Thứ Tư, 27 Tháng Năm, 2015 10:35

Sáng tác tranh từ những cánh bướm

Đến Giáo xứ Tân Bùi (Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng), hỏi chị Vũ Thị Nguyệt Ánh, chúng tôi được dẫn đến cơ sở Ánh Kim – chuyên làm tranh nghệ thuật từ những cánh bướm. Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng chị Nguyệt Ánh đã không ngừng vươn lên, làm đẹp cho đời bằng những tác phẩm đậm đà sáng tạo...

Ai đã từng được xem những bức tranh về tôn giáo, con người, phong cảnh, đời sống... được ghép từ vô số cánh bướm tại đây, chắc chắn sẽ không khỏi cảm phục bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo của người phụ nữ tưởng chừng yếu đuối mà lại rất mạnh mẽ này. Chị kể, năm 1998, khi theo học lớp trung cấp Nông Lâm tại Trường trung học Kỹ thuật và Dạy nghề Bảo Lộc, do đôi chân bị tật nên thường men theo hàng rào, say mê tìm những cánh bướm muôn màu muôn vẻ. Dần dần, Nguyệt Ánh tìm ra quy luật sinh tồn của bướm, như xuất hiện khi nào, màu nào trên cánh bướm thắm nhất, loài hoa nào “lôi kéo” bướm... Rồi chị tự hỏi làm cách nào giữ lại những đôi cánh đẹp kia vì vòng đời của bướm chỉ có vài chục ngày... Ý nghĩ này cứ thôi thúc chị.

Chị Nguyệt Ánh bên một số tác phẩm của mình.

Năm 2000 ra trường, Nguyệt Ánh về nhà bắt bướm làm... tranh. Chị tự học cách xử lý để giữ màu cánh bướm sao cho không bị hư, rồi cách dán từng cánh bướm theo từng mảng màu, chủ đề... đến cách chăm nuôi nhân giống các loài bướm... Cứ thế mỗi ngày, chính sự tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo đã đem đến thành công cho cô gái trẻ. Đến nay đã 15 năm, hàng ngàn bức tranh bằng những cánh bướm đã ra đời từ đôi tay khéo léo của chị Nguyệt Ánh. Các tác phẩm này không những phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của nhiều người trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Có tận mắt nhìn mới thấy làm ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh không đơn giản chút nào, đòi hỏi rất nhiều công phu và lòng yêu nghề của người nghệ nhân. Điều khiến người xem “phục lăn” là ngoài vốn liếng “ướp xác” thời học ở lớp trung cấp, Nguyệt Ánh bằng con mắt của người họa sĩ bẩm sinh đã tạo nên những bức tranh có hồn. Ông Vũ Đình Diệm, cha của chị Ánh cho biết: “Bây giờ cả nhà đều làm tranh bướm. Khi có đơn đặt hàng thì bố mẹ, hai chị em gái và  em trai cùng làm nhưng riêng phần tranh chân dung chỉ có Ánh mới thực hiện được”. Tình yêu nghệ thuật và những cánh bướm đã biến căn nhà của gia đình chị Ánh thành nơi nuôi hàng ngàn con bướm và cũng là xưởng tranh. Không ít khách khi ngắm những bức tiêu bản bướm đã trầm trồ ghi lại cảm tưởng của mình. Theo họ, “đây quả là một kho tàng vì nó phục vụ cho người yêu thích khám phá thế giới tự nhiên sống động của loài bướm...”.

Tác phẩm phố cổ làm từ những cánh bướm

Nguyệt Ánh chia sẻ, trong quá trình làm tranh bướm, chị đều tự tìm tòi, nghiên cứu sách và tra cứu Internet để nhận diện chính xác đặc điểm, tên để gọi đúng từng loại bướm theo hình ảnh và màu sắc riêng. Được biết, từ năm 2007 đến nay, mỗi dịp có hội hoa Xuân tại công viên Tao Đàn (TPHCM), ban tổ chức đều mời Nguyệt Ánh triển lãm dòng tranh bướm cùng cách nuôi bướm. Qua đây, khách du Xuân lại có cơ hội hiểu biết thêm về thế giới của loài sinh vật này cũng như được chiêm ngắm những bức tranh tạo từ những cánh bướm muôn màu. 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác