Thứ Bảy, 05 Tháng Ba, 2016 08:01

Thức tỉnh khỏi giấc mộng dài

SONG MINH

“Khi ta mơ quá lâu” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Goh Poh Seng đã được in từ năm 1972, tuy nhiên cho đến nay, những vấn đề mà cuốn sách đề cập tới vẫn thời sự, thu hút. Đây cũng là tác phẩm được coi là tiểu thuyết đầu tiên của văn chương Singapore.

“Khi ta mơ quá lâu” là tác phẩm kinh điển của văn chương Singapore và trở thành quyển sách gối đầu giường của không ít thanh thiếu niên châu Á từ nhiều năm nay. Tác phẩm miêu tả hết sức đơn giản về cuộc sống, kinh tế, chính trị tại Singapore thông qua góc nhìn của nhân vật Kwang Meng với bối cảnh thực tế những năm 1960 tại nước này. Đồng thời cũng lại chứa đựng sự lãng mạn, bay bổng với cái nhìn sâu sắc qua lăng kính tiểu thuyết.

Bìa sách Khi ta mơ quá lâu

Chàng trai Kwang Meng mới bước chân vào tuổi trưởng thành, sau khi tốt nghiệp, đã “buộc” phải theo bước chân của cha mình để trở thành một thư ký văn phòng. Các nhiệm vụ đơn điệu của công việc khiến anh ngay khi mới bắt đầu đã nhìn thấy tương lai của công việc văn thư. Nó khiến anh tin rằng mình không thể thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, một cảm giác nặng nề. Trong lúc đó bạn bè của Kwang Meng, là Hock Lai và Portia bước tới một tương lai tươi sáng. Kwang Meng bị bỏ lại phía sau chỉ ngay sau khi tốt nghiệp ít lâu. Sự thoải mái duy nhất anh có là biển. Sự rộng lớn của nước đại diện cho một sự tự do, mà Kwang Meng  không thể tìm thấy trong công việc của mình. Lặn vào trong nước, anh tưởng tượng một thế giới khác. Thế giới của biển với sự yên tĩnh đó là hoàn toàn của riêng mình. Nhìn ra xa xa, khi thấy tàu chở hàng và Kwang Meng mơ ước trở thành một thủy thủ với hy vọng ấp ủ rời khỏi thế giới thường ngày của công việc để trải nghiệm cuộc sống trong sự viên mãn của nó như một lữ khách. Giấc mơ của chàng trai trẻ bị thực tế đè bẹp. Đáng ngại hơn là một số suy nghĩ của Kwang Meng cùng các bạn của mình: “Sao họ dạy anh tất cả những thứ đó, Đảo giấu vàng, Walter Scott... mớm cho anh làm chi những cuộc phiêu lưu”. Hay “Mày phải nhớ tụi mình không tạo ra thế giới, mình chỉ có thể chấp nhận các điều khoản của nó, hoàn cảnh và quy ước của nó”. Hoặc thất vọng vì: “Bọn mình ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi”.

Công việc của Kwang Meng có phải là vô nghĩa? Những khát khao tìm đến sự tự do của Kwang Meng đã được Boon Teik, người hàng xóm của anh củng cố, khi tin rằng mọi công việc đều có ý nghĩa bởi vì mỗi công việc đóng một vai trò trong việc đóng góp cho xã hội rộng lớn hơn, Boon Teik đã khiến Kwang Meng bắt đầu đặt câu hỏi. Phải chăng khi tham vọng để trở thành một thủy thủ đã khiến mình bỏ qua ý nghĩa vốn được tìm thấy trong công việc văn phòng của mình. Kwang Meng dần cảm thấy về cơ bản là công việc của bản thân dù có nhàm chán thế nào thì nó vẫn có mục đích. Dẫu vậy, số phận lại đẩy anh vào thách thức khi cha Kwang Meng  phải nhập viện. Kwang Meng trở thành trụ cột gia đình ở độ tuổi quá trẻ. Thực tế tát vào mặt và cuối cùng chàng trai trẻ giàu mơ mộng đang phải nhận ra rằng anh đã mơ quá lâu.

Độc giả trẻ dễ tìm thấy sự đồng cảm với tình huống khó khăn và thách thức đối với nhân vật Kwang Meng, khi anh điều hướng giai đoạn chuyển tiếp khó khăn giữa khát vọng của tuổi trẻ và nhu cầu bên ngoài của xã hội và gia đình. Nhút nhát và nhạy cảm, Kwang Meng cảm thấy bị tách ra khỏi dòng chảy của cuộc sống, không thể xác định với những giá trị mà các bạn bè của mình tôn sùng. Vì vậy, chàng trai trẻ Kwang Meng nương náu trong những giấc mơ tới những nơi xa xôi kỳ lạ, nhập chính mình trong biển cả mà anh yêu. Tuy nhiên, trong tất cả những điều tưởng chừng lỏng lẻo, không chắc chắn này, người đọc cảm thấy rằng mọi chuyện không phải là kết thúc, những người mơ mộng trẻ sẽ tìm thấy những gì họ tìm kiếm dẫu có lúc thực tế có đưa đẩy hoặc phải nhận ra một giấc mơ.

Qua “Khi ta mơ quá lâu”, nhà văn Goh Poh Seng đã điểm mặt không chỉ một thế hệ của Singapore mất niềm tin vào tương lai khi những người trẻ tin rằng mình sinh nhầm thời và sẽ sống một cuộc đời nhàm chán, thất bại, chìm sâu vào bi quan. Những biến động lớn trong cuộc đời khiến Kwang Meng gần như gục ngã nhưng lại giúp anh mong manh nhận ra: không thể mãi mãi đổ lỗi cho hoàn cảnh còn bản thân mình không thèm cố gắng. Sự giác ngộ đến trong cơn tuyệt vọng cùng quẫn nhất, anh nói với một phụ nữ lạ trên phố: “Vâng, thưa bà, tôi sẽ đi nhanh hết sức”. Tác giả chọn câu văn này để kết thúc tác phẩm. Dường như nó cho thấy cuối cùng người trẻ Singapore ngày ấy cũng nhận ra vấn đề nằm ở bản thân mình. Một luồng ánh sáng, dù chưa thật rõ ràng đã hé lộ một tương lai khác biệt. Tương lai đó chính là đất nước Singapore ngày nay, tuyệt vời, tỏa sáng mà người ta gọi tên là “hiện tượng Singapore”. Những ý niệm mà Goh Poh Seng truyền tải trong toàn bộ câu chuyện của mình vì vậy mà trở thành nguồn động lực cho những người trẻ từng có những tháng ngày hoang mang về tương lai.

SONG MINH

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm