Tiếng nói
Người An Nam nói cùng một thứ tiếng, không có thổ âm và thanh âm riêng rẽ, trong khắp đất nước mình. Chỉ có cách phát ra một vài tử âm (consonne) khác nhau từ bắc vào nam; nhưng các tiếng nói và phát âm luôn giống nhau. Có lẽ người An Nam không có một lối viết chữ riêng trước khi bị Trung Hoa đô hộ, vì không để lại một dấu vết gì. Họ bắt chước lân bang cường thịnh cả về văn học và pháp luật. Không những đưa vào ngôn ngữ mình những tiếng biểu hiện ý tưởng trừu tượng mà trước không biết, nhưng còn lấy ngôn ngữ Trung Hoa làm ngôn ngữ của chính quyền, quan chức qua sử dụng chữ Hán.
Với ít nhiều biến cải, chữ Hán cũng đã biểu hiện được tiếng nói dân gian (tác giả muốn nói đến chữ nôm, NĐĐ). Về sau, người Bồ Đào Nha đã áp dụng chữ latinh để biểu hiện tiếng nói An Nam, nhờ vậy người Âu tây dễ học được tiếng ta. Lối viết mới đó gọi là quốc ngữ, hiện đang được giảng dạy cho các học sinh tiểu học.
Y phục
Người An Nam mặc quần áo gần như một đồng phục, không thể khác được, vì trong nước từ nhiều thế kỷ đã có quy luật về y phục cho dân chúng. Y phục lễ nghi của đàn ông gồm chiếc áo dài đen và một cái quần đồng mầu. Tùy theo mức của cải cho phép, người An Nam có thể vận đồ là lượt. Chiếc khăn đen bằng nhiễu được xếp nếp có nghệ thuật. Trong các cuộc gặp gỡ tư riêng hay hội họp gia đình, người ta có thể ăn vận mầu sắc sáng sủa hơn; nhưng cách ăn vận của họ vẫn luôn trang trọng và đàng hoàng. Riêng phụ nữ trong các lễ hội được dùng những mầu sắc lòe loẹt và chói chang hơn với khiếu thẩm mỹ ngờ nghệch. Thường thì họ có y phục gần giống như đàn ông.
![]() |
Y phục của phụ nữ An Nam |
Giầy dép ít được sử dụng. Từ khi người Pháp vào xâm chiếm, thường thấy những người khá giả ở Sài Gòn hay các vùng phụ cận những trung tâm lớn, đều có đi giầy. Ở trong nội thất người ta vẫn giữ kiểu cách Trung Hoa, nhưng ở Sài Gòn thường đã thấy nhiều người mang tất và giầy néc ni kiểu Tây bóng loáng.
Từ ngày Pháp xâm chiếm, cái dù đã có tiến bộ đặc biệt. Ở những tỉnh hẻo lánh nhất, cái dù đã không rời khỏi người An Nam khi chỉ đi xa hai trăm mét. Không một thợ Ba Soong nào, một phu lao động nào khi đi làm lại không bị phiền hà bởi cái dụng cụ kềnh càng này, nhưng nó có cái thế oai sang vì đã từng bị luật lệ cấm cách !
Lương thực
Lương thực thì dồi dào. Gồm có gạo nấu chín thành cơm, cá mú, rau củ, nước chấm (đáng kể nhất là nước mắm). Món nào cũng rất cay và được nấu nướng rất sạch sẽ và bổ dưỡng.
Có người đã sai nhầm nói là có gia vị rất khó ngửi mà thực chất không đến nỗi khó ngửi hơn mấy thứ phó mát thơm nhất ở Tây phương.
Người An Nam thường ít ăn thịt và ít uống rượu cất từ gạo. Nhưng trong các bữa tiệc chính thức, tôn giáo hay lễ lạt thì các món ăn ê hề; trâu, bò, heo được sả thịt đại trà. Sự thật trong các tiệc tùng lớn đó, cả làng đều có chỗ tham dự miễn phí. Đôi khi người ta ăn uống rượu chè như thế suốt hai ba ngày liền. Người An Nam cả ngày gậm trái xanh, mía cây và bánh kẹo lẫn lộn với sơn, vôi, v.v… Như thế gọi là ăn chơi; và những cơn đau mệt thường xảy ra vẫn không sửa cải được họ. Trong những điều kiện như vậy, vệ sinh là một danh từ họ không biết tới. Sống như vậy, họ chỉ nghĩ đến bệnh tật khi bệnh tật đã xâm chiếm họ. Ý tưởng phòng tránh tật bệnh hầu như họ không có.
Gia cư
Những ngôi nhà An Nam thường tập trung thành xóm quy tụ dưới những bụi cây rậm rạp ở rải rác giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay của hai châu thổ tạo thành xứ Nam Kỳ. Từ xa, các bờ rào tre cao xanh tươi che kín hết nhà cửa. Chỉ khi đi vào trong qua cổng làng, mới thấy những túp lều nằm giữa các vườn rau xơ xác.
Cảnh tượng không có gì sang trọng và hơi nhớp nhúa, nhưng vẫn không thiếu vẻ nên thơ. Các ngôi nhà làm bằng tre hoặc thân cây cau. Bức vách và mái nhà bằng lá dừa nước hay lá gối. Nhà thấp chỉ có cửa ra vào phía trước và phía sau. Nhà không có bàn ghế, chỉ có chõng tre hay tấm ván làm giường ngủ; với vài ghế đầu và bàn khập khiễng, mấy cái bếp lò bằng đất nung non, đôi khi có thêm một cái rương lớn có bánh xe để cất chứa các quan tiền kẽm. Vào trong nhà thường bị khói làm mờ mắt và bị gia súc tranh hết chỗ; những con chó dữ sủa đinh tai suốt ngày. Tất cả ghi dấu tích cẩu thả lớn và tính bất cần lối sống thanh cao. Đó là đặc tính của người An Nam. Họ quan tâm đến ruộng đồng, đến việc làng, nhưng không để ý đến nhà cửa. Đối với họ, chỉ là cái bếp và nơi trú chân khi không ra đồng; thế là đủ.
Đối với những người khá giả thì không giống thế. Nhà của họ xây bằng gạch, cột kèo bằng gỗ đắt giá, thường được chạm trổ nếu không mỹ lệ thì khá công phu, mái lợp ngói. Đồ đạc thì chu đáo hơn. Vách tường bằng ván gỗ cứng rắn nhiều loại khác nhau. Người ta thấy trong đó những ghế ngồi chạm trổ, mấy chiếc có cẩn xà cừ. Nhưng người ta nhận thấy trong cách lựa chọn và kê dọn đồ đạc luôn có vẻ gì quê mùa và vụng về cố hữu của dân xứ này.
Một số ngôi chợ được xây cất có vẻ vững vàng, nhưng chẳng bao lâu sẽ trở thành tàn tích, nếu không được chính quyền chăm sóc bảo trì.
Mỗi xã thôn có một ngôi nhà hội cho dân làng. Các vấn đề trong làng được giải quyết ở đây. Những ngôi nhà chung này cũng như bao kiến trúc khác đều bị khinh thường trong xây dựng cũng như bảo trì.
Chùa chiền thì khả quan hơn. Một số ngôi tọa lạc hẻo lánh trong đồng quê, dưới bóng đa rậm rạp, tạo thành một cảnh quan huyền nhiệm thân thương, không bị coi thường bỏ rơi là nhờ lòng hào phóng của con tin; còn nhìn thấy các ngôi chợ thật buồn lòng. Cảnh chợ tàn tạ giữa những vũng nước đen ngòm chất chứa mọi thứ rác rưới do chợ vứt bỏ. Đến nay mới có được chút ít quan tâm sửa chữa vấn đề này.
Một vài ngôi chùa bằng gạch ngói phần nhiều do sáng kiến của các bang người Hoa tạo dựng.
Nghi thức dân sự: sinh đẻ, hôn thú, mãn phần
Với người An Nam, vấn đề sinh đẻ không được ghi dấu bằng một nghi thức dân sự hay tôn giáo nào. Con trẻ sinh trong năm, sang Tết đầu tiên, được kể là hai tuổi. Đó là tính cách đặc biệt cần lưu ý để tính tuổi thực của người An Nam.
Quan thống đốc vừa ra nghị định ngày 21.7.1871 và bắt đầu thi hành ngày 1.1.1872 về vấn đề sinh đẻ và mãn phần. Theo nghị định đó, mỗi xã thôn giữ một quyển sổ ghi rõ ngày sinh và ngày tử của cư dân thuộc thẩm quyền, mỗi tháng phải trình sổ đó lên quan tham biện (tức tỉnh trưởng người Pháp) để ghi số cộng chung vào một sổ riêng. Tất cả vi phạm nghị định này sẽ bị trừng phạt nặng nề. Do đó, có thể phỏng đoán nghị định trên đây được tuân thủ chắc chắn. Tuy nhiên, phải để 15 năm sau, mới biết định chế này có được thực hiện hay không.
Hết tuổi thiếu niên, đối với nhà nghèo là đi chăn trâu bò, đối với nhà khá giả là theo học ở trường (mà chúng tôi sẽ nói sau), sẽ đến tuổi lập gia đình khá sớm kèm theo những nghi thức liệt kê nhanh chóng sau đây. Tuy nhiên không một nghi thức nào thật quan trọng.
Năm nghi thức đó là :
Lễ đi chơi tức nghi thức đi dạo và lựa chọn ý trung nhân, song chưa có gì là cam kết, mới để xem mặt thôi.
Lễ đi hỏi tức nghi thức xin sự chấp thuận của cha mẹ cô dâu tương lai.
Lễ bỏ trầu cau tức nghi thức cùng ăn trầu với cô gái.
Lễ chịu lời tức nghi thức nhận lời định ngày cưới.
Lễ cưới tức nghi thức hôn nhân.
Thời gian giữa hai nghi thức cuối cùng có tục lệ người con rể tương lai đến ở nhà bố mẹ cô gái để chứng kiến tận mắt những vụ việc của gia đình, như thế gọi là làm rể.
Riêng giới quan chức tuân thủ hết mọi nghi thức kể trên và những người giầu có thường đòi buộc những nghi thức đó một cách nhưng không. Còn bình dân thường, người ta có thể bỏ một vài hoặc tất cả mọi nghi thức.
Do đó, thống đốc ký nghị quyết ngày 1.12.1876 quy định việc chứng kiến hợp pháp lễ kết hôn giữa người bản xứ và người Á châu, thế là nghị định này hoàn chỉnh quy pháp năm 1871 về tình trạng dân sự cho người bản xứ. Vì nghị định này bảo tồn tất cả luật lệ hiện hữu trong xứ, nên cũng đảm bảo việc đăng ký giống như sinh và tử.
Các cuộc hôn nhân cùng huyết thống giữa thành viên họ nội đều bị luật lệ An Nam nghiêm cấm, nhưng với người họ ngoại thì được miễn thứ. Như vậy người ta thấy là các cuộc hôn nhân cùng máu mủ, bên Tây phương, không có mục đích bảo toàn giống nòi bằng cách hỗn hợp các dòng tộc : đó chỉ là một tục lệ mà thôi. Tang chế là một lý do cấm cản hay đúng hơn là một lý do trì hoãn. Trong các gia đình giàu có hay quan chức, có những lễ hôn nhân đình hoãn đến năm hay sáu năm, chỉ vì tang chế.
Ở An Nam không có giao ước tài sản riêng giữa vợ chồng, ngoài trừ phần di sản của cộng đồng gia tộc chia cho người phối ngẫu trước ngày hôn phối. Hầu như người dân bà được quản lý tài sản riêng tư, song tùy theo phong tục được bàn bạc và đổi thay của mỗi tỉnh.
Luật pháp minh định về quyền thừa kế. Con cái đều được chia tài sản như nhau, con vợ cả hay con vợ lẽ cũng như con nuôi đều bình quyền. Ít khi thấy có vụ tranh chấp về tài sản thừa kế xảy ra.
Tất nhiên, những người giàu có làm di chúc thay đổi tùy thời kỳ, nhưng bản giao ước sau cùng bao giờ cũng được thân quyến tuân thủ nghiêm túc. Việc phân chia được thực hiện do hội đồng gia tộc hoặc vị bổn tộc; khi chia có tranh chấp xảy ra, thì bổn tộc đưa ra tòa án xét xử. Tài sản phải để nguyên vẹn trong thời gian để tang, và rất lâu về sau của những đại gia không muốn nhanh chóng tan rã.
Quan Trần Hội Đức ở Nam Kỳ nói hồi 1810 : “Nghi thức tang lễ tiến hành theo Trung Hoa. Người ta sử dụng nhiều âm nhạc. Khi trong gia đình có người quá cố, họ mời nhà sư Phật tới làm chay và tụng kinh”. Từ những phong tục đó, chỉ còn tồn tại âm nhạc lễ tang. Xưa có nhiều nhà sư tới, nay không còn nữa, kể cả trong các lễ kỵ giỗ ! Tuy nhiên, người An Nam theo rất nhiều mê tín, mà chính họ chẳng hiểu gì. Họ đốt vàng mã, đốt pháo, v.v… để xua đuổi tà ma, họ nói thế.
Âm nhạc giữ vai trò quan trọng và một bản tiệc sang trọng dọn ra để mời người quá cố hưởng thụ, sau đó các khách mời đều vào dự tiệc.
Thân xác người qua đời đặt trong áo quan đậy kín được bầy trong nhà vài ngày, sau đó được xã thôn rước đi bằng một chiếc kiệu sơn son thếp vàng rất nặng nề 40 người mới khiêng nổi. Tất cả các nghi thức ấy rất tốn kém, vì thế người gia trưởng thường ghi trong bản văn thừa kế một phần tài sản để trả cho phí khoản đó. Thường là một phần ruộng đất trong di sản để cho người con trưởng. Người này không được quyền sở hữu, mà chỉ được lấy lợi tức để chi tiêu cho việc kỵ giỗ và lễ lạc khác dưới sự kiểm soát của hội đồng gia tộc. Di sản này nằm trên phần đem chia đều cho con cái gọi là hương hỏa. Di sản này không được sang nhượng, vì thế sau này nẩy sinh nhiều vụ kiện cáo.
Cha mẹ qua đời thì để tang 3 năm, cha mẹ đẻ hay cha mẹ nuôi cũng thế. Chịu tang là không được tiệc tùng ăn uống, không được cưới xin, không được hội hè cúng kỵ linh đình, và phải vận tang phục bằng vải thô trắng không viền mép. Tang phục ấy chỉ mang trong các nghi lễ, còn trong sinh hoạt bình thường thì mặc đồ thông dụng và một chiếc khăn trắng.
Hầu như người An Nam không có nghĩa trang thực thụ, mặc dầu ở một số xã thôn có dành riêng đất đai cho sự vụ này. Tuy vậy, người ta thấy mồ mả ở khắp nơi, trong đồng ruộng, ngoài vườn tược, cạnh đường đi. Thường tình, họ chôn cất người quá cố trong ruộng đất sở hữu riêng. Những người giàu có xây mộ phần ngay trong sân nhà và trang trí sang trọng, nhiều khi rất tốn kém.
Ngày đầu năm, các gia đình ra mộ phần người quá cố để sửa chữa và quét vôi trắng lên mộ phần, rồi tiến hành các lễ nghi.
Chúng ta chấm dứt phần tóm tắt phong tục tập quán này bằng nói đôi lời về hệ thống đo lường phải tuân thủ ở xứ Nam Kỳ. (Còn nữa)
Nguyễn Đình Đầu (dịch)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.