Chính quyền Pháp ở Sài Gòn cử Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn phục vụ sứ thần Phan Thanh Giản đi Pháp và Tây Ban Nha với ý đồ xin chuộc lại 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường và Côn Đảo. Cuộc công du kéo dài 6 tháng từ tháng 9.1863 đến tháng 2.1864. Trương Vĩnh Ký tỏ ra rất đắc lực, đi đến xứ nào nói được tiếng nước ấy. Giữa năm 1864, Trương Vĩnh Ký được cử làm giám đốc trường Thông Ngôn (Collèges des Interprètes).
Năm 1866, Trương Vĩnh Ký cho xuất bản 2 cuốn sách: 1/ Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích. 2/ Abrégé de grammaire annamite (Tóm lược ngữ pháp An Nam).
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt Chuyện đời xưa… với ý sách và 2 chuyện đầu số chuyện cuối số 74 của sách ấn hành thứ 3 năm 1883.
Ý Sách Chuyện đời xưa
Kêu rằng: Chuyện đời xưa, vì nó là những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn nết ở cho tử tế.
Ta cũng có thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý vị, vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh xa.
Góp nhóp trộn trạo chuyện kia chuyện nọ in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen.
Nay ta in sách nầy lại nữa: vì đã hết đi, cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng thì lấy làm có ích. Vì trong ấy, cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng: có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm.
P.J.- B. TRƯƠNG-VĨNH-KÝ
1. CON CHỒN VỚI CON CỌP
Ngày kia con chồn đi kiếm ăn trong rừng, mắc hơ hỏng1vô ý sẩy chân sụp xuống dưới hầm; chẳng biết làm sao mà lên cho được. Hết sức tính nữa. Than vắn thở dài, không bề tấn thối, như cá mắc lờ. Tưởng đã xong đời đi rồi. May đâu nghe đi thịch thịch trên đất, mới lo mưu định kế, rồi lên tiếng hỏi rằng: Ai đi đó? Chẳng ngờ là con cọp, thì làm bộ mừng rỡ, mới hỏi: Chớ anh đi đâu? Anh cọp nói: - Tôi đi dạo kiếm chác ăn; mà anh xuống mà làm chi đó vậy? Thì anh chồn ta lại trở cách, mà nói rằng: - Ủa! Vậy anh không có nghe đồn gì sao? Người ta đồn đến mai nầy trời sập.
- Cơ khổ thôi? Nhưng tôi không hay một điều? Mà có thật như vậy, hay là người ta đồn huyễn vậy anh? - Ấy, không thật làm sao? Bởi thật tôi mới xuống đây mà núp, kẻo đến nữa, mà chạy không kịp, trời đè giập xương chết đi uổng mạng; mà anh, chẳng qua là nghĩ tình cũ ngãi xưa, tôi mới nói; chớ như không, thì ai lo phận nấy, tôi có nói làm chi. - Thôi, vậy thì xin anh cho tôi xuống đó với anh cho có bạn. - Ừ, mặc ý xuống thì xuống.
Anh cọp mới nhảy xuống, chuyện vãn một hồi, rồi anh chồn mới theo chọc lét anh cọp hoài. Cọp la không đặng. Chồn lẽo đẽo theo khuấy luôn. Con cọp nổi giận mới hăm: Chọc, tôi xách cẳng, tôi ném lên cho trời sập đè giẹp ruột đi giờ. Anh chồn cũng không nao; càng ngăm2, lại càng chọc hoài. Anh cọp hết sức nhịn, mới dồi quách anh chồn lên: Rắn mắt, nói không đặng, lên trển trời đè cho bỏ ghét. Anh chồn mừng quá bội mừng, thấy mình gạt được anh cọp mắc mớp. Mới chạy kêu người ta tới đâm cọp sa hầm.
Nhà mồ Trương Vĩnh Ký tại đường Trần Hưng Đạo, TP HCM |
Thường kẻ xấu lâm nạn, thì lo phương gỡ mình dầu phải làm mưu cho kẻ khác mắc vòng lao lý cực khổ; miễn là cho mình khỏi thì thôi. Lại đôi khi cũng kiếm thế mà làm hại nó nữa.
74. LÀM ƠN MẮC OÁN
Ngày kia, con beo buồn bắt khỉ võng đi dạo sơn thủy chơi, thình lình nghe tiếng chó sói đi săn. Khỉ, cái nghiệp nó nghe dớn dác, nghe động thất rừng kinh, quăng võng, leo lên cây ngồi hết. Còn con beo cong lưng chạy miết dài. Chó sói cứ rượt mãi.
Con beo túng nước sợ có khi nó bắt được; may đâu gặp một ông già, theo lạy lục xin ông già cứu; ông già không biết làm làm sao, mới mở cái đãy, ổng biểu nó chun vô, rồi thắt lại vác trên vai mà đi. Chó sói chạy tới thấy đâu mất đi, mới hỏi thăm ông già. Ông già nói không có thấy. Chó sói bỏ về.
Ông già đi được một đỗi xa xa, rồi mở miệng đãy thả con beo ra. Con beo phần thì mệt, phần thì đói bụng quá chừng nó đòi ăn thịt ông già đi. Ông già: Tao làm ơn cứu mầy cho khỏi miệng chó sói, mà mầy đòi ăn thịt sao? Con beo nói: Cứu gì, ông bỏ tôi vô đãy ngộp, thiếu một chút nữa chết còn gì? Bây giờ đói bụng quá, phải ăn mới xong. Ông già nói: Thôi thì đi hỏi chứng cớ cho hẳn hỏi rồi sẽ ăn.
Vậy tới chùm cây cao lớn, dắt nhau lại hỏi, thì cây nói: Người ta là giống bất nhơn, ăn nó đi để làm chi? Mấy tôi hằng giúp nó làm nên lương đóng cửa nhà, mà nó còn lấy búa, lấy rìu nó chặt, chém chúng tôi hoài. Ơn ngãi gì mà đề? Ăn nó đi. Con beo nói: Đó, còn từ chối gì nữa? Nó xốc lại nó đòi ăn.
Bìa sách Chuyện đời xưa |
Ông già lại nói: Cây cối biết gì? Nói vậy chưa đủ tin. Dắt nhau đi tới nữa; gặp một bầy trâu già. Con beo lại hỏi có nên ăn đi hay không? Thì trâu nói: Chúng tôi làm đầy tớ nó già đời, cày bừa, làm ruộng cho có lúa gạo cho nó ăn cho no, đến khi chúng tôi chết rồi, nó còn phân thây, xẻ thịt, cái xương thì làm vạch, da thì bịt trống, đóng giầy, đóng dép, cứt thì làm phân, không có biết công ơn chúng tôi chút nào, huống gì anh? Ăn nó đi là đáng lắm.
Con beo đòi ăn. Ông già nói: Lục súc vô đồ cũng chưa có chắc. Lời tục ngữ có nói rằng: Sự bất quá tam. Xin mầy để tao hỏi một lần nữa, rồi mầy hãy ăn tao cho đáng số tao.
Dắt nhau đi nữa, một đỗi đàng khá xa mới gặp một người con trai đi đường, đứng dừng lại hỏi: Thì người biểu nói gốc tích lại ban đầu cho nó nghe. Nghe biết rồi, mới nói: Nào con beo hồi đầu mầy thâu hình lại, mà chun vô đãy ông già làm sao, thì làm lại coi thử, rồi hãy ăn thịt ông già.
Con beo chun vô rồi, thì nó thắt miệng đãy lại, vô bẻ cây đập con beo chết đi, và đánh và dặn: Mầy vô ơn bạc ngãi với kẻ làm ơn cứu mầy, tội mầy đập chết đi, thì đáng lắm.
Lấy đó mà xét: Ở đời biết là mấy người bạc tình, đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm? Chẳng những là bội ơn mà thôi, mà lại dĩ ơn báo oán nữa. Mấy người làm vậy bụng dạ giày vò, chẳng người thì trời cũng hại nó đi có thuở. Hễ làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ, chẳng chầy thì kíp, chạy đường trời không khỏi. Làm ơn mắc oán sự thường. Nhưng vậy ơn cũng chẳng mất đi đâu, làm sao cũng sẽ trả, chẳng người nầy thì người khác, chẳng thế này thì thế khác. Nên ai nấy cứ làm lành thì sẽ gặp lành mà chớ.
__________
1Lơ đễnh
2Đe, dọa
Nguyễn Đình Đầu
Bình luận