Linh mục người Mỹ George Mary Searle (1839-1918) là nhà thiên văn học đã có công phát hiện một tiểu hành tinh nổi tiếng và 6 thiên hà.
Năm 1858, lúc 19 tuổi, chàng thanh niên Searle đã phát hiện tiểu hành tinh 55 Pandora và kế đến tìm ra vị trí của 6 thiên hà nằm ngoài Dải Ngân hà, sau đó thì anh chọn đi theo ơn gọi.
Học vấn và con đường khám phá thiên văn
Cha George Mary Searle sinh ngày 27.6.1839 ở London (Anh), con của ông bà Thomas và Anne (Noble) Searle. Năm 1840, khi mới tròn tuổi, cậu bé Searle lâm vào tình cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và được người thân đưa đến Mỹ để nuôi dạy ở TP Brookline (bang Massachusetts). Năm 18 tuổi (1857), chàng trai trẻ Searle tốt nghiệp cử nhân của Đại học Harvard và lấy bằng thạc sĩ cùng trường này vào năm 1860. Năm 1896, khi đã gia nhập dòng Thừa sai Thánh Tông đồ Phaolô, vị tu sĩ được trao học vị tiến sĩ danh dự ngành triết của Đại học Công giáo Mỹ tại thủ đô Washington D.C.
Con đường đến với thiên văn được khởi đầu khi cha Searle tham gia tính toán các biểu đồ cho Lịch Thiên văn và Niên giám Hàng hải của Mỹ. Lần đầu tiên xuất bản năm 1852, đây là ấn bản chứa những thông tin cần thiết cho các nhà thiên văn học, thám hiểm và hàng hải. Một thời gian dài ban đầu, Lịch Thiên văn và Niên giám Hàng hải của Mỹ hoàn toàn dựa trên những tính toán của con người, và cha Searle tham gia vào công đoạn này.
55 Pandora |
Kế đến, ngài làm việc cho nhà thiên văn học Benjamin A. Gould ở Đài Thiên văn Dudley ở TP Albany (bang New York) và Cơ quan Khảo sát Bờ biển Mỹ ở TP Cambridge (bang Massachusetts). Vào ngày 10.9.1858, cha ghi tên vào lịch sử thiên văn học khi tìm ra tiểu hành tinh 55 Pandora trong lúc làm việc ở Đài Thiên văn Dudley.
Pandora có kích thước 66,7km và đang xoay quanh Mặt trời trên quỹ đạo 4,58 năm. Tiểu hành tinh này bắt nguồn từ vành đai chính ở giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc. Pandora không bị xếp vào danh sách các tiểu hành tinh gần Trái đất (NEO) vì quỹ đạo không đến gần hoặc cắt ngang quỹ đạo của Trái đất trong lúc di chuyển quanh Mặt trời.
Sách của cha Searle
|
Đi tu nhưng vẫn đam mê khoa học
Từ năm 1862 đến 1864, cha Searle dạy toán ở Học viện Hải quân Mỹ tại TP Newport (bang Rhode Island). Sau giai đoạn này, ngài làm trợ lý tại Đài Thiên văn Đại học Harvard và bắt đầu mối quan hệ thân thiết về nghề nghiệp với nhà thiên văn nổi tiếng của Mỹ là Samuel P. Langley. Năm 1868, cha gia nhập dòng Thừa sai Thánh Tông đồ Phaolô và sống tại trụ sở của dòng ở New York cho đến cuối thập niên 1880.
Năm 1889, theo lệnh Bề trên, cha chuyển đến nhận nhiệm vụ ở cơ sở mới của dòng tu tại Đại học Công giáo Mỹ ở Washington D.C. Tại đây, cha dạy các môn toán và thiên văn học, làm Giám đốc Đài Thiên văn của đại học và được trao bằng tiến sĩ năm 1896. Các cuộc thí nghiệm về lực cản và đường đạn của cha đã dẫn đến phát minh thiết bị đo khoảng cách cho Hải quân Mỹ. Từ năm 1904 đến năm 1909, cha được bổ nhiệm là Bề trên Tổng quyền thứ tư của dòng Thừa sai Thánh Tông đồ Phaolô và kế đến là cha tuyên úy của Trung tâm Truyền giáo Newman ở Đại học California tại Berkeley.
Trong giai đoạn từ năm 1900 đến 1911, cha Searle có liên hệ với Viện Smithsonian và tham gia một số chương trình phục vụ nghiên cứu khoa học. Một trong số đó là chuyến đi vào tháng 5.1900 đến Wadesboro (bang Bắc Carolina) để quan sát nhật thực toàn phần, và cha đã sử dụng máy ảnh hiện trường trong dịp này. Tính toán của cha về quỹ đạo và sự tái xuất của sao chổi Halley năm 1910 sau đó được chứng minh là chính xác. Bên cạnh đó, ngài còn thiết kế trần nhà của nhà thờ mẹ của dòng Thừa sai Thánh Tông đồ Phaolô với những mô tả về các vì sao và hành tinh, dựa vào sắp xếp trên thực tế của bầu trời đêm vào ngày 25.1.1885, đêm nhà thờ được thánh hiến.
Năm 1905, cha Searle công bố ý tưởng về những cải cách có thể thực hiện cho Lịch Gregory (tức dương lịch, gồm 365 ngày). Theo đó, ngài đề xuất ấn định ngày đầu năm mới vào Chúa nhật. Trong những năm thường, lịch mới sẽ có đúng 52 tuần, hoặc 364 ngày, với tháng 2 rút ngắn còn 27 ngày. Vào năm nhuận, tổng cộng sẽ có 53 tuần, hoặc 371 ngày. Tuần bổ sung được xem là tuần nghỉ lễ, vào giữa tháng 4 và tháng 5. Năm nhuận rơi vào năm thứ 5, trừ những năm chia được với 50 và ngoại trừ một năm thứ 5 khác vào năm 400. Kết quả là bộ lịch sẽ có 20.871 tuần trong 400 năm. Tuy nhiên, đề xuất không được thông qua.
Cha về với Chúa ngày 7.7.1918 và để lại những di sản quý báu cho dòng tu lẫn ngành thiên văn học của thế giới.
HỒNG HOANG
Bình luận