Cho đến nay, thầy Vicenzo Coronelli, tu sĩ dòng Phanxicô ở Ý, vẫn được công nhận là một trong những nhà chế tạo quả địa cầu và quả cầu thiên văn nổi tiếng nhất của thế kỷ 17.
Trước khi dịch Covid-19 ập đến, những du khách lần đầu đến Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) ở Paris hoàn toàn có thể bị sốc khi đứng trước hai quả cầu khổng lồ, được treo lơ lửng trên trần nhà. Ðó là công trình để đời của vị tu sĩ dòng Phanxicô Vincenzo Coronelli (1650 - 1718).
![]() |
Tiểu sử
Theo ghi chép của dòng Phanxicô, thầy Vincenzo Coronelli chào đời vào ngày 16.8.1650, nhiều khả năng ở Venice. Thầy là con thứ năm của một thợ may tên Maffio Coronelli, người Cộng hòa Venice (ngày nay thuộc Ý). Năm lên 10, cậu bé Coronelli được cha mẹ gởi đến TP Ravenna để học điêu khắc gỗ. Ðến năm 1663, cậu được nhận vào dòng Phanxicô Viện tu, và trở thành tập sinh vào năm 1665. Khi mới 16 tuổi, với tài năng xuất chúng, Coronelli đã xuất bản công trình đầu tiên trong số 140 tác phẩm của cuộc đời mình. Năm 1671, thầy đến tu viện Thánh Maria Gloriosa dei Frari tại Venice, và năm sau nhận lệnh Bề trên theo học tại Ðại học Giáo hoàng Thánh Bonaventura. Thầy hoàn thành xuất sắc việc học và trở thành tiến sĩ thần học năm 1674. Vị tu sĩ đặc biệt vượt trội trong lĩnh vực thiên văn học và hình học Euclid, những điều sau này làm nên tiếng tăm của thầy Coronelli.
![]() |
Trước năm 1678, được sự đồng ý của dòng, vị tu sĩ chính thức làm việc trên cương vị nhà địa lý học và được giao nhiệm vụ làm hai quả địa cầu và quả cầu thiên văn cho Ranuccio II Farnese, Công tước xứ Parma. Mỗi quả cầu là một tuyệt tác được khắc họa vô cùng tỉ mỉ, với đường kính lên đến 1,75 mét. Quá sức ấn tượng trước những quả cầu trên, Công tước Ranuccio II Farnese quyết định chọn thầy Coronelli làm chuyên gia thần học của Parma. Theo thời gian, danh tiếng về khía cạnh thần học của vị tu sĩ dòng Phanxicô ngày càng lan rộng, và đến năm 1699, thầy trở thành Bề trên của dòng tại Ý. Những năm sau đó, thầy Coronelli làm việc tại nhiều quốc gia châu Âu, trước khi quay về Venice vào năm 1705 và ở đây đến cuối đời.
![]() |
![]() |
Những quả cầu của thầy Coronelli được làm rất tinh xảo |
Những quả địa cầu nổi tiếng
Như đã đề cập ở trên, vị tu sĩ là người tạo ra hai quả cầu khổng lồ với đường kính 3,84 mét, trọng lượng xấp xỉ 2 tấn, đang đặt tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris. Lúc đó, Ðức Hồng y César d’Estrées, bạn thân và cố vấn của Hoàng đế Louis XIV của Pháp, trong một dịp tình cờ đã nhìn thấy những quả cầu ấn tượng tại cung điện của Công tước xứ Parma. Sau khi biết thầy Coronelli là người tạo ra chúng, Ðức Hồng y đã mời ngài đến Paris để làm quả địa cầu cho Hoàng đế Louis XIV.
![]() |
Nhận lời mời, thầy chuyển đến thủ đô Pháp vào năm 1681 và lưu trú tại đây suốt 2 năm để làm tổng cộng hai quả cầu. Mỗi quả cầu được cấu tạo từ các thanh gỗ uốn cong, với chiều dài 3 mét, rộng 10cm ở đường xích đạo. Kế đến, các lớp vữa dày khoảng 2,5 cm được phủ lên bên trên khung gỗ, trước khi bao quanh bằng một lớp vải lót, dày và chắc chắn. Một lớp vải với chất lượng cực tốt được phủ ngoài cùng, cho phép vẽ thông tin về các quả cầu ở phía trên. Thông qua những quả cầu của vua Louis XIV, các sử gia đời sau biết được chính xác thông tin về các nỗ lực khai phá Bắc Mỹ của nước Pháp vào thời đó, đặc biệt là những cuộc thám hiểm của René-Robert Cavelier, người từng khảo sát vùng Ðại Ngũ Hồ ở biên giới Mỹ - Canada, sông Mississippi và Vịnh Mexico.
![]() |
Vị tu sĩ còn là một bậc thầy về bản đồ, có nhiều đóng góp cho ngành địa lý của thế giới |
Sau khi quay về Venice, thầy Coronelli bắt đầu khởi động dự án vẽ bản đồ vũ trụ của riêng mình và xuất bản bộ sách về bản đồ nổi tiếng có tên Atlante Veneto. Cũng tại Venice, vị tu sĩ đã sáng lập tổ chức địa lý đầu tiên của thế giới, Accademia Cosmografica degli Argonauti. Ngài cũng được chọn làm nhà vũ trụ học của CH Venice. Trước khi qua đời ở tuổi 68, thầy Coronelli xuất bản 6 cuốn cuối cùng của bộ bách khoa toàn thư Biblioteca Universale Sacro-Profana. Tên của thầy đã được đặt cho Hiệp hội Nghiên cứu Ðịa cầu Quốc tế Coronelli, được sáng lập vào năm 1952 ở Vienna, cho thấy mức độ ảnh hưởng của vị tu sĩ đối với các thế hệ sau.
HỒNG HOANG
Bình luận