Cân và đo
Tại An Nam xưa, người ta dùng nhiều thứ thước đo chiều dài : Ở Nam Kỳ, người ta chỉ dùng thứ thước dài 0 mét 424 cũng gọi là coudée (khuỷu tay) và thứ thước dài 0 mét 636 dùng để đo vải. Muốn có chiều dài của thứ thước trên, người ta xếp 18 đồng tiền tiếp nối nhau và với thứ thước sau thì xếp 28 đồng tiền.
Đong tính theo hộc hoặc gịa tương đương với 39 lít 90.
Đơn vị lường nặng nhẹ là cân tương đương với 624 gram 8 ; 100 cân là một tạ, dùng tạ để tính khối lượng gạo. – Đơn vị nhỏ nhất của cân là đồng tương đương với 3 gram 905 ; đơn vị lớn nhất là quân bằng 500 cân tương đương với 312 kilogram 4.
Đo đạc diện tích tính theo mẫu vuông bằng 10 sào vuông hay 150 thước vuông, tức tương đương với khoảng 5000 mét vuông. Mẫu to nhỏ tùy theo từng địa phương.
![]() |
Lễ hội Gò Tháp Nam bộ |
Đơn vị tiền nong là đồng; đó là mảnh kẽm hình tròn với đường kính rộng khoảng hơn 2 centimét, ở giữa có lỗ vuông và ở mặt phải đồng tiền có ghi niên hiệu nhà vua đúc ra tiền đó. Sáu trăm đồng sâu buộc lại thành một quan tiền. Giá trị quan tiền thay đổi tùy thời; cách đây mấy năm, mỗi quan tiền đổi được 1 franc, nhưng nay thì chưa được 80 centimes. Mỗi quan tiền chia ra 10 tiền gồm 60 đồng. Đó là thứ tiền nong nặng nề và khó mang theo, nhưng người An Nam rất gắn bó với nó, vì nó rất ích lợi.
Chính quyền Pháp thấy không khó khăn gì trong việc lấy mét thay cho thước ta để đo chiều dài trong các văn kiện chính thức; và hécta thay cho mẫu để đo diện tích ruộng (mỗi hécta bằng 2 mẫu).
Tôn giáo
Người An Nam ít quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Đa số họ chu toàn phận sự tôn giáo vào những hành xử rắc rối mà họ chẳng hiểu ý nghĩa gì .
1. Phật giáo
Phật giáo tức đạo Phật mà người An Nam theo, từ bên Trung Hoa truyền sang. Người Cao Mên sống ở Nam Kỳ giữ đạo này nghiêm túc hơn. Người An Nam cũng theo mà không hiểu gì, đàn ông không thực hành đạo còn đàn bà đôi khi tụng niệm dưới sự hướng dẫn của mấy người tự nhận là sư sãi chẳng biết gì về giáo lý và cũng không quan hệ với nhau về tín lý, lại không thi hành cuộc sống khiết tịnh và khổ hạnh. Trong khắp đất nước An Nam không nơi nào có một trường Phật giáo đào tạo giới trẻ như bên nước Cao Mên. Đôi chỗ trong miền đất liền, người ta thấy có những ngôi chùa Phật cổ, nhưng hoàn toàn bỏ hoang phế. (Đó là tình hình ở Nam Kỳ khi ấy chăng, NĐĐ).
2. Khổng giáo
Đạo Nhu là một thứ tôn giáo tự nhiên hay là một lý thuyết của Khổng Tử. Giống như bên Trung Hoa, giới nho sĩ tuân theo lý thuyết này bằng cách thi hành những nghi thức do luật lệ Trung Hoa lập ra để tôn vinh trời, đất, hoàng đế, hiền sĩ, tổ tiên : đó là qui luật về luân lý duy lý hơn là một lễ nghi tôn giáo.
3. Thờ thần
Việc thờ thần, bà chúa, anh hùng huyền thoại, linh vật, rồng,… và…, với các cung điện thờ ở nhiều nơi. Thứ thờ linh vật này pha thêm mấy tập quán Phật giáo tạo thành một tôn giáo chung cho đại chúng An Nam và các thầy cúng làm trung gian giữa tín hữu với thần linh. Thầy bùa, thầy pháp hay thầy địa lý cầu khẩn với các thần linh ấy – bằng lời đọc và cử chỉ mê tín dị đoan – soi sáng cho cách thức để tìm được đất lành xây cất nhà cửa, mồ mả, chọn được tên cho con cái có hạnh phúc và khỏe mạnh. Loại thầy cúng này không được trả tiền hậu hĩnh, nên không có nhiều. Họ phải tuân thủ luật lệ nhà nước An Nam rất khắt khe khi họ đem tới những huyền hoặc gây phương hại đến sức khỏe và an ninh xã hội.
Người An Nam thờ thần bếp mà họ mường tượng ra hình ảnh ba người, một phụ nữ giữa hai đàn ông … Nhiều gia đình có bàn thờ nhỏ trong nhà để luôn biểu hiện cho sự thờ phượng của họ : trên bàn thờ có tượng Phật nhỏ và tượng Phật Bà Quan Âm, nữ thần của niềm thương xót.
Thờ cúng tổ tiên. – Tóm tắt có thể nói được rằng – cũng như đạo đức của người An Nam dựa trên sự tôn kính cha mẹ, cũng như tôn giáo duy nhất của họ là việc thờ kính tổ tiên bằng một bàn thờ đặt nơi trang trọng nhất ở gian giữa nhà. Các bậc nho sĩ tuy không tin tưởng lắm cũng tuân thủ các lễ nghi ấy.
Chúng ta sẽ có dịp mô tả các lễ hội của xứ An Nam.
Lễ hội tôn giáo – Quan trọng nhất ở An Nam là lễ hội vừa tôn giáo vừa chính trị vào ngày đầu năm tức lễ Tết. Trước đó mấy ngày, người ta đôn đáo chạy đi trả nợ, đi đòi nợ, đi mua sắm, đi mượn quần áo đẹp và nữ trang để ăn diện vào ngày Tết. Trước mỗi nhà, người ta trồng một cây nêu, trên ngọn để trầu, vôi, cau : đó là đồ dâng cúng thần linh và tiên tổ. Cũng treo trên đó một rổ đựng vàng bạc bằng giấy tặng biếu tổ tiên. Từ lúc giao thừa người ta chưng đèn sáng và đốt pháo rền vang suốt tới khi lễ đoạn.
Ngày đầu năm, dành cho việc cúng giỗ tổ tiên : nghi thức được tiến hành rất thắm thiết ; đường sá và chợ búa vắng vẻ chẳng thấy ai; mọi công việc, mọi giao thiệp đều ngưng đọng. Khi trời bình minh, con trẻ trong gia đình đều đến quỳ lạy trước ông bà; người ta đốt nhang trước bàn thờ tổ tiên, một mâm cỗ dâng lên tiến các vị. Người ta đóng kín cửa, và trong khi ngoài đường đinh tai tiếng pháo, họ hàng và bạn bè cùng nhau ăn uống rồi đánh bài với nhau, bởi vì sự bài bạc được tha phép trong dịp tết.
Lễ tết kéo dài ít là ba ngày; trong giới người khá giả thì kéo dài tới mười lăm ngày. Đây là dịp người ta đi thăm bạn bè hay quen thuộc, người ta thay đổi trên cột và cổng nhà những đôi câu đối chúc lành bằng giấy mầu. Mỗi ngày hai lần người ta làm tiệc dâng lên tổ tiên bao giờ cũng có dóng mía tượng trưng cho cây gậy chống của người già; người ta tiến dâng các vị quần áo, đồ gia dụng mới, tiền đồng và kẽm đều bằng giấy hàng mã mà người An Nam bắt chước Trung Hoa : thứ nhất là lễ mùng năm tháng năm, đó là lễ kính rồng với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa; thứ hai là lễ coi sao vào đêm mùng bẩy tháng bẩy; thứ ba là lễ trung thu ngắm nhìn mặt trăng vào ngày rằm tháng tám; thứ tư là nông nghiệp chiêm ngưỡng địa cảnh vào ngày mùng chín tháng chín.
Tuy nhiên người An Nam coi lễ tôn vinh Thần Hoàng làng là quan trọng nhất trong năm. Mỗi năm một lần, vào ngày nhất định tùy từng làng, cư dân tập trung suốt đêm ở đình dành riêng thờ thần. Mới sáng tinh sương, tiếng trống, tiếng gồng, tiếng nhạc cụ, tiếng pháo nổi lên vang vọng : Suốt ngày là cỗ bàn, là nghi lễ cúng thần không biểu hiện ra ngoài bằng bất cứ hình thái gì. Mỗi làng tiến hành nghi lễ theo một cách. Sau đó là các báo cáo của làng trình lên các vị trưởng lão để các vị cứu xét xem có phải thay đổi viên chức nào làm việc làng hay không, rồi chỉ ra các công việc phải làm cho năm tới. Điểm đáng lưu ý nhất trong lễ hội này là dưới chế độ An Nam hay chế độ thuộc địa ngày nay, đều không có sự can thiệp của thượng cấp (xưa kia cáo quan chấm dứt mọi quyền hành trong thời gian lễ hội tiến hành, điều này chứng tỏ thật minh bạch sự tự trị của xã thôn ở Nam Kỳ).
Ngoài các tôn giáo mà tôi vừa trình bầy, tức các tôn giáo của dân bản xứ, của người Cao Mên và của người Hoa, chúng tôi cũng sẽ nói thêm mấy tôn giáo khác do một phần người An Nam tin theo hoặc do các sắc dân mới đến nhập cư vào thuộc địa mang tới. Đó là :
1) Đạo Công giáo. – Tôi đã nói đầy đủ về sự tiến bộ và tổ chức của đạo này trong một phần khác của cuốn sách (…). Số người theo đạo Công giáo ở miền đông Nam Kỳ là từ 45 đến 50.000, ngày một gia tăng …
2) Đạo Mahồmết tức Đạo Hồi được tin theo bởi người Mã Lai và người Ấn Hồi tới nhập cư vào Nam Kỳ sau khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ. Cả hai loại người này đều sùng tín đạo do Mahomet sáng lập.
Người Mã Lai cũng như người Hồi giáo ở Java và một số người khác ở Malaisia theo dòng Sunnite và thuộc dòng chính thống của đạo Hồi. Họ ít hiểu biết về đạo và sự thờ phượng của họ gồm những nghi lễ và tập quán không được người đồng đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và những nước ở Barbarie bắc Phi công nhận. Tại Sài Gòn, họ có ngôi đền ở đường Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa nay).
Người Hồi giáo Nam Dương cũng như đồng đạo ở Ấn Độ thuộc dòng chiite (hay shiya) tức nhánh theo Ali con rể Mahomet. Họ sùng đạo; phong tục và tính cách họ rất tốt, đạo hạnh, họ theo đúng luân lý của kinh Coran mà họ đọc và hiểu biết. Từ năm 1862, họ đến sinh sống ở Sài Gòn, nơi đường Thủ Đức (đường Đông Du nay) họ có một thánh đường để tới rửa thanh tẩy và cầu kinh đặc biệt ngày thứ sáu. Mỗi năm vào dịp lễ Moharrum sau mùa chay, họ tổ chức một đại lễ hội, họ đi rước với chiếc xe quay rất đẹp tượng trưng cho nấm mồ Hussein thánh kế nghiệp Ali.
Tại Sài Gòn và Chợ Lớn, họ quy tụ thành hiệp hội tín ngưỡng.
4) Đạo Bà La Môn tức Brâhmanisme của người Ấn Độ cư ngụ tại nhiều địa phương, đặc biệt trên bờ biển Coromandet. Tùy theo giai cấp, họ thuộc dòng thờ Vichnou hay Siva. Trong họ có những người chetty (ngân hàng, cho vay) đáng chú ý vì họ sống nhiệm nhặt, không ăn thịt ăn cá, theo đúng quy luật Manou. – Người Ấn Độ tại Sài Gòn có một thánh đường nơi đường MacMahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa nay), họ làm lễ dưới ngọn đuốc với tiếng trống kèn và lời van xin, đó là đại lễ brâhmanisme (Pongol hay lễ đầu năm và Kartigay hay lễ lửa hoặc khí giới).
Cũng như đồng hương Hồi giáo, họ được tổ chức thành hiệp hội tín ngưỡng mà người ta gọi nhầm là hiệp hội Phật giáo !
Nguyễn Đình Đầu (dịch)
1 Petrus Ký, Documents historiques. Moeurs et coutumes. La Cochinchine fran#aise en 1878. Paris. 1878. Trang 193-256.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.