhờ các bức vẽ trên tường. Michelangelo đã dùng tài năng siêu việt của mình để diễn tả cuộc sống con người từ lúc tạo dựng đến khi bị phán xét trước ngai tòa Thiên Chúa. Du khách cần dành nhiều thời giờ để chiêm ngưỡng công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa đã được thực hiện dưới nét vẽ tài tình của danh họa Michelangelo, thiên tài của thời ông sống cũng như của mọi thời đại.

Nhà nguyện Sistina

Các bức tranh trên bức tường trái kể lại cuộc đời của ông Maisen (bắt đầu từ phía bàn thờ):

- Maisen và vợ ông bên Ai Cập.

- Lễ cắt bì cho con họ.

- Những biến cố chính trong cuộc đời của ông Maisen: đánh giết một người Ai Cập, đuổi bọn mục tử ở Madian không cho con gái ông Jetro đến múc nước.

- Thiên Chúa hiện ra với ông trong bụi gai cháy và truyền cho ông dẫn dắt dân Ngài ra khỏi Ai Cập.

- Vượt qua Biển Đỏ.

- Maisen trên núi; Maisen nhận hai bảng Luật; Dân Do Thái thờ con bò vàng.

- Thiên Chúa trừng phạt Nathan, Coré và Abiron.

- Maisen trao gậy cho Giô-shua; Dân Do Thái than khóc Maisen qua đời.

Bức tranh ngày phán xét chung

Các bức tranh bên bức tường phải kể lại cuộc đời Chúa Giêsu:

- Chúa Giêsu lãnh phép Rửa bên sông Giodan.

- Chúa Giêsu chữa người phong cùi.

- Chúa Giêsu chịu cám dỗ.

- Chúa Giêsu gọi 2 tông đồ Phêrô và Anrê.

- Chúa Giêsu giảng Tám Mối Phúc Thật.

- Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phêrô.

- Bữa tiệc ly.

Trên tường cuối nhà nguyện.: Chúa Kitô phục sinh (Ghirlandaio vẽ) và thánh Micae che chở xác Maisen (Signorelli vẽ).

Hai bên các vòm cửa sổ là hình 24 vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội (do Diamante, Ghirlandaio, Botticelli và Roselli vẽ).

Những bức tranh vẽ trên trần:

Trần nhà nguyện ban đầu chỉ có bầu trời. Sau này, ĐGH Giulio 2 trao cho Michelangelo vẽ. Ông khởi công ngày 10.5.1508 và hoàn thành ngày 31.10.1512. Các bức tranh thuật lại công trình sáng tạo vũ trụ từ ban đầu cho đến thời lụt Đại Hồng Thủy. Michelangelo bắt đầu vẽ từ cuối nhà nguyện:

- Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối.

- Thiên Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng và thảo mộc trên trái đất.

- Thiên Chúa tạo dựng nên con người. Ngài giơ tay đụng đến con người để ban thần khí cho thân xác con người. Thiên Chúa sáng tạo người nữ từ cạnh sườn của Adong đang ngủ say.

- Adong và Evà bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng vì đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Chính giữa là cây biết lành biết dữ có con rắn quấn quanh. Adong và Evà ăn trái cấm. Thiên Thần cầm gươm đuổi hai ông bà ra khỏi vườn.

- Noe dâng lễ tế Chúa.

- Lụt Đại Hồng Thủy. Con người thất vọng tìm được thoát thân trong khi nước lụt dâng lên cao mãi.

- Noe say rượu.

Tiếp đến là các ngôn sứ và các vị chiêm tinh (bói toán) có biệt tài đoán tương lai quá khứ. Họ tượng trưng cho tất cả các nhân vật khôn ngoan thuộc mọi thời đại biết trước việc Đấng Cứu Thế sẽ đến và loan báo cho mọi người biết Ngài sẽ đến.

Những bức tranh vẽ chung quanh tường (bắt đầu từ phía bên phải):

- Ngôn sứ Giêrêmia đang trầm tư mặc tưởng đau lòng khi suy nghĩ về số phận của thành thánh Giêrusalem.

- Bà bói toán (Sibylle) nước Ba Tư đang đọc sách.

- Ngôn sứ Êgiêkiel tay cầm một văn bản viết trên giấy làm bằng lá dừa (Papyrus).

- Bà bói toán Erythrée đang mở từng trang sách.

- Ngôn sứ Giôel đang đọc sách.

- Ngôn sứ Giakaria đang dở một văn bản.

- Ngôn sứ Isaia ngẩng đầu nhìn một thiên thần đang gọi ông.

- Bà bói Cumana đang mở sách.

- Ngôn sứ Đaniel đang viết, một thiên thần nhỏ cầm sách cho ông.

- Thầy bói Lybia lên ngai ngồi.

- Ngôn sứ Giôna ngạc nhiên vì được cá voi nhả ra khỏi bụng.

Những bức tranh vẽ trên bến gốc tường:

Trên bốn góc của trần nhà nguyện có bốn cảnh lấy từ Kinh Thánh Cựu ước liên quan đến ơn cứu rỗi của dân Do Thái: (bên trái) Haman bị phạt vì muốn tận diệt dân Do Thái; (bên phải) Con rắn đồng được Maisen treo cao trong sa mạc. (Bên trái cuối nhà nguyện) Giuđít chặt đầu Holophemes, Đavít giết Goliát.

Bên trên các cửa sổ là hình các nhân vật Cựu ước, tổ phụ Chúa Giêsu.

Bức tranh “Ngày phán xét chung”

Hai mươi ba năm sau, Michelangelo bít hai cửa sổ trên tường cũng như xóa các bức hình cũ để vẽ cảnh “Ngày phán xét chung” khi ông đã 60 tuổi trong vòng 6 năm 1535-1541, dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô 3. Bức họa “Ngày phán xét chung” cao 20 thước và rộng 10 thước. Michelangelo dùng hết khả năng hội họa của ông để diễn tả Thiên Chúa ngự trên ngai vinh hiển phẫn nộ phán xét mọi loài trong ngày phán xét chung. Trên cùng là cảnh thiên thần khải hoàn mang thánh giá và cây cột Chúa Giêsu bị quân lính Roma buộc vào để đánh đòn: hai dụng cụ tượng trưng cho ơn cứu rỗi. Chính giữa là Chúa Kitô trong tư thế phán xét, đuổi những người bị án phạt ra khỏi mặt Ngài. Đứng bên cạnh là Mẹ Maria và chung quanh là các thánh. Bên trái là thánh Anrê với thập giá, thánh Lorenso với cái vỉ sắt mà thánh nhân đã bị thiêu sống. Bên phải là thánh Phêrô cầm chìa khóa và thánh Bartôlômêo đang nhìn nắm da đã bị lột khi ngài chịu tử đạo. Thánh nhân cầm trong tay cái hình đầu người méo mó là Michaelangelo. Giữa trời và đất là nhóm thiên thần thổi loa báo hiệu ngày tận thế, ngày Thiên Chúa xét xử vũ trụ và loài người. Bên phải là những người lành được cứu rỗi đang lên Thiên Đàng: mặc dù ma quỷ tìm cách ngăn cản họ. Bên trái là những người dữ bị rơi xuống hỏa ngục mặc dù họ tìm mọi cách cưỡng lại. Phía dưới là thần Charon đợi sẵn trên thuyền để chở họ đến với thần Minos là quan án tại hỏa ngục. Đây là hai nhân vật thần thoại Michaelangelo lấy lại của thi sĩ Dante. Minos có tai lừa nhưng gương mặt giống như Baggio de Cesena là vị chưởng nghi của ĐGH Phaolô 3, ỷ quyền chưởng nghi nên đã chửi mắng Michaelangelo khi trông thấy bức họa này. Phía dưới bên trái là cảnh người chết sống lại khi nghe tiếng loa của các thiên thần. Trái đất rung chuyển, mồ mả mở tung và người chết đứng dậy. 

 

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm