II. VÀI NÉT ĐẶC TÍNH CỦA ĐỀN THỜ
Đền thờ Thánh Phêrô vẫn được xem là thánh đường có kích thước lớn nhất của thế giới Kitô giáo. Theo kiến trúc sư Giuseppe Valadier (1812): từ nền tầng hầm đền thờ tới mái vòm cao 136 mét, từ nền đền thờ là 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo, có diện tích hơn 2 héc ta, tức là 22.067 mét vuông. Mặt tiền đền thờ giống như một sân bóng đá, cao 46 mét và chiều ngang 115 mét. Các cột cao gần 29 mét, đường kính 2,65 mét. Tiền đường từ vòng cung Carlo Muông tới vòng cung Costantino dài 140 mét. Chiều ngang đền thờ là 150 mét; chiều dài đền thờ là 187 mét (đền thờ thánh Phaolô của Anh giáo ở Luân Đôn dài 157,20 mét, nhà thờ S. Maria del Fiore ở Firenze dài 148,12 mét, nhà thờ chánh tòa Milano dài 134,17 mét, nhà thờ chánh tòa Cologne dài 132 mét, nhà thờ thánh Petronio ở Bologna dài 131,73 mét, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma dài 126,64 mét). Đền thờ thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi, nhưng thực tế, trong các đại lễ ĐTC cử hành, thường chỉ có 10 ngàn người ngồi dự lễ.
![]() |
Trong đền thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Đức Pio 9 (1846-1878) thánh hiến ngày 16.1.1856. Có 9 bàn thờ dâng kính Đức Mẹ dưới nhiều tước hiệu khác nhau. Tầng hầm đền thờ nền tương ứng với nền nguyên thủy từ thời hoàng đế Costantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ đề các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong tổng số 264 vị Giáo hoàng cũng được đặt tại đây.
Cửa Thánh : Trong số 5 cửa vào đền thờ, có một cửa chỉ được mở ra vào Năm Thánh. Cửa Năm Thánh 2000 đã được ĐTC mở trong đêm vọng Giáng Sinh 24.12.1999. Cửa này được đóng lại vào ngày 6.1.2001.
![]() |
Mái vòm đền thờ có chu vi bên trong là 42,7 mét và chu vi bên ngoài là 58 mét, cao 50,35 mét. Tính từ nền lên tới đỉnh cao nhất của mái vòm với thánh giá là 135,2 mét. Thánh giá trên đỉnh cao 4,87 mét và thanh ngang rộng 2,65 mét. Trọng lượng của mái vòm theo các nhà toán học Boscovich, Le-Leur và Lacquer, là 56.208.837,46kg. Ngoài hai cầu thang vòng mà du khách thường leo lên mái vòm, còn có 9 cầu thang khác, 7 cái lớn và 2 cái nhỏ, mặc dù đi từ bên trong đền thờ, nhưng đều dẫn tới cùng một đích điểm.
Bàn thờ chính của đền thờ, được gọi là Bàn Thờ Tuyên Xưng Đức Tin, được xây ngay bên trên mộ Thánh Phêrô theo lệnh của Đức Clemente VIII (1592-1605). Bàn thờ có tán che và 4 cột vòng bằng đồng chống đỡ, do Bernini thực hiện. Tượng các thiên thần ở trên mỗi góc cao 3,5 mét. Tán che bàn thờ được khánh thành ngày 29 tháng 6 năm 1633. Dưới bàn thờ này, có một bàn thờ khác của Đức Giáo Hoàng Callisto II (1119-1124), và bên dưới đó, lại có một bàn thờ khác nữa của Đức Gregorio Cả (590-604). Đi xuống sâu hơn, người ta gặp một khối hình vuông, bọc cẩm thạch trắng và đá vân đỏ. Đó là đài do Hoàng Đế Costantino thực hiện để kính nhớ Thánh Phêrô Tông Đồ và có lẽ được diễn ra trong lễ nghi tưởng niệm chiến thắng của ông tại Cầu Milvio ngày 28 tháng 10 năm 312.
![]() |
Tượng thánh Phêrô bằng đồng, có từ thế kỷ thứ 13, được tôn kính trong đền thờ: chân phải của ngài bị mòn nhiều vì sự hôn kính của hàng triệu tín hữu qua dòng thời gian, kể từ khi Đức Piô IX ban ân xá 50 ngày cho những ai hôn chân này sau khi đi xưng tội. Theo một truyền thống cổ kính, ngày 29.6 mỗi năm, lễ thánh Phêrô, người ta mặc phẩm phục Giáo hoàng cho tượng. Năm 1798-1799, lễ nghi mặc áo bị chính quyền cộng hòa cấm, tạo nên sự bất mãn rất lớn nơi dân Roma, vốn rất trung thành với truyền thống, nên sau đó người ta đã cho phép mặc áo trở lại, ngoại trừ chiếc mũ ba tầng.
Tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pietà) - ở bên tay phải, khi mới bước vào đền thờ, bằng cẩm thạch trắng, diễn tả Mẹ Maria đang bồng xác Chúa Giêsu từ trên thánh giá mới tháo xuống, do Michelangelo thực hiện năm 1500, khi mới 25 tuổi và là tác phẩm duy nhất mang chữ ký của ông. Tên ông được khắc vào vệt áo băng qua ngực Đức Mẹ. Cho đến năm 1972, du khách có thể đến gần ngắm tượng, nhưng một người điên Hungari, quốc tịch Úc, đã leo qua rào dùng búa đập vào tượng nhiều lần trước khi bị cản lại. Mũi Đức Mẹ bị đập vỡ. Người ta thu thập các mảnh vỡ và gắn lại. Hiện nay người ta đặt kính chắn đạn để bảo vệ kiệt tác nghệ thuật này, nhưng khách viếng thăm cũng khó chiêm ngưỡng pho tượng hơn so với trước kia.
Trong số các mộ của các nhân vật trong đền thờ Thánh Phêrô, có 3 phụ nữ là nữ bá tước Matilde di Canossa; hoàng hậu Cristina Thụy Điển; và Maria Clementina, hoàng hậu Anh Quốc. Hoàng hậu Cristina thoái vị sau khi trở lại Công giáo và được mời tới sống trong cung điện Giáo Hoàng và qua đời tại Roma năm 1689.
III. MẶT TIỀN ĐỀN THỜ
Mặt tiền Đền Thờ Thánh Phêrô được thực hiện trong vòng 8 năm với 700 công nhân và hoàn thành năm 1614. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Ban Quản Đốc đền thờ Thánh Phêrô đã cho tu bổ toàn diện mặt tiền đền thờ lần đầu tiên kể từ khi được hoàn tất, không kể một lần thanh tẩy vào năm 1985 với kinh phí 2 triệu mỹ kim, do Hội Hiệp Sĩ Colombo tài trợ. Lần thanh tẩy đó có nhiều thiếu sót vì dụng cụ không thích hợp.
![]() |
Công trình tu bổ toàn bộ được hoàn tất cuối tháng 9 năm 1999, sau gần 2 năm rưỡi tiến hành, từ tháng 3 năm 1997. Trong giai đoạn đầu tiên, mấy chục chuyên viên đã sử dụng các dụng cụ tối tân để trắc nghiệm mặt tiền đền thờ với phương pháp siêu âm, âm hưởng điện từ và các kính hiển vi điện tử. Các kỹ thuật này từ lâu vẫn được ENI, công ty dầu hỏa Italia, dùng trong lãnh vực dầu hỏa. Quang tuyến X được sử dụng để xác định cơ cấu phân tử của mặt tiền đền thờ và những ô nhiễm. Tiếp đến, họ tẩy sạch lớp đá cẩm thạch trắng đã bị hoen ố, bụi bặm và khói xe bám vào với thời gian, bằng cách dùng các dụng cụ như máy xịt cát mịn, các vòi xịt nước, hoặc các máy khoan nhỏ và máy cạo. Việc thanh tẩy và tu bổ toàn diện là điều cần thiết vì không khí tại Roma bị ô nhiễm cao độ. Mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô được xây bằng lớp đá cẩm thạch có những lỗ li ti rất dễ bị thương tổn vì những lớp sương mù trộn với khói xe cộ ở Roma. Thêm vào đó, mưa axít cùng với mốc meo ở trong những lỗ nhỏ trên lớp đá tiếp tục ăn mòn các cột, các góc cạnh và 13 pho tượng trên mặt tiền đền thờ. Vì thế, chỉ trong vòng 10 năm sau khi thanh tẩy, mặt tiền đền thờ cũng đã bị hư hại nhiều và cần được chỉnh trang lại.
Một lý do khác khiến cho các vị hữu trách quyết định tiến hành việc tu bổ, đó là một cơ hội tốt đẹp nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 đến gần, và đặc biệt là có sự tài trợ của ENI, công ty dầu hỏa Italia có chi nhánh tại 80 quốc gia. Công ty này ý thức trách nhiệm của mình vì đã sản xuất và buôn bán dầu hỏa, nên cũng đã góp phần gây nên nạn không khí ô nhiễm làm hư hại mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô, và cảm thấy có trách nhiệm phải góp phần sửa chữa thiệt hại bằng cách dành một phần tài nguyên kỹ thuật của mình cho công cuộc tu bổ này. Tổng số tài trợ lên tới 9 triệu mỹ kim.
IV. QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
Quảng trường Thánh Phêrô hình bầu dục, chiều dài 196 mét, rộng 148 mét, với diện tích khoảng 4 héc ta và có hàng cột vòng cung bao quanh như vòng tay chào đón tín hữu. Hàng cột này do kiến trúc sư Bernini kiến thiết, tổng cộng có 284 cột, mỗi bên 142 cột, đường kính ở vòng lớn nhất là 1,45 mét. Các cột được xếp thành hàng 4, với 3 lối đi, lối giữa rộng nhất. Hàng cột cao 18,60 mét, bên trên có 140 pho tượng, cao 3, 24 mét do các môn đệ của Bernini thực hiện trong khoảng thời gian 11 năm, từ 1656 đến 1667.
Từ cây tháp bút ở giữa quảng trường tới mặt tiền đền thờ có khoảng cách 191 mét, trong khi khoảng cách giữa hai tượng thánh Phêrô và Phaolô là 76,73 mét. Trên mặt tiền đền thờ có các pho tượng cao 5,65 mét. Các tượng này nếu nhìn gần thì thấy rất là thô kệch và sơ sài, nhưng chúng được tạc để nhìn từ xa.
(còn nữa)
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.