V. THÁP BÚT
Tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô là một khối đá hình kim tự tháp bằng đá vân cương đỏ ở Đông Phương, thoạt đầu được Caio Cornelio Gallo, tổng trấn Ai Cập, dựng lên để tôn vinh bản thân. Về sau được Eliopoli đưa về Roma theo ý muốn của hoàng đế Nerone, với mục đích tuyên dương hý trường do ông khởi xướng. Tháp bị đổ và bỏ rơi trong nhiều thế kỷ, cho đến khi được một vài vị Giáo Hoàng để ý tới (ĐGH Nicolo V năm 1447-1455, ĐGH Phaolô II năm 1464-1471, ĐGH Phaolô III năm 1534-1549). Các vị muốn cây tháp này được đặt trước Đền thờ thánh Phêrô, nhưng sự khó khăn trong việc di chuyển và dựng tháp khiến cho nhiều kiến trúc sư nản chí, mãi cho đến đời ĐGH Sisto V (1585-1590), dự án đó mới thành hình.
![]() |
Tháp được khởi công di chuyển ngày 30.4.1585 và được dựng tại Quảng trường ngày 10 tháng 9 năm 1585. Công trình này đòi sự hợp lực của hơn 900 người, dùng 47 cần trục cùng 5 đòn bẩy. Quy định được ban hành trong công trình dựng tháp là các công nhân phải tuyệt đối giữ im lặng và chỉ được nhận lệnh từ kiến trúc sư Domenico Fontana mà thôi. Ngoài ra, dân chúng hiếu kỳ không được đến gần. Đức Sisto V còn ra lệnh phạt tử hình những người vượt quá ranh giới và gây tiếng ồn ào.
Theo một lưu truyền từ năm 1770, trong khi tiến hành công việc thì những sợi dây thừng đỡ tháp bút bắt đầu giãn ra và có nguy cơ bị đứt. Tình trạng thật nguy hiểm. Một trong những người thợ là ông Bresca, vốn là một thủy thủ đã quen với các dây chão, đã hô lớn: “Hãy đổ nước vào các dây thừng”. Nhận thấy tình trạng nguy ngập, kiến trúc sư Domenico Fontana vội ra lệnh thi hành ngay lời khuyên đó, và tai nạn được tránh thoát.
![]() |
Sau khi hoàn thành công việc dựng tháp, thủy thủ Bresca đã được thưởng thay vì bị tử hình. Ông được triệu tới trước mặt ĐGH và ngài yêu cầu ông hãy xin một ơn. Ông Bresca đã xin cho mình và dòng dõi được đặc ân cung cấp lá dừa cho Tòa Thánh để làm lễ nghi Chúa Nhật Lễ Lá. Lời thỉnh cầu được chấp nhận và cho đến ngày nay, gia tộc Bresca ở miền Liguna vẫn cung cấp lá dừa cho Vatican hằng năm.
Năm 1586, Đức Sisto V cho đặt trên tháp một cây thánh giá lớn bằng sắt, trong có chứa mảnh thánh giá thật của Chúa Giêsu. Ở bệ tháp cổ khắc hàng chữ: “Đây là thánh giá của Chúa. Các quyền lực đối nghịch hãy trốn chạy. Sư tử của chi tộc Giuda đã chiến thắng”. Ngoài ra còn có câu: “Chúa Kitô chiến thắng. Chúa Kitô hiển trị. Chúa Kitô thống trị. Chúa Kitô bảo vệ dân Ngài khỏi mọi nghịch cảnh”.
Tổng cộng từ bệ lên tới đỉnh tháp bút cao 41,23 mét và nặng 312 tấn. Hai bên của tháp có hai bể nước (fontaine) khổng lồ giống nhau, mỗi phút có 38.400 lít nước đổ vào. Vòi nước phun có thể lên cao 14 mét.
VI. MỘ THÁNH PHÊRÔ
Như đã nói, khu vực xây Đền Thờ thánh Phêrô trước kia là một nghĩa trang thời La Mã, và được khám phá trong thập niên 1930, được khai quật trong hai đợt : từ 1939 đến 1949, rồi từ 1953 đến 1958. Hai hàng nhà mồ với những hốc mộ được phát hiện với rất nhiều bích họa, tranh khảm, cùng với một khu vực với những ngôi mộ đơn sơ hơn.
![]() |
Các cuộc khai quật dưới bàn thờ tuyên xưng Đức Tin là nền tảng để Đức Phaolô VI tuyên bố ngày 26 tháng 6 năm 1968: “Hài cốt thánh Phêrô được nhận diện đến độ chúng tôi coi là có lý”.
Từ đó đến nay, công việc này vẫn được tiếp tục và đồng thời cũng được mở cho các du khách thăm viếng kể từ năm 1975. Trong những thập niên gần đây, nghĩa trang dưới đền thờ thánh Phêrô đang bắt đầu có lỗ và bị lở. Theo các chuyên gia, một vấn đề lớn là sức nóng do hệ thống đèn điện cùng với sức nóng do cơ thể của 250 du khách mỗi ngày đến viếng thăm phát sinh ra. Sức nóng đó làm nảy sinh rêu và mốc từ tường của các ngôi mộ, đồng thời tạo nên các lỗ nhỏ, các nấm mốc, muối và dần dần làm hư hỏng các di tích lịch sử này. Thực tế là nhiều bức bích họa vẽ trên tường các ngôi mộ cổ dưới đền thờ thánh Phêrô đã bị phai nhạt, cùng với các hàng chữ viết trên tường. Một số nhà mồ trước kia được mở cho du khách thăm viếng, nay bị đóng lại, vì bị hư hỏng. Một phần của nghĩa trang ở dưới mức sông Tevere gần đó, nên sự ẩm thấp là vấn đề liên tục, nhất là ở khu vực phía đông của nghĩa trang.
![]() |
Để góp phần tu bổ và cứu vãn mộ thánh Phêrô cũng như các ngôi mộ khác, một công ty điện lực của Italia tên là ENEL, đã tình nguyện tài trợ dự án với phí tổn khoảng 1 triệu 700 ngàn mỹ kim. ENEL đã từng góp phần tài trợ việc thiết lập các hệ thống đèn điện cho các đền đài công cộng và nhiều nhà thờ tại Italia. Những ngân khoản đó được rút từ số tiền lời do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng điện ở nước này. Dự án tu bổ mộ thánh Phêrô và cải tiến việc bảo trì nghĩa trang bên dưới đền thờ kéo dài nhiều năm trời, và trong giai đoạn thứ nhất, cho tới tháng 11 năm 1999, có biện pháp giới hạn số người thăm viếng nghĩa trang dưới hầm đền thờ thánh Phêrô. Trong Năm Thánh 2000, việc viếng thăm được mở lại theo mức độ cũ, rồi sau đó, lại bị giới hạn. Hãng ENEL dùng những kỹ thuật tân kỳ nhất để thẩm định đầy đủ tất cả những vấn đề của nghĩa trang dưới Đền Thờ thánh Phêrô, thiết lập thành hồ sơ. Tiếp đến các kỹ sư đề ra phương thức để giảm bớt tối đa sự thay đổi nhiệt độ trong khu vực này, đồng thời kiến thiết một hệ thống đèn điện mới, cùng với hệ thống an ninh.
![]() |
Cho đến nay, số người viếng thăm nghĩa trang bên dưới đền thờ thánh Phêrô tương đối ít hơn, và nhiều du khách không biết là có khu vực này. Để viếng thăm, cần phải giữ chỗ trước tại văn phòng khai quật của Vatican và có người hướng dẫn từng nhóm. Tuy số người viếng thăm ít ỏi, nhưng các chuyên viên công ty ENEL cho rằng 250 người mỗi ngày kể là quá nhiều. Họ đề nghị rằng trong tương lai, một hệ thống bằng máy điện toán chuyển tải các ngôi mộ trong nghĩa trang dưới đền thờ thánh Phêrô sẽ được dùng để trình bày cho phần lớn các du khách, thay vì để họ đích thân đi thăm các ngôi mộ như hiện nay. Vào cuối công cuộc tu bổ, kinh nghiệm về các hoạt động này được trình bày trong 2 cuốn sách, một cuốn viết về công trình mộ thánh Phêrô được tu bổ và chiếu sáng, cuốn thứ hai về toàn bộ nghĩa trang Vatican. Cũng nên nhắc lại rằng, trong ngày kỷ niệm một năm lên ngôi Giáo Hoàng, 16.10.1979, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã cho mở một cổng cao 2,5 mét và rộng 2,3 mét để các tín hữu có thể bước vào mộ Thánh Phêrô dưới hầm đền thờ.
VII. KẾT LUẬN
Tóm lại, kính viếng đền thờ thánh Phêrô là một cuộc gặp gỡ với 2 ngàn năm lịch sử Giáo Hội. Qua bao nhiêu thăng trầm, các Đấng kế vị Thánh Phêrô không ngừng nâng đỡ Đức Tin của các tín hữu rải rác khắp nơi trên thế giới, trong các Giáo Hội địa phương.
Thực vậy, chính vì thánh Phêrô đã tới Roma và mộ ngài được lưu giữ tại đây sau khi chịu tử đạo, nên các tín hữu cũng đã tới hành hương nơi đây, và ĐGH - người kế vị thánh Phêrô - cũng ở gần mộ vị tiền nhiệm tiên khởi của Ngài. Cả hai sự kiện có cùng một nguồn gốc. Ngoài ra, nơi xây đền thờ không phải được chọn một cách tùy ý, nhưng được xây tại nơi chôn cất thánh nhân, và điểm hội tụ của thánh đường này chính là nơi được gọi là “Bàn thờ tuyên xưng Đức tin”, ngay trên mộ của thánh Phêrô.
Ngày 4 tháng 7 năm 1979, khi mừng lễ Thánh Phêrô và Phaolô lần đầu tiên ở Roma, ĐTC Gioan Phaolô 2 nói : “Tại đây, trung tâm của chính Giáo Hội, mầu nhiệm của ơn gọi đặc biệt đã dẫn thánh Phêrô từ hồ Genezareth đến Roma, và cũng dẫn theo Phaolô thành Tarsa, theo vết của thánh Phêrô, mầu nhiệm mạnh mẽ nói với chúng ta về thực tại lịch sử của ngài. Tất cả chúng ta đang sống trong cơn lốc của nền văn minh hiện đại, trong sự lo âu của đời sống tân tiến, chúng ta phải dừng lại đây và suy niệm về thể thức phát sinh Giáo Hội này, một Giáo Hội, do ý Chúa, đã trở thành trung tâm và “thủ đô” của một sứ mạng rất cao cả: Giáo Hội mà tất cả các Giáo Hội khác đến đây hành hương, tìm thấy trong đó nền tảng sự hiệp nhất của mình… Sự kế nhiệm trên ngai tòa giám mục này có một ý nghĩa, không những đối với Giáo Hội địa phương ở Roma này, nhưng cho cả Giáo Hội hoàn vũ nữa, nghĩa là mỗi Giáo Hội địa phương đều thuộc về cộng đồng hoàn vũ. Tất cả điều đó có một ý nghĩa rõ ràng, thực vậy, chính Chúa Kitô đã ban cho thánh Phêrô quyền cởi mở và đóng lại”.
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.