Thứ Năm, 04 Tháng Sáu, 2015 15:29

Uống rượu quê ngày Tết

Người Việt ta có cái quốc hồn quốc túy được sử dụng trong ngày Tết là rượu. Ngoài bánh chưng, hành muối, gạo nếp, gà quêthì rượu như là một phần không thể thiếu được với mỗi gia đình dịp Tết cổ truyền. Chẳng hiểu từ bao giờ, trên mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết, kể cả những ngày giỗ chạp trong năm, người ta thấy có rượu trắng trong đồ cúng. Có lẽ với tổ tiên ta, rượu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thuở xưa của các cụ, nên con cháu có nhớ tới cội nguồn thì cũng dâng rượu cúng tới các cụ như một tri ân thành kính.

Từ bao đời, ở vùng Bắc Bộ, trước Tết vài tháng, nhiều gia đình đã chọn gạo nếp, loại nếp cái hoa vàng, giống thuần chủng để nấu rượu. Cái thứ nước cất từ hỗn hợp của loại gạo này ủ với men ta tạo ra một loại đồ uống thơm lừng mùi của men, của lúa, của tinh hoa ngũ cốc từ đồng ruộng. Loại này uống rất vào, nhưng say mềm lúc nào chẳng hay. Dân công chức thành phố, có rất nhiều người gốc ở quê, nên dù đã định cư ở đô thị lâu năm, tuy quen với mấy loại rượu ngoại nhưng mỗi dịp Tết đến vẫn muốn cái vị thơm từ rượu nếp cấy tại ruộng trũng quê nhà. Họ thường đặt anh em họ hàng dưới quê những mẻ rượu ngon để dùng vào dịp Tết. Ký ức quê là vậy đấy! Nó bẵng đi bởi cuộc sống thường nhật hối hả, nhưng trỗi dậy mạnh mẽ mỗi dịp Xuân về.

Khạp rượu nếp đã lên mẻ

Rượu Tết chẳng phải để uống một mình. Nó được đóng chai, nút lá chuối khô theo phương cách cổ truyền, đợi ngày tụ họp gia đình, mở nút, thơm lừng, vậy là anh em xa gần cùng tề tựu về nhà bác trưởng họ hay ông bà cùng thưởng thức và bàn luận. Rượu quê được dùng nhắm với các thực phẩm cũng rất quê như: mẻ Cá Trôi cất ở ao nấu rau cần, hay cỗ lòng của con lợn béo mà gia chủ nuôi bằng dây khoai lang để giết thịt. Mùi thơm của rượu, cùng các thứ gia vị như rau húng, rau mùi, hành, giò, chả trong mâm cơm được ám khói củi rạ tạo ra một hương vị rất đặc trưng, đó là mùi Tết- cái mùi mà có lẽ nhiều người xa quê lâu lâu mới được cảm nhận lại. Tất cả tạo ra một bầu không khí đầm ấm, vui vẻ vừa mang tính gia đình, dòng họ nhưng cũng đậm tính phong tục của người Việt.

Công đoạn nấu rượu

Vì là vui như Tết nên rượu Tết cũng chảy vào lòng người không giới hạn. Rượu vào lời ra, tiếng cười tiếng nói rôm rả, dáng đi liêu xiêu như muốn đổ ngã khiến mọi người mệt khi tỉnh. Say rượu quê thật túy lúy, lâng lâng, bay bổng, tuy mệt mà thấy vui. Cái dư vị của rượu Tết như khắc sâu trong ký ức nhiều người sau mỗi dịp Tết họ lại phải xa quê, xa xứ để làm ăn, kiếm sống. Bởi vậy ngày Xuân, nhiều người lại muốn trở lại cảm giác nghiêng ngả đã đọng lại trong họ từ Tết xưa, Tết trước. Họ nhớ chén rượu quê ngày Tết chẳng phải vì thèm rượu, mà quan trọng nó gợi lại ký ức, đôi khi là bóng hình tuổi thơ, là người thân, là anh em, gia đình, bè bạn...

Việc dùng chén rượu Tết tại bữa cơm quê đã là một giá trị văn hóa khắc ghi trong lòng nhiều người. Rượu như là một chất men kết dính, kích hoạt không khí vui vẻ của đại gia đình. Nhiều người đi nước ngoài về ăn Tết ở Việt Nam nói chẳng đâu uống rượu vui và rẻ như tại quê hương mình. Dù vậy, cũng không nên quá lạm dụng. Tửu nhập ngôn xuất. Loạn ngôn, lệch chuẩn rất dễ gây hiểu lầm. Chén chú chén anh, nâng lên đặt xuống liên tục có khi sẽ gây họa cho sức khỏe vào đúng lúc cả nhà vui vầy, sum họp.

Ngô Quốc Đông

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem nhiều nhất