Thứ Sáu, 29 Tháng Giêng, 2016 14:20

Quà quê ra phố

Những thức quà ngon từ các làng nghề nổi tiếng ngày càng xuất hiện nhiều trong mâm cỗ Tết cũng như giỏ quà biếu của người dân phố thị. Có lẽ cũng bởi những món ngon từ quê vừa mang nét truyền thống lại an toàn, đảm bảo sức khỏe...

Sản vật quê lên mâm

Với quan niệm Tết là dịp đặc biệt để mời bạn bè đến nhà hay sum họp gia đình, các món ăn phải ngon, lạ, sạch nên vài năm trở lại đây, người thành phố có phong trào “săn” món ăn đặc sản vùng miền cho dịp Tết. Ban đầu là những món phổ biến như miến, gạo, giò chả, nem… từ các tỉnh lân cận. Tâm lý thích đặc sản quê ngày càng lan nhanh, vậy là đặc sản độc đáo của mỗi địa phương đến gần Tết lại hội tụ về thành phố, trong đó có cả những món ngon từ miền Trung, miền Bắc hay Tây Nguyên.

Cá kho làng Vũ Đại, một trong những món "hot" vào dịp Tết

Chị Minh Châu (quận 7, TP.HCM) chia sẻ : “Mấy năm nay, các món ăn vùng miền trở thành thực phẩm Tết chính của gia đình tôi. Cứ khoảng một tháng trước Tết là tôi đặt mua đủ thứ, từ măng le Tây nguyên, thịt bò khô Đà Nẵng, giò bê Nghệ An, tôm chua Huế đến mứt dừa Bến Tre… Sở dĩ như thế vì có nhiều món lạ, các thành viên trong gia đình, khách khứa đều cảm thấy hào hứng, thích thú với các bữa ăn ngày Tết hơn”. Sau những thông tin vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, mâm cỗ Tết càng có thêm sự góp mặt của nhiều thức quà từ quê hơn. Chị Trần Nhung (quận Thủ Đức, TPHCM) thừa nhận : “Đặc sản vùng miền bao giờ cũng ngon và chất lượng hơn hàng công nghiệp bán tràn lan. Không những vậy, cái tôi thích nhất là vấn đề an toàn thực phẩm nên dù có hơi mất công đặt hàng hay nhờ người mua dùm, hoặc thậm chí hơi đắt một chút mình cũng chịu”.

Tiếp khách đồ ngọt chỉ có mứt dừa Bến Tre, mứt gừng Huế, ô mai Hà Nội, món mặn là bánh chưng Thanh Khúc, giò chả Ước Lễ mua từ vài người quen, song gia đình chị Nhật Huệ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn cảm thấy hài lòng với việc chuẩn bị món ngon ngày Tết. “Nhà tôi chỉ mua ít món thôi nhưng món nào cũng phải số lượng nhiều vì cả khách lẫn gia đình ai cũng thấy ngon miệng. Nói gì thì nói, làng nghề nổi tiếng luôn có bí quyết riêng khiến món ăn nhìn thường mà không thường chút nào. Mà ngày Tết còn gì vui bằng ăn vừa thấy ngon vừa an tâm vì chất lượng, mà còn được nghe tiếng khen suýt xoa của khách”, chị Huệ chia sẻ. Quà quê được ưa chuộng còn bởi tâm lý thể hiện tình cảm yêu quý đối với khách đến nhà của người Việt, mong sao khách cảm thấy vui và được trọng đãi...

Tôm chua Huế

Không chỉ phục vụ gia đình, những loại quà đặc biệt này còn được  làm quà biếu Tết. Thay vì mua sắm giỏ quà với bánh, mứt kẹo và rượu nhập khẩu, anh Tấn Vinh (quận 3, TPHCM) lại tìm đến những món quê. Theo anh, năm nào giỏ quà Tết cũng chỉ có từng ấy món mà bánh kẹo thì nhiều. Thay vì tặng một giỏ quà, biếu những món đặc sản thơm ngon, lạ miệng sẽ khiến mọi người thích thú hơn. Giá có phần mềm hơn mà lại thiết thực. Vừa dành biếu người nhà, anh Vinh còn chọn những loại ngon, lạ cho sếp và đồng nghiệp. “Năm trước đi biếu Tết, tôi cũng đã mua bánh tét lá cẩm Cần Thơ, nem chua, giò chả Thanh Hóa và chả mực Hạ Long. Tính ra thì chả bằng bao nhiêu so với chai rượu ngoại hay giỏ quà đầy màu sắc của những người khác nhưng người nhận rất thích…”, anh nói. Thức quà quê vì vậy ngày càng trở nên “có giá” hơn, được lưu tâm hơn cả trước hằng hà các món ăn ngày Tết.

Thương hiệu quê lên ngôi

Những ngày cận Tết, giá cả mặt hàng này thường tăng cao và cũng khó khăn hơn trong chuyện đặt mua. Song, trước nhu cầu rất lớn của dân phố thị, những món ngon từ quê vẫn tấp nập được chuyển lên phố. Không mua được tận tay, không nhờ được người quê xách lên thì lại truyền tai nhau tìm đặt qua các địa chỉ chính gốc mà các làng nghề quảng bá. Như món cá kho cổ truyền làng Vũ Đại tỉnh Hà Nam là một trong những thứ được nhiều người tìm mua mỗi dịp Xuân về. Với cách kho cá đặc biệt theo phương pháp cổ truyền độc đáo, thơm ngon, cá kho bình dị đã trở thành “hot”. Chị Thu Trang (quận 10, TPHCM) năm nào cũng mua vài niêu cá. Chị cho biết sở dĩ dễ dàng mua món này mỗi dịp Tết là do nơi bán có một web riêng. Chính nhờ sự cập nhập, nâng cấp cách quảng bá mà món cá trắm đen kho được bạn bè, người quen chị Trang cũng đặt mua rất nhiều. Tiền phí vận chuyển có giá 200.000 đồng cho một niêu cá có trọng lượng 6 kg và giá cho một niêu như thế có khi lên đến 1,5 triệu đồng, nhưng theo chị là xứng đáng bởi : “Món cá kho có màu vàng sậm, thịt thơm ngon, rắn chắc, xương cá nhừ, không khô quá, cũng chẳng nát, vị đặc biệt rất đưa cơm. Khách lẫn gia đình đều thấy rất ngon...”. Chính chất lượng uy tín, ổn định giá cả và an tâm vì mua tận nguồn nên không chỉ món cá kho làng Vũ Đại mà nhiều đặc sản làng khác cũng nhận được đơn đặt hàng dày trong dịp Tết cổ truyền.

Kênh cung cấp hàng cũng rất đa dạng với nhiều sự lựa chọn, nhiều nhất là qua các cửa hàng thực phẩm đặc thù đang ngày càng xuất hiện nhiều. Chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TPHCM), những ngày cận Tết nhộn nhịp khách đến đặt phẩm vật miền Trung để ăn lẫn biếu tặng như tré, chả Hội An, chả bò Đà Nẵng, bánh đậu xanh thịt Huế, bánh tổ, cá bống sông Trà… Đặc sản miền Bắc thì tấp nập người mua bán tại các cửa hàng trên đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TPHCM)... Ngoài ra, các món ăn vùng cao như thịt trâu gác bếp, thịt lợn mán, măng khô Tuyên Quang, trà Thái Nguyên, nước mắm cao đạm Phú Quốc, nem chua nướng Thanh Hóa, hạt dẻ rừng Sa Pa, giò Ước Lễ, tôm chua Huế… đều có thể mua được qua hệ thống phân phối riêng trên Internet.

Kim Minh

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm