“Vè vãn ca ngâm Công giáo Việt Nam - Đi tìm thời gian đã mất” là tập sách gần 700 trang do nhà thơ Lê Đình Bảng sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu (NXB Đồng Nai, 2015).
|
Ở tập sách này, độc giả Công giáo sẽ có dịp ngâm nga đọc lại những câu vè, vãn nhà đạo mà không ít người đã từng thuộc nằm lòng từ thời niên thiếu, nhất là những giáo dân xuất thân từ các xứ đạo miền Bắc. Tiếc cho sự rơi rụng của nhiều điệu vè, câu vãn, lời ngắm, nhà thơ Lê Đình Bảng đã bỏ công sưu tập, gom góp lại từ nhiều nguồn, giúp bạn đọc dễ nhận ra “bên cạnh kho tàng Kinh Thi Việt Nam bao gồm thành ngữ, tục ngữ, phương ngôn, cách ngôn, ca dao, đồng dao, phong dao, cổ tích, người Công giáo Việt Nam còn có riêng một dòng chảy là vè - vãn - ca - ngâm - tuồng - truyện bằng chính ngôn ngữ và hơi thở nhà đạo Việt Nam”. Độc giả thông qua đây cũng được cùng với nhà sưu tập ngược dòng đi tìm lại bối cảnh lịch sử của loại hình văn học này, biết vãn là gì và thế nào là vè từ khái niệm chung đến đặc trưng riêng đậm chất Công giáo.
Sau phần dẫn nhập, để khái quát hóa “miền thơ vè vãn và ca ngâm chương khúc”, tập sách giới thiệu những tác phẩm tượng trưng hoặc phổ biến hơn. Có những tiểu đoạn ngắn ba, bốn câu hoặc một, hai trích đoạn dài hơn, trọn vẹn cả bài hoặc nguyên văn một trường thiên từ nguồn tư liệu sẵn có. Bên cạnh những bài vãn chọn lọc, tuồng, còn có kịch thơ “Bài ca thương khó” (tác giả Xuân Ly Băng), giáo lý diễn ca và phần ngắm 15 sự thương khó với những bản phổ nhạc theo cung giọng giáo phận Bùi Chu. Ca vãn mùa thương khó cũng kèm thêm phần ký âm với một số trích đoạn bài “Than hang đá”...
Theo nhà thơ Lê Đình Bảng, tập sách này được ông sưu tầm, nghiên cứu tiếp nối với bộ “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (NXB Tôn giáo và Phương Đông, 2009). Từ công việc của một người có tâm huyết với “thi ca nhà đạo”, người đọc có cơ hội nhìn lại kho tàng văn học dân gian Công giáo, cảm nhận rõ nét hơn sự phong phú của nó qua dòng chảy thời gian.
Liên Giang
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.