Tác phẩm gỗ chạm này gồm 6 tấm. Mỗi tấm cao 188cm, rộng 54,5cm, dày 3,5cm, nặng 16,5kg. Phần khung bằng gỗ cẩm lai còn những họa tiết, hình ảnh khắc trên nền gõ đỏ, gỗ mun và khảm trai. Tất cả được chạm khắc hai mặt với 24 bức tranh lớn nhỏ. Trong đó, 12 bức nhỏ cho người xem biết về cuộc đời Nguyễn Du và phong cảnh thiên nhiên Việt Nam, 12 bức lớn là trích đoạn những cảnh chính trong Truyện Kiều. Đó là những cảnh buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc của Thúy Kiều. Mỗi bức tranh lớn, nhỏ đều được minh họa bằng những câu thơ Nôm trích từ Truyện Kiều. Tác phẩm đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) chứng nhận quyền tác giả.
Ông Hưởng cho biết, ông đã cùng người anh em kết nghĩa là ông Nguyễn Đức Duyên dành đến 10 năm để hoàn chỉnh, hoàn mỹ cho tác phẩm chạm khắc gỗ này. Yêu thơ Nguyễn Du nên ông đã có động lực để làm được điều đó. Mỗi khi giới thiệu những bức chạm khắc tinh tế ấy với ai, ông Hưởng lại say sưa đọc những câu Kiều mà ông rất thích: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...”. Giao lưu với những người có cùng sở thích, ông Hưởng dự định sẽ trưng bày những tác phẩm của mình tại khu Vườn Kiều của ông Phạm Văn Khoát ở Biên Hòa (Đồng Nai). Ông bảo, đó cũng là niềm vui tuổi già của mình.
Không chỉ có niềm đam mê Truyện Kiều, ông Hưởng còn có tình yêu với âm nhạc và chơi được một số nhạc cụ. Ông từng phụ trách ca đoàn một thời ở giáo xứ Tân Phước (quận 11, TPHCM). Tuổi cao, không muốn kiến thức âm nhạc rơi rụng, ông Hưởng vẫn mở lớp dạy nhạc tại nhà riêng và được xem là một người thầy tận tâm trong nghệ thuật. Có lẽ đó cũng cái “chất” còn lại của một người từng có thuở thiếu thời được đào tạo từ một tiểu chủng viện.
Bảo Lâm
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.