1. Đến hẹn lại lên, cứ đầu hè, lễ hội trái cây Nam bộ lại được tổ chức ở Suối Tiên (quận 9 – TPHCM) với gần cả trăm gian hàng gồm nhiều chủng loại trái cây, kèm theo những hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú. Lễ hội năm nào cũng vui tươi, kéo dài suốt những tháng hè, là dịp để các bậc phụ huynh có thêm một địa chỉ dẫn con trẻ đi chơi, tham quan các đặc sản nhà vườn... Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của một hoạt động mang tính lễ hội, trở về thực tế trong đời sống hằng ngày, người trồng cây ăn trái và người có thói quen thưởng thức trái cây đều canh cánh một nỗi lo.
Trưng bày nhằm tôn vinh trái cây Việt tạo sự phát triển lâu dài và bền vững |
Các bà nội trợ vẫn đặt những câu hỏi quen thuộc khi đi mua trái cây: “Trái này có xịt thuốc không?” hoặc “Nghe nói sầu riêng, mít..., người ta ngâm, chích thuốc để mau chín...”. Nỗi lo khiến người tiêu dùng thà ăn táo Mỹ, nho Mỹ...chứ không thích mua trái cây trong nước. Điều này là nỗi thiệt thòi cho người nông dân Việt. Chưa hết, những người trồng trái cây còn chịu đựng một điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Cứ có một thứ trái cây nào thu hoạch rộ, được mùa là y như rằng giá bán của nó nhiều khi không đủ vốn, thậm chí người ta đổ bỏ hoặc cho heo ăn. Vừa rồi dưa hấu “tình thương mến thương” được học sinh, sinh viên “ra quân” tình nguyện bán để giúp bà con nông dân vùng lũ ở miền Trung, cũng phần nào cho thấy nỗi niềm của trái cây Việt.
Và như thế, người ta lại ao ước phải chi những người làm xuất khẩu có thể tìm kiếm thị trường trái cây cho nông dân Việt Nam!Nhớ hồi nhỏ, tôi cứ nghe câu “Bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, chôm chôm Lái Thiêu...”. Đó là những “thương hiệu” thị thường trong nước. Cũng là đất nước nhiệt đới có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu như Việt Nam, tại sao Thái Lan đã tạo cho mình một thương hiệu quốc gia trong thị trường quốc tế với sầu riêng, xoài, mít, me... Người sành ăn trái cây đều cùng nhận xét sầu riêng Thái thịt dày, hột lép đó nhưng không ngọt và thơm bằng sầu riêng Chín Hóa, xoài Thái to nhưng lại không ngọt bằng xoài cát Hòa Lộc... Tại sao trái cây Việt không thể tạo cho mình một thương hiệu, một thị trường cho sản phẩm “nhỏ nhưng có võ”?
Muốn như vậy, không chỉ người nông dân cần phải quyết tâm mà cả những cơ quan chức năng ngành nông nghiệp hãy giúp người nông dân phương pháp dưỡng quả một cách tự nhiên khoa học, không cần đến các loại phân độc hại, những loại thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích trái phát triển hoặc mau chín. Điều này trước tiên tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước, kế đến trái cây sẽ được xuất sang các nước khác với một thương hiệu uy tín.
2. Sang Thái Lan, tôi từng ấn tượng nhất khi được ăn buffet trái cây. Du khách được chở đến một nhà vườn và được “khai vị trái cây” bằng một ly cam vắt hay một ca nước dừa tươi. Nghỉ ngơi, tham quan vườn một chút, khách sẽ được xe hơi điện đưa vào sâu trong vườn và một bữa tiệc trái cây với các dãy bàn bày đủ loại trái cây nhiệt đời từ chuối đến chôm chôm, dâu, măng cụt.... Có lẽ có mùi đặc trưng hợp với người này nhưng kỵ với người kia nên các bàn sầu riêng được đặt xa một chút. Ai muốn ăn trái sầu riêng nào cứ chỉ, người bán chẻ ngay một cách vui vẻ.
Thị trường trái cây tại Việt Nam cũng phong phú đâu kém Thái Lan, còn mạnh hơn với những trái cây chịu lạnh như trái vải ngoài Bắc, chịu hạn như thanh long vùng Nam Trung bộ... Vậy mà việc đưa trái cây vào thị trường du lịch phục vụ khách trong và ngoài nước, lại chưa được xem là thế mạnh. Phải chăng vì thiếu một “đầu tàu” nên các nhà vườn làm du lịch kiểu tự phát. Trong khi khách du lịch đến Malaysia, được vào vườn trái cây ăn miễn phí thì một số nhà vườn ở Việt Nam, như ở Lái Thiêu chẳng hạn, vào vườn thăm thú, khách “được” mua chôm chôm với giá gấp 3 – 4 lần các khu chợ ở Sài Gòn. Làm du lịch kiểu đó, khách sẽ “một đi không trở lại”!
Nhiều lần du lịch sinh thái tại các tỉnh miền Tây, vào vườn ăn trái cây, nghe nhạc tài tử Nam bộ, tôi để ý khách nghe vài bài như chiếu lệ, miễn cưỡng. Điều đáng nói là “mang tiếng” ăn trái cây nhưng du khách được “phục vụ” một dĩa, có khi hai dĩa nhỏ mỗi bàn gồm mấy miếng ổi, mận, củ sắn... khiến người từng đi Thái ăn buffet trái cây phải ngượng nghịu...
Vì thế, làm sao phải nghĩ đến chuyện dài lâu hơn cho trái cây Việt để các nhà vườn phát triển ổn định, dài lâu, người tiêu dùng cũng an tâm hơn... Làm sao để không chỉ vinh danh trái cây Việt gói gọn trong những ngày lễ hội hằng năm mà thực sự tạo được một “thương hiệu” để người Việt nào cũng có thể tự hào, không thẹn khi giới thiệu những sản vật nhà vườn với bạn bè thế giới!
SƠN HẠ
Bình luận