I. LỊCH SỬ
Năm 1308, đền thờ Laterano bị hỏa hoạn không sửa được nữa. Năm 1377, khi từ Avignon trở về, ĐGH Gregorio 9 đến sống tại đây và từ ngày đó, điện Vatican thay thế điện Laterano. Năm 1450, ĐGH Nicola 5 hoàn tất công trình xây cất dinh thự điện Vatican. Bên trong trang hoàng theo kiểu nghệ thuật Toscana đầu thời Phục Hưng. Trong số các họa sĩ tên tuổi có chân phước Angelico, dòng Đaminh (1400-1455). Đức Giáo Hoàng Sisto 4 sửa sang lại thư viện và cho xây nhà nguyện Sistina. Thư viện và các bảo tàng viện Vatican là hai kho tàng quý báu nhất của nhân loại. Cả hai mang vết tích của văn hóa Hy Lạp và La Mã, diễn tả sáng tạo của con người ở trình độ cao nhất và nhờ nghệ thuật biểu lộ hình ảnh dự báo của Kitô giáo tại tây phương. Belvedere Palace với những tác phẩm điêu khắc cổ điển như thần Apollo, Venus, Lacoon, sông Nile, sông Tiber, Adriane ngủ?
![]() |
Đức Giáo Hoàng Sisto 6 bắt đầu thu góp vào năm 1475 cho đến năm 1555. Tinh thần chống đối Phục Hưng (Counter-Reformation) cùng với những lối nhìn luân lý chống đối nghệ thuật cổ điển đã làm cho việc thu góp Vatican bị đứng lại. Tuy nhiên, nhấn mạnh mới về việc bảo vệ đức tin đã tạo ra nền tảng mới cho việc học hỏi nghệ thuật cổ điển được cả giới lịch sử lẫn khảo cổ cộng tác. Năm 1756, ĐGH Benedict 14 thiết lập Bảo Tàng Viện Kitô giáo của Thư Viện để “làm gia tăng vẻ đẹp của thành đô làm chứng cho chân lý tôn giáo qua các dinh thự Kitô thánh”. Năm 1767, ĐGH thành lập bảo tàng viện ngoại giáo để giữ gìn những dinh thự của thời Roma cổ.
Tôn giáo bao gồm những đạo lý siêu nhiên trừu tượng về Thiên Chúa được diễn tả qua các nghệ thuật con người điêu khắc, hội họa, kiến trúc… để diễn tả vẻ đẹp sáng tạo của Thiên Chúa theo trí tuệ và tâm hồn con người thuộc các thời đại. Nghệ thuật diễn tả những ý niệm trừu tượng khó hiểu ở mức độ con người có thể thấu hiểu và cảm nhận được, đồng thời làm cho con người gần gũi hơn với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa thường bị xem là xa cách con người. Nghệ thuật này nêu lên những ý niệm thánh thiện của tôn giáo nên được gọi là nghệ thuật thánh, đồng thời cũng được gọi là nghệ thuật thánh vì nó đã đạt đến mức độ thánh thiện chứ không còn ở mức độ trần tục nữa. Những bảo tàng viện Vatican là một trong những kho tàng văn hóa nghệ thuật và tôn giáo danh tiếng nhất thế giới. Ngày Chúa nhật cuối tháng, những bảo tàng viện Vatican mở cửa miễn phí.
![]() |
Trước đây, du khách hành hương bước vào những bảo tàng viện Vatican qua một cầu thang hình trôn ốc hai chiều do G. Momo xây với những hình chạm bằng đồng của A. Marani. Nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho mở thêm cổng vào rộng lớn hơn với những phương tiện cần thiết cho những người tàn tật có thể sử dụng. Khi bước vào, sẽ thấy ngay trên tường những dấu tích các bức khảm đá màu cũng như chân dung và tượng của các thần linh vào 3 thế kỷ đầu sau Tây Lịch.
II. ĐẶC TÍNH CỦA MỖI BẢO TÀNG VIỆN
Mỗi bảo tàng viện hoặc mỗi phòng triển lãm đều chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật rất giá trị. Du khách có thể bỏ nhiều thời giờ để thăm viếng, học hỏi, chiêm ngưỡng và thưởng thức những công trình quý giá được thu thập tại đây. Dưới đây là những nơi không thể không đến :
![]() |
1. Phòng Pinocoteca
ĐGH Pio 7 cho xây để trưng bày các tranh ảnh do nước Pháp trả lại cho Tòa Thánh vào năm 1815 cũng như những tác phẩm hội họa lấy từ thư viện và các điện Laterano cũng như Vatican. Pinoteca gồm 15 phòng trưng bày các tranh ảnh. Phòng 1 gồm các tranh ảnh của thời Italia cổ. Phòng 2 trưng bày các tác phẩm của danh họa Giotto và các trường phái Gô-tích sau này. Phòng 3 trưng bày các bức tranh của thầy chân phước Angelico, Filippo Lippi và Benozzo. Phòng 4 của Melozzo da Forli và Marco Palmezzano. Phòng 5 của thế kỷ 14. Phòng 6 gồm các bức tranh vẽ trên bàn thờ. Phòng 7 của các họa sĩ thuộc trường phái Umbria. Phòng 8 gồm các tranh của danh họa Raffaello Sanzio. Phòng 9 của danh họa Leonardo da Vinci và của các họa sĩ thuộc thế kỷ 15.
2. Bảo tàng viện Ai Cập Gregorio
ĐGH Gregorio 16 xây cất năm 1839 để chứa các di tích lấy từ nhiều bảo tàng viện khác cũng như từ biệt thự của Hoàng Đế Adriano ở Tivoli. Bảo tàng viện này gồm các tác phẩm, đồ vật, quan tài và xác ướp cùng lễ nghi chôn cất với các câu thần chú và các đoạn trích trong sách Người Chết theo triết lý nhân sinh của Ai Cập thời cổ trước Tây Lịch.
![]() |
Bảo tàng viện Ai Cập gồm 10 phòng. Phòng 1 trang hoàng theo cảnh trí của phòng dẫn vào mộ phần. Phòng 2 trưng bày các kiểu trang hoàng mộ phần đào sâu dưới đất tại thung lũng của các vua chúa Ai Cập. Du khách hành hương có thể nhìn thấy những quan tài bằng đá huyền vũ nằm chung quanh có những bình đựng ruột của người chết khi ướp xác. Phòng 3 những quan tài bằng gỗ có vẽ các cảnh diễn tả lễ nghi an táng với các câu thần chú và các đoạn trích trong sách Người Chết. Phòng 4 trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Roma vào 3 thế kỷ đầu Tây Lịch, bắt chước nghệ thuật Ai Cập, phần lớn lấy từ biệt thự của Hoàng Đế Adriano ở Tivoli. Phòng 5 có nhiều quan tài bằng gỗ. Trước lồng kính là Người Đẹp (La Bella). Ngai của một bức tượng Pharôn Ramses 2. Chính giữa hành lang bán nguyệt là bức tượng khổng lồ của Hoàng Hậu Tula, mẹ vua Ramses 2. Đầu bằng sa thạch sơn mầu của Pharôn Mentuhoptep vào năm 2054 đến 2008 trước Tây Lịch. Ba bức tượng khổng lồ bằng nham thạch thời Ptolemée. Tượng Ptolemalos 2 Philadelphos (258-247). Phòng 6 gồm xác ướp của các con vật người xưa sùng bái như mèo, chim ưng và rắn. Các vật bùa chúa bằng đồng và bằng các chất khác nhau như bình hương, đồ trang sức hình bọ hung…; cảnh người nô lệ phục vụ người chết. Phòng 7 diễn tả các kẻ hầu hạ người chết chôn trong phần mộ để họ làm thay cho người chết. Phòng 8 có tượng của thầy tư tế sống vào thế kỷ 6 trước Tây Lịch. Phòng 9 với các bản văn viết trên giấy làm bằng sậy Papyrus diễn tả về thế giới người chết, những suy tư, lời cầu nguyện… Phòng 10 trưng bày các tác phẩm thời Ai Cập bị Hồi giáo xâm chiếm.
![]() |
3. Bảo tàng viện Pio Clementinô
Do hai ĐGH Clemente 14 và Piô 6 xây hồi thế kỷ 18 để trưng bày các tác phẩm điêu khắc thuộc thời Hy Lạp và Roma cổ. Phòng hình thánh giá Hy Lạp, hai bên cửa vào với hai người sư tử bằng nham thạch đỏ xám thuộc thế kỷ 1-3, trên nền gạch là ba bức khảm đá màu: Nữ thần Minerva cầu thuẫn, giỏ hoa, thần ăn nhậu Bacchus. Cánh trái: quan tài đá vân đỏ của công chúa Costantina, con gái Hoàng Đế Constantino vào năm 350-360. Cảnh chạm nổi cành nho và các trẻ em hái nho. Bên cạnh là tượng Hoàng Đế Augustô. Chính giữa là bức khảm đá màu nữ thần Athana thuộc thế kỷ thứ 3. Bên cánh trái là quan tài đá vân đỏ của thánh Hêlen, mẹ của Hoàng Đế Constantino thuộc thế kỷ thứ 4. Cảnh chạm nổi các kỵ sĩ và đám tù binh, chân dung của Hoàng Đế Constantino và thánh Hêlen.
Phòng tròn do Simonetti xây năm 1780: Nền có bức khảm đá mầu otricoli, diễn tả cảnh người Hy Lạp đánh nhau với các quái vật mình người đầu ngựa, ốc len và nữ hải nhân. Chính giữa phòng là một cái bình khổng lồ chu vi 13 thước bằng đá vân nguyên khối, trước đây đặt trong nhà vàng (domus aurea) của Hoàng Đế Nêrô. Bên trái là chiếc đầu khổng lồ của Hoàng Hậu Plotina - vợ của Hoàng Đế Traiano (tạc năm 129), tượng nữ thần Juno Sospita (thế kỷ 2), tượng Claudio (năm 50), tượng nữ thần Hera Barverini (thế kỷ 5), tượng bán thân khổng lồ của Entinous chết tại sông Nil năm 130 được phong thần, tượng khổng lồ của thần Hercules bằng đồng mạ vàng (thế kỷ 2). Đầu khổng lồ của Hoàng Đế Adriano, tượng một nữ thần tạc theo nguyên tác Hy Lạp thuộc năm 420 trước Tây Lịch, tượng thần hộ mạng của Hoàng Đế Augustô.
Phòng Muse cũng do Simonetti xây gồm các bức tranh vẽ trên trần của Tommaso Conca diễn tả tượng thần Apollo, các nàng thơ, thi sĩ giống như các bức tượng trưng bày trong phòng. Giữa là tượng bán thân Belvedere do Apollonius tạc. Các bức tượng gần tường là tượng 7 nàng thơ do thần Apollo dẫn đầu. Biệt thự Tivoli còn giữ lại những bức tượng của các triết gia, thi sĩ và diễn thuyết gia Hy Lạp sống thời trước Tây Lịch như Pericles, Bias, Periander, Alschines, Homer, Sokrates, Platon, Euripides, Epikur…
Phòng các súc vật trưng bày tượng súc vật hay các cảnh liên quan đến súc vật… Trên nền là bức khảm đá mầu diễn tả cảnh sống của dân Roma (thế kỷ 4). Thần biển Triton bắt một nửa hải thần (thế kỷ 1 trước Tây Lịch). Thần Mithras giết con quái vật nguyên thủy… Phòng các tượng do Belvedere xây cho ĐGH Innocente 8. Tượng Adriana đang ngủ (thế kỷ 2) tạc theo nguyên tác Hy Lạp (thuộc thế kỷ 2 trước Tây Lịch), đối diện là tượng Satyr đang nghỉ, bên phải là tượng Triton, thần nước (thế kỷ 2 trước Tây Lịch), phía cuối hành lang bên phải là Apollo Sauroktonos đang rình giết một con báo. Một quan tài chạm nổi cảnh người khổng lồ chân rắn đánh nhau với các thần linh, tượng các thần Jupiter, Juno, Mars, Mercury, Venus, Minverva…
Phòng các tượng bán thân: gồm các tượng thần và các hoàng đế của Roma như Julius Caesar, Augustus, Titus, Tralan, Atonius Pius, Marcus Aurelius, Commodus và Caracalla…
Phòng Laocoonte: do nhà điêu khắc Hagesandros thành Rhodes và các con của ông tạc vào khoảng 50 năm trước Tây Lịch. Một tác phẩm nổi tiếng diễn tả cảnh thi sĩ Virgile trong tác phẩm Eneide như sau: Lacoon là thầy tư tế của thần Apollo ngăn cản dân chúng Hy Lạp đừng đem con ngựa gỗ làm nội ứng nên đã ra mở cửa thành. Thần Apollo nổi giận nên sai hai con rắn đang cắn ở hông mình ra. Con rắn kia đã cắn vào hông chú bé nên đau đớn. Bức tượng điêu khắc với những nét tinh vi sống động này được tìm thấy vào năm 1506 giữa “nhà vàng” của hoàng đế Nerone và nhà tắm của hoàng đế Titus. Tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều đến nghệ thuật thời Phục Hưng.
Phòng Apoxyomenos trưng bày một lực sĩ đang phủi bụi trên mình (thế kỷ 1). Bàn thờ dâng kính Hoàng Đế Augustus trong tư cách là thầy cả thượng phẩm (có từ thế kỷ 12 trước Tây Lịch). Thần Victoria cầm thuẫn có khắc câu “Thượng viện và dân chúng Roma dâng kính bàn thờ này cho Hoàng Đế Augustus”.
(còn nữa)
Lm. Inhaxio Hồ Văn Xuân
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.