Chủ Nhật, 19 Tháng Tư, 2015 11:17

Tìm về dấu xưa nơi vườn Bách Thảo

Sài Gòn đến nay đã hơn 300 năm tuổi, Thảo Cầm Viên của thành phố cũng mừng kỷ niệm 150 tuổi trong năm 2015 này. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù Sài Gòn biến đổi rất nhiều nhưng Thảo Cầm Viên vẫn giữ riêng trong mình nhiều dấu tích khó lầm lẫn...

Cây đa cao su bên hông đền Hùng ở Thảo Cầm Viên Sài Sòn đa ngót nghét 150 tuổi

Theo tài liệu lịch sử của Thảo Cầm Viên ghi nhận, xưa kia đây vốn là một vùng đất hoang ở phía Đông Bắc kênh L’Avanche (cầu Thị Nghè bây giờ). Tháng 3 năm 1864, viên đề đốc người Pháp De La Grandière ký nghị định cho phép xây dựng Thảo Cầm viên Sài Gòn trên vùng đất này. Và ông Louis Adolphe Germain-một sĩ quan thú y của quân đội Pháp đã thiết kế, quy hoạch nơi đây thành một vườn thú. Đến tháng 3 năm 1865, công trình hoàn thành. Cuối năm đó, vườn Bách Thảo được mở rộng thành 20 ha. Lúc đầu, người Pháp gọi đây là Vườn Thực Vật Sài Gòn. Năm 1956, chính thức đổi tên thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến ngày nay. Trong ký ức người Sài Gòn từ xưa đến nay, Thảo Cầm Viên chính là niềm tự hào. Sự góp mặt của nó không chỉ có giá trị như một bảo tàng thiên nhiên quý giá mà còn tượng trưng cho hình ảnh không phai dấu thời gian về một công trình độc đáo.

Theo các tài liệu còn lưu giữ, dấu tích trăm năm có thể tìm thấy ở “khu vườn nhiều tuổi” này không phải ít. Các cây lâu niên như một minh chứng rõ ràng nhất. Trải qua hơn một thế kỷ với bao đời người chăm sóc, thuần dưỡng, theo các nhân viên của Thảo Cầm Viên, hiện còn tập hợp khoảng 40 loài cây xanh đại thụ hơn 100 tuổi thuộc các họ như: họ đậu, dầu, hồng, dâu tằm, chưn bầu, chiếc, trôm, bứa, bằng lăng... Có những cây rất to, đường kính thân hơn 1,4m và cao hơn 20m. Đây thực sự là một di sản quý mà Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã gìn giữ được. Ông Phạm Thanh (64 tuổi) - một khách tham quan ngắm nghía trước cây xà cừ lâu niên ở đây không khỏi trầm trồ: “Thời trẻ tôi có được đến Sở Thú một lần, nay tuổi đã cao mới có dịp quay lại. Thuở trước thích thú vì chim thú lạ, nay lại thấy xúc động khó tả khi ngắm nghía những cây, những dây gai trăm tuổi ở đây...”. Thực tế không chỉ các chuồng thú lạ, quý hiếm mới đông người nán lại chiêm ngắm. Những gốc cây lâu năm cũng ẩn chứa sức hút riêng. Trong những tấm hình lưu lại nét đẹp Thảo Cầm Viên, không ít người đã say từng góc máy với những cội cây già. Một bạn trẻ tên Hoàng (24 tuổi) lỉnh kỉnh ống kính, máy hình chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi lại đến đây tìm sự tĩnh lặng với thiên nhiên cây cỏ và ghi lại những bức ảnh đẹp như một thú vui. Có khi liếc đọc thấy những chú giải tuổi cây hay đặc điểm một loài thú lại thấy thêm yêu những con đường rợp bóng xanh mát và cảm thấy thú vị khi biết mấy chục năm trước có thể ông bà, cha mẹ mình khi trẻ như mình cũng từng dạo mát chính chỗ này...”.

Những chú hổ được nuôi trong Thảo Cầm Viên

Trong Thảo Cầm Viên có một hồ sen lớn gần đó có cây xà cừ (sọ khỉ) lớn, còn được biết đến như cây xà cừ lớn nhất thành phố, cao hơn 50 mét, đường kính thân gần 4 mét. Theo lời các cán bộ tại đây, đến nay cây này đã 150 tuổi. Cây “mét” nằm bên phải Bảo tàng lịch sử được coi là cây cao tuổi nhất Thảo Cầm Viên Sài Gòn với tuổi đời có thể đến 250 năm. Ngoài ra, còn có cây đa cao su, nằm cạnh tượng voi đồng bên hông đền Vua Hùng cũng ngót nghét 150 tuổi. Hay như cây giáng hương mang mã số 1310 với đường kính hơn 1,2m, cao khoảng 20m cũng trên 200 tuổi... Người ta nói có lẽ nhờ xứ phương Nam ít bão tố, không phải đốn cành, hạ ngọn nên nhiều cây được trồng từ những ngày đầu tiên ấy đến nay vẫn sum suê tỏa bóng... Vết xưa còn hiện diện ở hệ thống hàng rào sắt, cổng sắt bao bọc Thảo Cầm Viên mang đặc thù phong cách những thế kỷ trước, tinh tế với những đường họa tiết cổ; hay một số chuồng thú lớn được xây dựng từ những năm 1924 phỏng theo kiến trúc cổ phương Tây; những công trình kiến trúc như Đền Vua Hùng, Viện bảo tàng...

Bên cạnh những gì còn lưu giữ trong bề dày lịch sử 150 năm, Thảo Cầm Viên so với trước đã có nhiều thay đổi, đặc biệt với những chương trình giáo dục giới thiệu về kiến thức động, thực vật và bảo tồn đến thế hệ trẻ. Trung tâm Giáo dục vườn thú là nơi khó thể bỏ qua với các em học sinh, sinh viên. Đến Thảo Cầm Viên dù vào những ngày thường hay dịp cuối tuần ngày nay, người ta dễ bắt gặp cảnh những em bé tuổi mẫu giáo hào hứng dắt nhau theo cô giáo chạy xem các vườn thú, học cách cho dê, cừu ăn cỏ hay hăng hái tham gia giờ trồng cây... Cảnh những ông bố, bà mẹ dắt tay con nhỏ kiên trì giảng giải, truyền đạt cho con những kiến thức cơ bản và lòng yêu vạn vật trở nên quá đỗi quen thuộc khi dạo bước Thảo Cầm Viên... Dù qua thời gian, nơi đây vẫn không bớt đi sức hút kỳ lạ với bao lớp trẻ thơ. Dưới những cội cây cổ thụ âm thầm vững chãi, những câu chuyện dù xưa vẫn không bao giờ cũ... 

Minh Minh

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác