Thứ Bảy, 04 Tháng Bảy, 2015 15:23

Văn hoá trao đổi sách "Cũ người mới ta"

Những hoạt động trao đổi sách cũ, đấu giá những bản sách quý hiếm đang được công chúng cổ vũ bởi giá trị cộng đồng sâu sắc. Từ những chương trình gói gọn, nhỏ lẻ, hoạt động này đã phát triển lên một bậc, trở thành nét văn hóa đáng được ghi nhận.

Phong trào trao đổi sách đã có từ lâu, xuất phát từ những người có niềm yêu thích sách, cùng “đổi” cho nhau những cuốn sách “cũ người mới ta”. Những người khởi xướng ban đầu còn vì mong muốn cung ứng những cuốn sách cho trẻ em, người nghèo, người cần tư liệu nghiên cứu...

Việc trao đổi sách giúp cho các bạn sinh viên giải kinh phí trong học tâp

Việc trao đổi sách khởi đầu từ những cá nhân, nhóm nhỏ với nhau, dần dần đã phát triển rộng hơn. Tại TPHCM, vài năm trở lại đây có một hoạt động tiêu biểu được gọi là “Ngày hội đổi sách”, được tổ chức bởi fanpage Thích đọc sách và Sunshine Club (một câu lạc bộ từ thiện chuyên quyên góp sách để ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa). Đây là cơ hội cho người tham gia sở hữu được những cuốn sách mình yêu thích mà chưa có cơ hội được đọc. Hoạt động này giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với nguồn tài liệu đa dạng, trao đổi những cuốn sách hay mà mình tích lũy được. Trong thời đại kinh tế mới với vô vàn khó khăn và biến động, “tiết kiệm” là tiêu chí hàng đầu trong đời sống hằng ngày. Trao đổi sách với nhau giúp giảm bớt chi phí, tăng cường giao lưu giữa những người quan tâm và có lòng đam mê đối với sách, hướng sinh viên đến việc sử dụng sách có bản quyền. Ngoài ra, còn nhằm nâng cao tinh thần tiết kiệm, tái sử dụng tài nguyên, tôn vinh giá trị của sách giấy - tài sản đúc kết giá trị của nhân loại và nét đẹp “văn hóa đọc”. Đây được xem là sân chơi bổ ích cho sinh viên và giới trẻ nói chung, thúc đẩy sự hiểu biết về những giá trị lớn lao của sách. Người tham gia trao đổi còn học được những kỹ năng cần thiết trong việc đọc sách, cũng như các kỹ năng sống... Nguyễn Thanh Tâm, một thành viên của ban tổ chức chia sẻ: “Đây là lần thứ hai sự kiện này tổ chức và cũng là lần thứ hai tôi tham gia. Trước hết là vì đam mê đọc sách của bản thân và tiếp đó là tôi cảm nhận được những ích lợi thiết thực mà hoạt động này mang lại như giao lưu cùng tác giả, diễn giả nổi tiếng, tự làm bookmark (thanh đánh dấu trang) cho công tác thiện nguyện.”. Việc trao đổi sách dưới hình thức “Ngày hội” đã có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng học sinh, sinh viên các trường đại học. Nguyễn Danh Sơn, Phó Chủ tịch CLB tình nguyện trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: “Ngày hội đổi sách năm nay chúng tôi mở rộng cho tất cả các đối tượng trên địa bàn, tổ chức thu nhận sách tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với một số nhà sách để cùng tổ chức. Tại các điểm thu nhận sách ở các quận trong thành phố, các thành viên trong CLB phải làm việc luôn tay.”.

Sách cũ được các bạn đem tới các điểm thu nhận 

Các sách tham gia trao đổi phải là phải sách có bản quyền được xuất bản theo quy định của luật xuất bản Việt Nam, bao gồm: sách chuyên ngành, sách xã hội, sách về nghệ thuật sống, kinh doanh, danh nhân, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài... Nguồn sách đến từ sự hỗ trợ bởi các đơn vị tham gia và sinh viên trong các trường gom lại. Lượng sách còn lại sau trao đổi được dùng cho các đợt trao đổi tiếp theo hay dùng cho các hoạt động từ thiện giúp trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa.

Để tham dự ngày hội này thật đơn giản. Mỗi đầu sách sẽ có một điểm số tích lũy nhất định tùy theo loại sách, giá bìa và độ dày của sách. Tính theo giá bìa sách, cứ 10.000 đồng là người mang sách đến nhận được một phiếu. Điểm trên phiếu có thể cộng dồn qua các lần góp sách. Đến ngày hội, bạn dựa vào số điểm tích lũy của mình trên phiếu để lựa chọn những quyển sách mà mình yêu thích... Ban tổ chức khuyến khích những ai tham gia trao đổi sách nên ký gửi trước cho họ để có thời gian thẩm định.

Dễ bắt gặp phần lớn các bạn trẻ đến với ngày hội trao đổi sách nhưng cũng có cả những bậc phụ huynh chở con mình tới và cùng hòa mình vào không khí “giao lưu” chung. Em Hoàng Bích Ngọc, học sinh lớp 10 hồ hởi mang một túi sách lớn đến điểm thu tại  quận 11. Em cho biết: “Bình thường em rất muốn trao đổi sách nhưng không có điều kiện, cũng không biết đổi ở đâu. Ngay khi biết đến sự kiện này, em đã chia sẻ với bạn bè và cùng soạn sách từ sớm”. Ông Hoàng Minh Sơn, một phụ huynh chia sẻ: “Khi nghe tin có hội đổi sách, tôi đã mang đi gần 30 cuốn sách lớn nhỏ để trao đổi thêm những quyển sách mới mà tôi chưa được đọc. Tôi thấy rất vui vì bây giờ đã có thêm nhiều cầu nối rộng mở dành cho tất cả mọi người người yêu sách.”

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, hình thức đọc sách online ngày càng phổ biến và chiếm ưu thế. Tuy nhiên, chính những hình ảnh sôi nổi đến từ những “Ngày hội đổi sách”, có thể khẳng định rằng nhu cầu đọc sách in của mọi người, đặc biệt là giới trẻ vẫn chưa “lỗi  thời”. Dù trong thời đại nào, sách giấy vẫn luôn được yêu thích và nâng niu.

“Hãy để những cuốn sách không còn hữu ích với mình trở nên hữu dụng với người khác!”. Đó cũng là khẩu hiệu, thông điệp mà những người triển khai hoạt động của “Ngày hội đổi sách” muốn gửi tới tất cả những người quan tâm, để không chỉ một bộ phận nhỏ có cơ hội được đọc những quyển sách hay và quý, mà tinh thần này ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng.

Thảo Nguyễn

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm