Thứ Bảy, 08 Tháng Tám, 2015 14:01

Nhà thờ thánh giá Giêrusalem (tiếp theo)

*CÁC THÁNH TÍCH

Từ phần Thánh Giá thánh nữ Helena mang về từ Jerusalem, hiện thời chỉ còn 3 mảnh nhỏ. Sở dĩ được chia làm 3 phần, vì người ta muốn xếp thánh tích thành hình thánh giá. 3 mảnh này không phải là tất cả thánh tích Thánh Giá được đưa từ Jerusalem về Roma. Thánh Gregorio Cả (+604) đã tặng một mẫu thánh giá cho Reccaredo, vua người Visigot, Tây Ban Nha do ngài đích thân mang về Roma, sau khi đã từng làm Sứ Thần Tòa Thánh ở Constantinople. Có một điều chắc chắn là thánh tích thánh giá ở nhà nguyện thánh Helena đã bị cắt xén. Năm 1515, Đức Leo 10 giáo hoàng cho cắt một mẫu để tặng vua Francois I của Pháp. ĐGH Urbano 8 (1623-1644) muốn tặng một mẫu cho đền thờ thánh Phêrô và lấy từ thánh giá ở đền thánh Helena. Trong thế kỷ 19, các vị Giáo Hoàng Pio 6, Pio 8 và Pio 9, đã lấy một mẫu để tặng những nhân vật quý tộc. Tính chất xác thực của Thánh Giá ở Đền thờ Thánh Giá Jerusalem được chứng thực qua nhiều văn kiện. Đồng thời các văn kiện phụng tự cũng chứng tỏ Thánh Gregorio Cả (+604) đã ấn định chặng thứ Sáu Tuần Thánh ở đền thờ thánh giá Jerusalem. Chính ĐGH đã đi rước không giày vớ cùng với các giáo sĩ và giáo dân, từ đền thờ thánh Gioan Laterano đến đền thờ Thánh Giá để thờ lạy Thánh Giá.

Thánh tích Thánh giá bên trong nhà thờ 

Ba mảnh thánh giá hiện được giữ trong vỏ (reliquiario) quý giá do ông Valadier thực hiện. Năm 1789, do lệnh chính phủ Pháp (Republica Tiberina), đan viện Thánh Giá Jerusalem bị tịch thu, các đan sĩ bị trục xuất, trừ một vị, đền thờ bị tước đoạt những gì quý giá. Ngày 13.9, áp lễ tôn vinh Thánh Giá, một lệnh khác tịch thu thánh tích Thánh Giá. Ba mảnh Thánh Giá và 2 cái gai được bọc trong giấy mỏng. Bảng án và đinh thánh bỏ trong các bình, nhưng không có đế nghệ thuật.

 

Ngày 19 tháng 9 năm 1789, một số nhân viên Cộng Hòa đến gặp người giữ nhà thờ là cha Sisto Benigni, OC, với lệnh tịch thu thánh tích. Cha giữ nhà thờ hiểu họ muốn tiêu hủy thánh tích vì ghét đạo, nên bất chấp sự đe dọa, ngài nói chỉ trao chìa khóa nhà nguyện cho ông Prefetto. Khi ông này đến, cha Sisto dấu chìa khóa đi. Ông Prefetto buộc lòng ra lệnh phá cửa bên trong nhà nguyện, nhưng rồi ông động lòng và trả lại chìa khóa cho cha Sisto. Thánh tích được cứu vãn. Năm 1803, nữ quận công Tây Ban Nha Villa-Hermosa dành tiền để thuê làm bình đựng thánh tích mới để đựng gỗ Thánh Giá. Ông Joseph Valadier thực hiện thánh giá đựng thánh tích này.

*BẢNG ÁN CHÚA GIÊSU

Đền thờ Thánh Giá Jerusalem được tu bổ nhiều lần. Trong lần tu bổ năm 1491-1492, khi sửa mái, người ta tìm được một hộp bằng chì dài 2 gang tay, đóng kín. Có 3 dấu ấn ở giữa với hàng chữ Gerardus Cardinalis S. Crucis. Trong đó có bảng gỗ dài một gang tay rưỡi, trên đó có 3 hàng, ghi khắc trên gỗ. Mỗi hàng có một loại chữ khác nhau. Hàng la tinh : JS Nazarenus Re. Trên là hàng tiếng Hy Lạp, và sau cùng là hàng chữ bằng tiếng Hebreu hay Siro-Caldai. Đó là bảng án: Giêsu Nazareth Vua người Do Thái. Ngày khám phá là 1.2.1492. Ngày 12.3.1492, Đức Giáo Hoàng Innocenzo 8 đến dự lễ tại nhà thờ thánh Gregorio al Celio, và đến xem bảng án đó. Năm 1496, Đức Alexandro 6 xác nhận sự khám phá đó là chân thực.

 

Thang Thánh là một trong những thánh tích được các tín hữu hành hương đến kính viếng ở Roma. Thang này, theo lưu truyền, là thang Chúa Giêsu đã phải leo lên leo xuống 3 lần trong dinh quan tổng trấn Philato: lần đầu khi ngài bị dẫn tới trước mặt Philato, lần hai ngài trở lại, sau khi bị Vua Hêrôde gởi trả lại Philato; lần thứ ba khi ngài bị kết án tử hình. Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, đã mang từ Jerusalem về Roma năm 326. Hoàng đế tặng cho ĐGH Silvestro I (314-337), và ngài đặt tại dinh Laterano. Thang lưu lại đây hơn một ngàn năm, cho đến khi ĐGH Sisto 5 (1585-1590) ra lệnh phá hủy tòa nhà cũ của dinh Giáo Hoàng và đặt trong tòa nhà mới, gần đối diện với đền thờ thánh Gioan Laterano và do kiến trúc sư Domenico Fontana xây cất. Thang được đưa ban đêm tới địa điểm mới: đưa từng bậc một, từ dưới lên cao. Đền thánh này hiện nay được Tòa Thánh ủy thác cho các cha dòng Thương Khó có tu viện cạnh đó coi sóc. Các tín hữu thường quỳ và leo lên 28 bậc Thang Thánh bằng cẩm thạch, được bọc gỗ cho khỏi mòn. Cho đến năm 1723, các bậc thang còn mang những vết máu từ vết thương Chúa Giêsu. Nhưng sau đó bị mòn và biến mất. Ở bức tường quanh thang có những bích họa liên hệ tới những cảnh tượng của Tuần Thánh: bên phía dưới trái của thang là cảnh Bữa Tiệc Ly, bên phải là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu thang là cảnh Chúa chịu đóng đanh.

Nhà thờ Thánh  Giá Giêrusalem

Trên đầu thang có nhà nguyện gọi là Sancta Sanctorum, nơi cực thánh, chứa đựng các thánh tích vô giá mang từ thánh địa về và một số hài cốt của các vị tử đạo ở Roma thời Giáo Hội tiên khởi. Đó là nhà nguyện riêng của các vị Giáo Hoàng trong thời Trung Cổ, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13, và được dâng kính thánh Lorenso. Cha Carlo Fioravanti, Bề trên cộng đoàn dòng Thương Khó coi sóc Thang Thánh nói rằng: “Các tín hữu Công giáo Roma thời Trung Cổ tin rằng danh từ Sancta Sanctorum, nơi cực thánh, là điều chính đáng, vì các nơi thánh nhất tại Jerusalem đã bị tàn phá năm 70 sau Chúa Kitô”. Phần lớn các thánh tích và các bảo vật khác tại nhà nguyện Sancta Sanctorum này được đưa về Vatican hồi năm 1905.

Tại đây vẫn còn một vật huyền bí mà dân Roma rất quý chuộng, và là một trong số ít bảo vật các tín hữu hành hương có thể nhìn thấy qua chấn song, đó là bức ảnh Chúa Kitô bằng bạc có gắn đá quý được mang trong các cuộc rước của ĐGH qua các đường phố ở Roma hồi năm 756, do ĐGH Stephano II chủ sự, để cầu xin Chúa bảo vệ thành Roma chống lại cuộc xâm lăng của người Lombardi. Bức ảnh theo kiểu Bizantine này được gọi là “Acheiropoieton”, nghĩa là “không do tay người phàm vẽ ra”. Vẫn theo lời cha Fioravanti, “Một số người dân ở Roma không biết đền thờ thánh Phêrô ở đâu, nhưng tất cả đều biết Thang Thánh”. Vào mùa Chay, các xứ đạo ở Roma thường tổ chức hành hương tại Thang Thánh để cầu nguyện và thực thi việc thống hối đền tội bằng cách quỳ leo lên thang này bằng đầu gối. Họ cũng xưng tội và tham dự thánh lễ tại đây.

Điều chắc chắn là các bậc Thang Thánh không được chế tạo tại Roma hay tại một thành thị nào khác ở Tây Phương, vì thang được làm bằng thứ cẩm thạch chỉ có ở Trung Đông. Nhưng mà có thật là thang này được Chúa Giêsu leo lên 3 lần hay không? Cha Fioravanti nói: Điều này chúng tôi không thể nói chắc, nhưng lưu truyền là như thế. “Chúng ta nên nhớ rằng quan niệm thời Trung Cổ về thánh tích khác với quan niệm của chúng ta ngày nay. Đối với chúng ta, thánh tích là cái gì chắc chắn thuộc về Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay một vị thánh, hoặc đã được các ngài đụng chạm tới, nếu không thì chẳng có giá trị gì. Trái lại, đối với các tín hữu thời Trung Cổ, thánh tích là một biểu tượng đưa tâm trí chúng ta hướng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria hoặc một vị thánh”.

Trong một cuộc hướng dẫn khách hành hương, cha Fioravanti lấy tay chỉ vào những vết lõm trên đá cẩm thạch quanh bàn thờ ở nhà nguyện và nói rằng: “Các bạn có biết bao nhiêu ngàn tín hữu hành hương đã đi qua đây, cầu nguyện tại đây và để lại những dấu vết này hay không?”.

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm