Giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, ở một góc nào đó, người qua đường đôi khi chợt lắng lại trong tiếng sáo du dương, trầm bổng những nỗi niềm…
Ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng (quận 1) hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông ngoài 40, bất kể ngày nắng hay mưa, vẫn đều đặn ra góc đường thổi sáo. Từ Nghệ An nhập cư vào Sài Gòn, anh có mặt trên cung đường này cũng đã ngót nghét chục năm. Tiếng sáo của anh làm xao lòng bao người qua phố. Theo lời anh kể, tai nạn khiến đôi mắt của anh không thể nhìn được nữa. Xa gia đình, lại không có ai thân thuộc, anh xem cây sáo như người bạn tri kỷ. Có lẽ chính tình cảm, sức mạnh mà cây sáo trao cho anh trong những lúc buồn và cô đơn nhất đã khiến tiếng sáo của anh trong trẻo, êm ả và đầy cảm xúc đến vậy.
Dòng người vội vã tấp nập dọc một góc đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) cũng thi thoảng chậm lại bởi tiếng sáo lúc réo rắt, khi lại trầm ngâm của một cụ già mà theo mọi người xung quanh, “ông cụ thổi sáo chỉ để góp vui cho đời chứ chẳng màng đến đồng tiền”. Ngồi an nhiên trên tấm bạt cũ kỹ, khoác trên mình bộ áo sờn vai, với cây sáo đã phơi nắng qua bao mùa thời gian, ông cụ thủng thẳng dành tặng các vị khách đi đường những bản nhạc trữ tình. Tiếng sáo vút lên không trung, xua tan hết thảy những xô bồ, bon chen… Nghe đâu giúp người đi đường thong thả với vài giai điệu, cụ già còn muốn níu giữ chút tuổi thơ của mình từng gắn với tiếng sáo quê.
Nghe tiếng sáo đây đó trên những phố xá mình đi qua, tôi cũng chợt như được trở về thời ấu thơ của mình. Chính âm thanh réo rắt, tâm tình ấy đã lay động trong tôi những xúc cảm mà bấy lâu mình vô tình đánh rơi đâu đó trên đường đời. Nhớ làm sao một thời lang thang trên cánh đồng làng, cùng lũ trẻ quê chạy theo cánh diều chấp chới trên cao với tiếng sáo vi vu! Xin cảm ơn những “nghệ sĩ đường phố” tài hoa.
Nguyễn Thị Chi
Bình luận