Nâng cấp thú vui đạp xe
Dù không còn là lựa chọn hàng đầu của người Việt trong các phương tiện di chuyển, song để không bị lãng quên, xe đạp dần cải tiến mình để tồn tại trong thế giới công nghệ hiện nay. Không khó để nhận ra xu hướng rèn luyện thể dục bằng xe đạp đang ngày một lan rộng với đủ mọi sự đầu tư từ đơn giản cho đến công phu của các dân chơi xe đạp.
Môn đạp xe đạp thể thao không kén đối tượng, bất kỳ đàn ông, phụ nữ, thanh niên, người lớn tuổi đều có thể tham gia như một cách tập thể dục mỗi ngày. Từ tờ mờ sáng, dưới cái se lạnh của sương sớm chưa tan, trên một số tuyến đường thành phố, có những người mải miết đạp xe bon bon. Không chỉ riêng lẻ, có nhóm quy tụ thành đoàn, chiếm số đông trong đó là lứa tuổi trung niên, cũng có một số cụ đã hơn 70; những nhóm thanh niên còn lập hội, rủ nhau đi “phượt”... Anh Vũ Thắng - thành viên hội xe đạp Vòng Vòng Sài Gòn, cho biết: “Hiện nay phong trào đạp xe đạp thể thao ở thành phố phát triển khá mạnh. Hội chúng tôi sinh hoạt định kỳ mỗi tuần, vào ngày chủ nhật đều diễn ra những tour đạp giao lưu gần, xa... Ai thích cũng có thể tham gia”.
![]() |
Thị trường xe đạp cực kỳ đa đạng từ mẫu mã cho đến thương hiệu. Tùy theo nhu cầu, điều kiện kinh tế mà mỗi người có thể sắm cho mình chiếc xe đạp ưng ý với giá khoảng vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nếu chơi xe đạp lâu năm, ngoài chuyện sưu tập xe, các tay chơi xe còn trở thành chuyên gia, tự mua phụ tùng hoặc đặt những người chơi ráp chiếc xe phù hợp với khả năng cũng như sở thích của mình. Các loại xe ưa dùng là sport bike (xe cuộc), dòng này vẫn chiếm ưu thế về số lượng người chọn để tập luyện, bởi phù hợp với đường trường, nhẹ, bánh nhỏ, hạn chế ma sát mặt đường nên dễ đạt tốc độ cao. Thứ hai là dòng mountain bike (xe địa hình) có tay lái ngang, bánh to có gai phù hợp với những ai thích chinh phục những cung đường xấu, đất đá, dốc đồi, đi vào rừng thì chọn dòng xe này. Touring bike là dòng xe có ráp thêm nhiều phụ kiện, yên, giỏ túi xách... Dòng xe này thì dành cho những ai thích đi “phượt”, chinh phục những cung đường xa mang theo nhiều dụng cụ sinh hoạt.
Gần đây, một loại xe đạp trở thành thú chơi mới của giới trẻ Việt Nam, đó là xe đạp không phanh (fixed gear). Fixed Gear xuất phát từ bộ môn đua xe đạp lòng chảo. Đặc điểm nổi trội của dòng xe này là độ bền cao và rất nhẹ, đặt cả xe lên bàn cân cũng chỉ nặng từ 8-10 kg. Xe không có những bộ phận trợ lực, hay thắng nên bắt buộc người đạp phải điều khiển và kiểm soát tốc độ hoàn toàn bằng sức của đôi chân. Do đó để có thể đi được thuần thục và thể hiện những kỹ thuật khó, đòi hỏi người chơi phải có quá trình tập luyện nghiêm túc.
Cộng đồng chơi Fixed Gear hiện nay đang lan rộng và nổi trội nhất là ở TP.HCM và Hà Nội. “Fixed Gear hấp dẫn bởi đây không phải là thú chơi bình thường mà còn là niềm đam mê, sáng tạo, mạo hiểm. Có người không mua hẳn một chiếc xe mà mua nơi này chiếc ghi-đông, nơi kia bộ khung, chỗ khác hai cái bánh về lắp ráp lại với nhau, thậm chí vẽ, sơn những màu sắc sặc sỡ. Đây là điểm mà các dòng xe khác không thể làm được”. Anh Lê Văn Luận, Chủ nhiệm CLB Fixed Gear Sài Gòn chia sẻ về niềm đam mê của mình.
Khám phá thiên nhiên với xe đạp
Du lịch khám phá tìm hiểu thiên nhiên bằng xe đạp leo núi cũng là một loại hình thể thao đang được giới trẻ Sài Gòn yêu thích. Các nhà cung cấp dịch vụ hầu hết đều là những chuyên gia người nước ngoài hoặc những huấn luyện viên đạp xe địa hình chuyên nghiệp đến từ các công ty tổ chức tour du lịch mạo hiểm. Hiện nay môn thể thao này đã mở rộng quy mô hơn, cho phép những thành viên là những người không phải dân chuyên chơi môn thể thao đạp xe địa hình leo núi tham gia.
Các hoạt động đạp xe thám hiểm thường được diễn ra tại những khu vực rừng quốc gia cách TP.HCM không xa. Chị Phạm Thị Minh Tú (Quận 2, TP.HCM) cho biết, trước khi kết thúc năm học, chị cùng một số phụ huynh đã lên kế hoạch cho con được du lịch trải nghiệm trong rừng Mã Đà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Đây được xem là một trong những tour nổi bật nhất được nhiều người đăng ký tham gia. “Đạp xe trong rừng với thời tiết thất thường, băng qua những con đường có địa hình phức tạp. Đặc biệt, một chương trình sơ cấp cứu được thiết kế học ngay trong rừng khiến trẻ rất thích thú. Đây là cơ hội cho các gia đình có khoảng thời gian bổ ích cho các con chinh phục các thử thách kết hợp với nhiều bài học thể chất lẫn tinh thần”, chị Tú nói.
|
Là một môn thể thao được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, môn chơi này cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của giới trẻ vài năm trở lại đây. Được đánh giá là có mức độ khó và mạo hiểm, hành trình của môn chơi xe đạp leo núi địa hình là phải luôn gắn với những con đường trơn, đường núi, nhiều đèo dốc, sông suối, bùn lầy. Càng nhiều chướng ngại vật hiểm trở khó khăn càng làm cho người đạp xe phấn khích và mong muốn chinh phục. Nguyễn Minh Nhật, một sinh viên tham gia khóa trải nghiệm này, cho biết: “Mạo hiểm nhưng không quá nguy hiểm, mệt mỏi nhưng tràn đầy nhiệt huyết và quan trọng hơn hết là các thành viên tham gia đoàn kết với nhau hơn khi cùng đạp xe trong rừng, biết được nhiều điều mới mẻ qua những trải nghiệm tuyệt vời với thiên nhiên. Cảm giác này tôi chưa bao giờ có trong những chuyến đi du lịch trước đây”.
Phong trào luyện tập xe đạp thể thao còn giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn thông qua nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Thời gian qua, các câu lạc bộ đều cử thành viên tham gia các giải nghiệp dư mở rộng trong thành phố và liên tỉnh. Đồng thời còn kết hợp các hoạt động xã hội từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Xe đạp, ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, giờ cũng được nhiều người chọn là phương tiện đi lại, vừa nhàn hạ, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Không giống hình ảnh chiếc xe đạp cũ kỹ thời xưa, giờ xe đạp với một hình ảnh tươi mới, hiện đại, đang làm cho đô thị trở nên văn minh và thân thiện hơn. Qua vòng lăn của bánh xe, dường như cuộc sống trở nên yên bình hơn.
XUÂN TRƯỜNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.