“Pape Francois”, cuốn sách của một nhà báo tại Radio Vatican, sẽ giới thiệu đến độc giả cơ hội khám phá những hình ảnh gần gũi và sinh động về Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Để thực sự hiểu được Đức Phanxicô và hiểu được ngài là vị Giáo Hoàng của muôn dân, tác giả Marie Duhamel cho biết đã dành trọn một năm để nghiên cứu và viết quyển sách này. Bà chia sẻ rằng đã gặp gỡ ít nhất 50 người để tìm hiểu và có cơ hội tra cứu được những tư liệu quý liên quan đến quá trình sinh trưởng tại quê nhà của Đức Phanxicô. “Pape Francois” được đánh giá là một nỗ lực đáng trân trọng trong việc thu thập khá trọn vẹn tư liệu về cuộc đời của vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo. Cuốn sách đã được phê chuẩn của ĐTC Phanxicô. Và ngoài ra, lời mở đầu của sách được giới thiệu bởi cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Với kích cỡ 24x30cm, dày 144 trang, được trình bày hiện đại, quyển sách như một chiếc túi thu nhỏ với nhiều ngăn chứa đựng những tư liệu, hình ảnh về cuộc đời của Đức Phanxicô. Đây là sự hợp tác giữa tác giả với các nhiếp ảnh gia của phòng Báo chí Tòa Thánh, tạo nên bộ sưu tập đa chiều và nhiều màu sắc.
![]() |
Cuốn sách khắc họa chân dung một con người sống động từ thuở thơ ấu, về chàng trai của một gia đình di dân Ý, đã từ bỏ cuộc sống của một thanh niên trí thức và còn rất trẻ trung với sở thích bóng đá, để trở thành linh mục trẻ ở Argentina. Rồi đến những năm tháng Jorge Maria Bergoglio trở thành Hồng y với công việc mục vụ khó khăn trong các khu phố nghèo vùng ngoại ô thuộc Tổng giáo phận Buenos Aires. Vào ngày 13.3.2013, ngài lên ngôi kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trở thành người Mỹ Latinh đầu tiên lãnh đạo Vatican.
“Pape Francois” có tổng cộng hơn 250 ảnh và 50 bản sao các tài liệu khác nhau như giấy chứng nhận rửa tội, lời tuyên xưng đức tin do ĐGH Phanxicô viết khi gia nhập Dòng Tên, một bản tin được sử dụng bởi các vị Hồng y để bầu Giáo hoàng mới…; đến cả những vật dụng liên quan đến công việc rất đời thường của ngài như chiếc máy tính xách tay ngài hay dùng tại các hội thảo, thẻ thành viên danh dự của câu lạc bộ bóng đá Club Atlético San Lorenzo de Almagro mà ngài hâm mộ ở Argentina, hay thứ nước uống bình dân của người Argentina ngài vốn yêu thích…
![]() |
Những giai đoạn quan trọng trong hành trình của Đức Phanxicô không chỉ được ghi nhận một cách chi tiết qua góc nhìn của một phóng viên Radio Vatican, người luôn sâu sát theo dõi các hoạt động của Đức Phanxicô, mà còn là những cảm nhận của một người giáo dân bình thường. Tác giả Duhamel mong muốn gởi đến độc giả những điều thú vị và bí ẩn đằng sau nụ cười mà mọi người thường bắt gặp ở Quảng trường Thánh Phêrô. Bà nói: “Tôi luôn ấn tượng bởi nụ cười của ngài. Ngài là một người luôn lắng nghe tiếng nói của muôn dân và có một trí nhớ siêu phàm. Sự trung thành của ngài hết sức mạnh mẽ : trung thành với Chúa và với con đường Chúa trao phó. Ngài có những nguyên tắc hoạt động riêng, gắn chặt với các tư tưởng nhưng bằng cả trái tim, không bao giờ hành động đi ngược lại những gì mình nói”.
Không chỉ gởi đến bạn đọc những bức ảnh không thường thấy của Đức Phanxicô, tác phẩm còn giúp khám phá thêm về chân dung một vị chủ chăn rất đời thường, gần gũi và “vấy mùi chiên”. Ở đây độc giả sẽ thấy một linh mục tham gia vào các hoạt động quy tụ thanh thiếu niên, sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho người nghèo, hay thậm chí có thể đi quanh thành phố Buenos Aires bằng tàu điện ngầm. Tác giả nói rằng: “Đây là tác phẩm nói về một nhân vật đặc biệt của Giáo hội và cũng là về niềm vui, yêu thương và là lý tưởng sống của ngài”. Trên kênh youtube đã có một đoạn video ngắn giới thiệu cái nhìn khái quát về quyển sách đầy hấp dẫn này. Sách hiện đã có bản tiếng Pháp và một phiên bản tiếng Anh đang được chuẩn bị.
Khôi Nguyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.